Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang nghiên cứu đầu tư thêm 29 cầu vượt đường bộ dành cho người đi bộ tại những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, vấn đề chính hiện nay của giao thông Hà Nội là sự gia tăng phương tiện cá nhân và tăng dân số cơ học, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn và tai nạn giao thông nhiều hơn. Để giải quyết vấn đề này cần hướng tới thiết kế những tuyến đường đa phương thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều người.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 70 cầu vượt bộ đường bộ ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học. Cầu vượt đường bộ, hầm đi bộ được xây dựng nhằm giúp cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là người đi bộ khi qua đường.
Qua thực tiễn quản lý, khai thác cũng như đánh giá của người dân, các cầu vượt đường bộ đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là các cầu trên phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu tại cổng Trường Tiểu học Tân Mai...
Đầu tháng 9/2024, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đã đề xuất bổ sung 29 cầu vượt cho người đi bộ qua đường tại các vị trí đông dân cư, cổng trường học, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 300 tỷ đồng.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, kiến tạo thêm những không gian đi bộ, qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, an toàn, từng bước kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông là một trong những nhiệm vụ được các cơ quan chức năng thành phố rất quan tâm và quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.