Đời sống

Đồng Nai: “Thủ phủ đồ gỗ” gặp khó vì thiếu đơn hàng

Thừa Thiên 03/07/2023 - 11:29

Làng nghề Hố Nai được xem là “thủ phủ đồ gỗ” của tỉnh Đồng Nai, bước sang năm 2023, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ tại đây gặp tình trạng không có đơn hàng, nhiều chủ cơ sở, cửa hàng gặp khó, có nơi phải trả mặt bằng, đóng cửa.

Toàn tỉnh Đồng Nai có gần 1.500 doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình kinh doanh về gỗ, đa số trong đó tập trung nhiều ở làng nghề Hố Nai.

Trước đây, khi chưa ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làng nghề Hố Nai được xem là “thủ phủ đồ gỗ” của tỉnh Đồng Nai, không những cung cấp gỗ, nội thất, máy móc phụ kiện liên quan đến ngành gỗ cho toàn tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên mà còn được xuất khẩu ra nhiều thị trường khó tính tại Châu Âu, Hoa Kỳ...

“Thủ phủ đồ gỗ” làng nghề Hố Nai, gỗ xếp dài hàng km, vắng bóng người mua
“Thủ phủ đồ gỗ” làng nghề Hố Nai, gỗ xếp dài hàng km, vắng bóng người mua

6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ tại Hố Nai gặp tình trạng chung là thiếu đơn hàng, các cơ sở, hộ kinh doanh thì gần như không có người tới tham quan, mua sắm.

Chạy dọc hai bên đường từ cổng chào làng nghề Hố Nai dài gần cả km, gỗ xếp đống hàng dài, một vài cơ sở kinh doanh chỉ còn người để trông coi, hàng trưng bày để lâu không bán được phủ kín bụi.

Đối với các doanh nghiệp gỗ lớn, trước đây phải tăng ca để kịp hàng cho đối tác, nay cũng rơi vào tình trạng vắng bóng công nhân, gỗ chất đống, máy móc phủ bạt. Một số ít doanh nghiệp có đơn hàng trong tỉnh thì duy trì lượng ít công nhân để sản xuất cung ứng nhằm giữ uy tín. Riêng nhiều cơ sở, hộ kinh doanh không có đơn hàng phải đóng cửa trả mặt bằng.

Thợ thủ công của một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cho một số ít người có nhu cầu
Hoạt động sản xuất tại làng nghề Hố Nai

Anh Nguyễn Trung Thành - Chủ cơ sở đồ gỗ Mỹ nghệ Thành An (Hố Nai) chia sẻ, từ cuối năm 2022 đến nay, cơ sở không có đơn hàng, chỉ sản xuất các sản phẩm trưng bày để bán nhưng cũng không có người mua. Các cơ sở kinh doanh liền kề cũng rơi vào tình cảnh chung như vậy, trước đây cơ sở lớn có đến 20 công nhân nhưng nay chỉ duy trì một vài công nhân để trông coi xưởng.

 Bà Trần Ngọc Hương, Văn phòng Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai (Dowa) cho biết, Hiệp hội có 200 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu đi nước ngoài, trong đó thị trường chính là Mỹ. Hai năm trở lại đây, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, 6 tháng đầu năm 2023 giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022, khiến các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh về gỗ gặp khó.

anh-3.jpg
Một cửa hàng trưng bày nhiều sản phẩm nhưng ít người mua khiến bụi bám đầy phải cho người quét dọn

Theo bà Hương, nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraina, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ tại Trung Quốc...

Bên cạnh đó kinh tế trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, người dân thắt chặt chi tiêu nên việc các doanh nghiệp gỗ gặp khó khăn cũng ngoại lệ. Dự báo khả năng phục hồi của ngành gỗ trong giai đoạn tới, bà Hương cho biết các doanh nghiệp gỗ sẽ còn gặp khó cho đến năm 2024.

Đề xuất một số giải pháp tạm thời để gỡ khó, chia sẻ với các doanh nghiệp gỗ trong giai đoạn hiện nay, bà Hương mong muốn các ngân hàng cần giữ mức tín dụng, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn, không tính lãi.

Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ chủ trương giảm tiền thuê đất và các loại phí; Có chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm các đơn hàng trong và ngoài nước để các doanh nghiệp gỗ sớm phục hồi sức sản xuất trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: “Thủ phủ đồ gỗ” gặp khó vì thiếu đơn hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO