Đồng Nai: Tạo điều kiện cho shipper giao, nhận hàng hóa thời dịch bệnh

T. Anh T/h| 11/08/2021 16:14

BVCL - Sở Công thương Đồng Nai vừa ban hành các quy định đối với người hoạt động giao, nhận hàng hóa (gọi là shipper). Qua đó, đã tháo gỡ khó khăn cho việc giao, nhận hàng hóa của lực lượng này trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định còn những bất cập, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lẫn shipper khiến hoạt động này chưa thông suốt trong khoảng thời gian này.

Chủ động các biện pháp phòng dịch

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, với việc khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, việc lưu thông hàng hóa, mua nhu yếu phẩm phụ thuộc rất lớn vào lực lượng shipper. Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua số lượng các ca nhiễm Covid-19 tăng cao, Đồng Nai buộc phải tăng cường các biện pháp giãn cách trong người dân và hoạt động quản lý đối với các shipper.

Sở Công thương yêu cầu đội ngũ shipper ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay còn có bảng tên thẻ cứng, xác nhận của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR, thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm… hoạt động từ 6-18 giờ mỗi ngày để thực hiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly y tế và những nơi khác.

images2389295_hinh.jpg
Shipper hoạt động trong thời gian Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ phải tuân thủ theo quy định về thời gian, địa bàn hoạt động.

Phó giám đốc Bưu điện Đồng Nai Dương Thị Việt Hương cho biết, đơn vị hoàn toàn ủng hộ những quy định nhận diện shipper để đảm bảo an toàn chống dịch. Trước đó, đội ngũ bưu tá trong tỉnh khi hoạt động đều có trang phục riêng, giấy đi đường và giấy xét nghiệm âm tính với với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày cũng như thực hiện đầy đủ các biện pháp 5K phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo bà Hương, đến nay Bưu điện Đồng Nai đã được Sở GT-VT cấp giấy nhận diện “luồng xanh” cho gần 100 phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng ô tô. Riêng đội ngũ bưu tá (hoạt động bằng xe máy) đã được tổng hợp danh sách với gần 400 xe để chờ xin cấp giấy nhận diện mã QR theo yêu cầu của các sở, ngành liên quan.

Tương tự, đại diện một đơn vị giao hàng tại TP.Biên Hòa cho biết, toàn bộ shipper của công ty đảm bảo đặc điểm nhận diện khi đi trên đường gồm: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành, ứng dụng quản lý đơn hàng, bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper. Tài xế trước khi mở ứng dụng chạy đều bắt buộc khai báo y tế theo đúng quy định.

Ngoài ra, công ty cũng đã triển khai ứng dụng nhận diện shipper thông qua mã QR, lên danh sách đơn hàng theo khu vực, địa phương riêng cho từng shipper. Công ty còn yêu cầu và triển khai dịch vụ giao, nhận hàng không tiếp xúc. Khi tới nơi tài xế sẽ để hàng ở gần đó, đứng lùi ra, khách đến lấy, hai người không tiếp xúc gần. Túi giao hàng cần được vệ sinh bằng dung dịch diệt khuẩn.

Còn vướng mắc trong quy định

Theo quy định, đối với shipper là nhân viên của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh giao/nhận hàng hóa, khi lưu thông trên đường, shipper phải mặc đồng phục và thùng hàng có logo doanh nghiệp đeo băng tay (nền xanh, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ shipper màu trắng); bảng tên thẻ cứng có hình và giấy xác nhận của doanh nghiệp cho từng người; phải sử dụng ứng dụng quản lý đơn hàng, giấy nhận diện do Sở GT-VT cấp cho phương tiện hoạt động…

images2390711_t12_1.jpg

Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều shipper, tình nguyện viên, họ đang gặp khó khăn khi tự mình phải in thẻ nhận diện, băng đeo tay trong bối cảnh cửa hàng in ấn tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16. Đây là quy định không quá cần thiết bởi shipper khi lưu thông trên đường đã trang bị đầy đủ các loại giấy nhận diện theo đúng quy định.

Anh Nguyễn Văn Hòa (chạy Grab khu vực P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lý giải, tài xế được quản lý thông qua mã QR và thẻ nhận diện mà công ty đăng ký với Sở Công thương và Sở GT-VT. Mã QR hiển thị đầy đủ thông tin về shipper, phương tiện, địa chỉ công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu và chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển. “Khi qua các chốt kiểm soát dịch hoặc gặp lực lượng chức năng trên đường, tài xế chỉ cần cung cấp mã QR, giấy xác nhận của doanh nghiệp, lịch sử đơn hàng thì cơ quan chức năng có thể kiểm tra và xác nhận quá trình hoạt động của shipper” - anh Hòa nói.

Trong khi đó, quy định các đơn vị không quản lý bằng các ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của các siêu thị, tình nguyện viên, lao động ngắn hạn…) phải thực hiện đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các địa phương phạm vi hoạt động cũng gây không ít khó khăn cho những cơ sở kinh doanh, hoạt động thiện nguyện. Việc xin giấy xác nhận chưa được các địa phương tạo điều kiện hoặc không tiếp nhận đăng ký hoạt động trên địa bàn quản lý.

Trước những vướng mắc về hoạt động của shipper, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh giao - nhận hàng hóa kiến nghị cơ quan chức năng có thể xem xét và chấp nhận phương án nhận diện shipper thông qua công nghệ và thiết bị di động, bên cạnh nhận diện thông thường như: đồng phục, thùng hàng, mũ bảo hiểm, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper và ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận.

Sở GT-VT Đồng Nai yêu cầu đối với xe mô tô 2 bánh cho shipper cần có giấy nhận diện chỉ có giá trị lưu thông để giao - nhận hàng hóa, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội theo khung giờ và địa bàn nhất định cho phép; không thay thế giấy tờ tùy thân và không được sử dụng cho mục đích khác. Khi hoạt động, shipper phải mang theo giấy nhận diện và xuất trình cho các lực lượng kiểm soát dịch khi có yêu cầu. Giấy nhận diện không còn hiệu lực, bị thu hồi trong các trường hợp: tự ý sửa chữa, tẩy xóa nội dung; bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý vi phạm hoặc khi hết thời gian giãn cách xã hội theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Tạo điều kiện cho shipper giao, nhận hàng hóa thời dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO