Đồng chí Võ Chí Công là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản kiên cường, mẫu mực

Quỳnh Như| 07/08/2022 07:23

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng, với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và Nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX.

Những ngày tháng Tám lịch sử, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang hướng về kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7/8/1912 – 7/8/2022).

07-08-2021dcvccong_2.jpg
Đồng chí Võ Chí Công ký lệnh công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, ngày 13/4/1992 tại Phủ Chủ tịch. (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930; tháng 5/1935, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1936, đồng chí làm Bí thư Chi bộ ghép; tháng 1/1940, làm Bí thư Phủ uỷ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; tháng 03/1940, làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, Đồng chí được cử vào Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên.

Năm 1943, Đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù, giam ở nhà lao Hội An, sau bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Tháng 3/1945, đồng chí được ra tù, trở về Quảng Nam, tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí là ủy viên ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời, làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chính trị viên Trung đoàn 93.

Năm 1954, đồng chí được phân công làm Đoàn uỷ viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc; giữa tháng 9/1954, được cử làm Phó Bí thư Liên Khu ủy Khu V; năm 1958, làm Bí thư Liên Khu ủy Khu V. Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và được BCH Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; năm 1978, làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam.

Tháng 3/1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng, được BCH Trung ương và Ban Bí thư phân công làm Thường trực Ban Bí thư; tháng 6/1986, được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tháng 12/1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH Trung ương và được BCH Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử tham gia Đảng uỷ Quân sự Trung ương; tháng 4/1987, được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.

Với những công lao, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Đồng chí Võ Chí Công từ người yêu nước trở thành người cộng sản, đồng chí đã lăn lộn bám dân, bám địa bàn, gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh miền Trung. Từ năm 1936 - 1939, trên cương vị Bí thư chi bộ ghép một số xã, đồng chí đã lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương; kiên trì, bền bỉ giác ngộ những người yêu nước để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, tăng cường đội ngũ cán bộ cho Đảng.

Tháng 3/1945, từ nhà đày Buôn Ma Thuột trở về, đồng chí Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng ban Khởi nghĩa, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An. Bằng nhiều biện pháp, đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong tỉnh một cách nhanh chóng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy Khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu, nhanh chóng rút về căn cứ, bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại so với những nơi khác.

Gần 30 năm lãnh đạo quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và Khu V chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ này của đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung Bộ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp.

Với trọng trách là Chủ tịch ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước, trong thành công đó có sự đóng góp rất quan trọng của đổng chí Võ Chí Công.

Những năm tháng là cố vấn BCH Trung ương Đảng, đồng chí đã tích cực góp ý kiến với Đảng và BCH Trung ương đối với những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với quá trình cách mạng, với những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và Nhân dân ta trong suốt thế kỷ XX. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản kiên cường, mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo Tổ quốc. Trong công tác, đồng chí luôn thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược. Đồng chí vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, sâu sát thực tiễn, có nguyên tắc nhưng không máy móc mà hết sức linh hoạt. Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong sinh hoạt bình dị, gần gũi mọi người, chân thành, thẳng thắn, thân ái, chu đáo, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội và Nhân dân, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đồng chí là người lãnh đạo được Nhân dân tôn trọng, quý mến.

Thành kính tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các hoạt động chính kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công: Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam”; Lễ dâng hương và trồng cây nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/8/1912 – 7/8/2022).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Võ Chí Công là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản kiên cường, mẫu mực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO