Mỗi năm một lần vào tháng 11 âm lịch, tại thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội lại diễn ra lễ hội truyền thống để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần thành hoàng làng, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Lễ hội diễn ra tại thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống uống nước nhờ nguồn, là nguồn động viên để thế hệ trẻ duy trì và phát triển văn hóa của địa phương.
Lễ hội truyền thống thôn Đỗ Hà được tổ chức vào dịp cuối năm, cứ 1 năm một lần vào 3 ngày từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng 11 Âm lịch, để ghi nhớ công lao Đức Thượng đẳng Tiêu Sơn Độc Cước đã có công lớn với đất nước Đại Việt.
Đình làng Đỗ Hà là nơi thờ tự Đức Thượng Đẳng Tiêu Sơn Độc Cước. Người có công dẹp loạn giặc cướp dưới biển và đất liền giúp dân có cuộc sống ấm no. Đình làng có cảnh quan tươi đẹp. Trong thôn có 6 dòng họ chung sống hòa thuận bao đời như họ Lương, họ Nguyễn, họ Dương... Ngôi đình làng đã được các triều vua cấp 22 sắc phong. Sắc phong đầu tiên do vua Thịnh Đức năm 1659, sắc phong thứ 22 do vua Khải Định năm 1924. Đến năm 2020, Đình Đỗ Hà vinh dự được công nhận xếp hạng di tích cấp thành phố.
Lễ hội làng Đỗ Hà mang ý nghĩa cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, muôn người, muôn nhà được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Cùng với đó là hướng về cội nguồn, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ và người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống quê hương.
Một số hình ảnh của lễ hội