Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian giản dị như lời ru của mẹ, tích tụ trí tuệ qua nhiều đời. Những sản phẩm ấy thể hiện một ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, tính nhịp điệu mang nét gợi nhớ ký ức tuổi thơ…
Làng nghề “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam
Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, những người nặn Tò he “biến” thứ bột nặn vô tri vô giác thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu.
Trong thời đại công nghệ hiện nay giữa vô vàn trò chơi hiện đại, ít ai biết rằng ở giữa lòng Thủ đô vẫn tồn tại một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp tuổi thơ bình dị - đó là làng nghề Tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Đây là cái nôi sản sinh và hội tụ những nghệ nhân Tò he hàng đầu đất nước và cũng là làng nghề Tò he “độc nhất” ở Việt Nam.
Nghề nặn Tò he không rõ chính xác có từ khi nào, những nghệ nhân nặn Tò he làng Xuân La cũng chỉ ước tính nghề này đã có trên 300 năm, nhiều gia đình có đến 4-5 đời theo nghề.
Nguyên liệu làm Tò he khá giản đơn gồm bột gạo và các loại màu làm từ hoa quả, lá của các loài cây có trong tự nhiên. Ban đầu Tò he được dùng để cúng lễ, nên thường được nặn thành hình các con vật như gà, trâu, bò, lợn, cá... Cũng chính vì thế mà người ta gọi dân dã là “đồ chơi chim cò”. Một số nơi còn gọi là “con bánh”, ngoài việc dùng để cúng lễ, làm đồ chơi, những con vật này còn có thể ăn được.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phiên, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi, từ khi sinh ra thì gia đình đã có nghề này, các cụ ngày xưa nặn Tò he từ các loại bột nếp, bột tẻ, làm xong rồi bỏ vào phên, chảo, để hấp, hấp xong sáng mai bỏ vào thúng mang đi chợ bán. Trong khoảng thời gian chiến tranh, nghề Tò hè vẫn được duy trì, tôi cũng làm nghề trong khoảng thời gian đấy, sau này hòa bình lập lại chúng tôi tự đi nặn, đi bán luôn không phải người nhà đem bán nữa. Trước kia, chúng tôi làm bột tẻ trộn với nếp nhưng bây giờ chúng tôi làm bột nếp là nhiều và hiện nay, các nghệ nhân đã nghiên cứu và thêm một số loại khác vào nên bột bền chắc hơn, khi nặn Tò he không bị bong, nứt, tạo nên những sản phẩm đẹp hơn”.
Người làng Xuân La hầu như ai cũng biết nặn Tò he. Cha truyền con nối, họ giống những chú ong chăm chỉ, mỗi ngày, những con Tò he vẫn không ngừng ra đời dưới những đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của nghệ nhân làng Xuân La.
Trăn trở tìm hướng đi mới cho Tò he
Mặc dù đã có truyền thống lâu đời, nhưng có một thời gian dài, nghề nặn Tò he gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu là gạo nếp, đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người buộc phải bỏ nghề, tìm công việc khác để mưu sinh.
Tưởng chừng như sau thờikỳ đổi mới, làng nghề Tò he sẽ có bước phát triển mới khi nguyên liệu để làm Tò he đã sẵn hơn, nhưng sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho những loại đồ chơi công nghiệp xuất hiện ngày một nhiều, lấn át các món đồ chơi dân gian.
Trong khi đó, thế hệ trẻ ngày càng có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp cho thu nhập cao, phải là những người thực sự yêu nghề mới chọn theo nghề truyền thống như nghề nặn Tò he.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phiên cho biết: “Đây là một nghề đòi hỏi người làm phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay và phải kiên trì, cần mẫn và có tình yêu thương con trẻ. Nặn ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có hồn, cảm xúc thì không hề dễ”.
Ngày nay, các nghệ nhân không chỉ nặn Tò he với hình thù đơn giản về các con vật, các loại trái cây… mà còn nặn nhiều hình thù phong phú khác như 12 con giáp, các con vật theo truyện thiếu nhi, phim hoạt hình, đặc biệt là các nhân vật mà trẻ em yêu thích.
Ông Đặng Huy Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: “Ngoài nét đẹp văn hóa thì Tò he cũng là nghề mang lại nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.
Ở thôn Xuân La có rất nhiều người biết nặn Tò he nhưng hộ tham gia chính thì có hơn 100 hộ với 145 nghệ nhân thường xuyên làm nghề, đây đều là những người tâm huyết với nghề, tham gia làng nghề để lưu giữ nghề Tò he.
Ngoài là đồ chơi, Tò he còn là sản phẩm để phát triển kinh tế địa phương, phát triển kinh tế cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế cho thôn, cho xã. Chính quyền địa phương cũng đang có những chủ trương quy hoạch lại và tổ chức lại, tiến tới đưa Tò he ngoài việc là nghề truyền thống ra còn là làng nghề thu hút khách du lịch đến thăm quan và là mũi nhọn, thế mạnh để phát triển sau này”.