Kinh tế

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà: “Ông tổ” ngành sơn Việt Nam

Thanh Tâm 29/05/2024 - 19:18

Được xưng tụng là “ông tổ” ngành sơn Việt Nam, cái tên Nguyễn Sơn Hà cùng hãng sơn Gecko với logo là hình con tắc kè xanh đang cong đuôi bám bốn chân vào thân cây cổ thụ không chỉ vang danh khắp cõi Đông Dương, vượt sang cả Thái Lan và cả trên đất Pháp.

vnf-nguyen-son-ha.jpg
Ông Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội.

Sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), cái tên Sơn Hà được ghép từ chữ đầu của quê quán và nơi ông sinh ra. Lớn lên trong một gia đình có 7 anh em, năm 14 tuổi, cha bệnh nặng qua đời, gánh nặng kinh tế gia đình đặt cả lên vai chàng trai trẻ. Vốn được học cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, Nguyễn Sơn Hà xin được coi phụ bàn giấy cho một hãng buôn Pháp. Sau đó, ông bỏ việc, sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Đây được coi là bước ngoặt cuộc đời của Nguyễn Sơn Hà trong hành trình định hình thương hiệu cá nhân đối với ngành sơn.

Quyết tâm tay trắng làm nên nghiệp!

Nguyễn Sơn Hà luôn luôn ý thức trước hết phải học, phải hiểu kỹ thuật làm sơn của người phương Tây. Nhưng lúc đó, tất cả các tài liệu kỹ thuật này đều viết bằng tiếng Pháp. Để đọc được tủ sách của chủ, ban ngày ông làm việc, buổi tối tìm thầy học thêm tiếng Pháp, đọc hết tủ sách của ông chủ.

to1.jpg
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà - “Ông tổ” ngành sơn dầu của Việt Nam.

Năm 1917, chủ hãng sơn nơi ông làm thuê qua đời, vốn đã nắm được công nghệ làm sơn cũng như tích lũy kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà quyết tâm “ra riêng” với vốn liếng là tiền bán chiếc xe đạp cũ, tài sản duy nhất ông có lúc bấy giờ, dùng tiền để mua một chiếc máy xay bột. Loại máy này giúp ông nghiền nguyên liệu để chế tạo sơn.

Từ một cửa hàng nhỏ chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa, Nguyễn Sơn Hà cùng những người anh em trong gia đình đã bí mật chế tạo sơn dầu. Từ lý thuyết đến thực tiễn quả là một hành trình dài với nhiều thất bại, không nản lòng, ông cùng ekip đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu chế tạo sơn dầu từ những nguyên liệu sẵn có trong nước tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới, phù hợp với thời tiết, thẩm mỹ người Việt. Mẻ sơn đầu tiên được đóng hộp bán ra thị trường với thương hiệu “Resistanco” (tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”) chính là dấu ấn đầu tiên của ngành sơn dầu Việt.

Nhiều mẫu sơn hoàn hảo sau đó đã ra đời với các tên gọi Resistanco A, Resistanco B dùng cho sơn xe đạp, Durolac sơn ô tô... được Nguyễn Sơn Hà mang tới hãng Descous et Cabaud của Pháp để quảng bá. Bị thuyết phục bởi chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, chiết khấu lớn do nhân công, nguyên liệu hoàn toàn trong nước, Descous et Cabaud chính thức trở thành đại lý tiêu thụ sơn Việt. Từ đây, danh tiếng của doanh nhân Việt cũng như thương hiệu Resistanco ngày càng vang dội, sản phẩm của ông không chỉ chiếm lĩnh thị trường khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mà còn vượt sang các quốc gia láng giềng như: Lào, Campuchia, Thái Lan... chinh phục cả người tiêu dùng Pháp.

to5.jpg
Hải Phòng đầu thế kỷ XX - Ảnh tư liệu

Với những thành công ban đầu, ở tuổi 26, Nguyễn Sơn Hà mở rộng cơ ngơi với xưởng sản xuất 7.000m2 tại Lạch Tray, Hải Phòng. Từ những chiếc cối đá mua ở chợ, công nghệ sản xuất sơn của ông được trang bị máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Thương hiệu Gecko cùng với logo có hình con tắc kè xanh cong đuôi bám vào thân cây cổ thụ chính thức được doanh nhân Việt lựa chọn, trở thành biểu tượng, đánh dấu tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.

Từ doanh nhân giàu lòng yêu nước đến đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

“Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất/ Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ” (Lấy hóa học người Âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có/ Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên”). Đó là những lời ca tụng Phan Bội Châu dành cho Nguyễn Sơn Hà. Và cũng chính cuộc gặp gỡ định mệnh với chí sĩ yêu nước ấy trên đất Huế đã tác động sâu sắc tới ông chủ hãng sơn Gecko.

Nguyễn Sơn Hà bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân. Với danh tiếng và uy tín sẵn có, Nguyễn Sơn Hà tranh cử hội đồng thành phố Hải Phòng với mong muốn mở mang dân trí, thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào. Con đường chính trị của doanh nhân yêu nước bắt đầu bằng các hoạt động trong Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá Quốc ngữ. Không chỉ mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi, cứu đói dân nghèo, ông đấu tranh đòi Nhật, Pháp mở kho cứu tế. Ông cùng gia đình đã đóng góp 4 vạn đồng làm tài chính cho Đảng Cộng sản Đông Dương, vận động các nhà tư bản cùng hiến tặng 105 cây vàng trong “Tuần lễ vàng” do do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động năm 1945. Vợ và con gái ông cũng hiến tặng toàn bộ số nữ trang gồm vàng bạc, đá quý nặng tới 10,5kg, bản thân ông không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương bỏ vào thùng quyên góp.

Không chỉ được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng, Nguyễn Sơn Hà còn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và được đích thân Người đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Khiêm nhường từ chối chức vụ, gia đình ông đón tin buồn khi Nguyễn Sơn Lâm - người con cả hi sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Đông Khê - Hải Phòng. Quyết tâm đi theo cách mạng, Nguyễn Sơn Hà không chỉ hiến toàn bộ tài sản, bỏ lại nhà xưởng, đồn điền đi theo cách mạng bỏ ngoài tai những lời dỗ ngon ngọt của thực dân Pháp.

Theo kháng chiến lên Việt Bắc, dù cơ sở vật chất khó khăn, tài năng của nhà sáng chế Nguyễn Sơn Hà được thể hiện qua những sản phẩm thiết thực, chất lượng, tiện dụng cho quân và dân ta như: Giấy than đánh máy, mực in lito, vải che mưa, vải nhựa cách điện. Ông còn chế tạo thành công lương khô, làm xì dầu đặc, thuốc ho với chất lượng cao, dễ bảo quản. Với những đóng góp của mình, Nguyễn Sơn Hà hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Ông chính là người từng thay mặt Quốc hội khóa I trao thanh kiếm “Mã đáo thành công” cho Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc.

Sau kháng chiến, “Ông tổ ngành sơn dầu Việt” trở về Hải Phòng - nơi đánh dấu quãng đời oai hùng trên thương trường của mình. Ông hiến hết số tiền còn lại cho Chính phủ (trên 74.950 đồng, quy ra 370 cây vàng lúc đó) và tiếp tục sự nghiệp chính trị vẻ vang với vai trò đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV, V.

Không ngừng miệt mài nghiên cứu, những năm cuối đời, Nguyễn Sơn Hà vẫn trăn trở thử nghiệm sản xuất sơn máy bay, viết sách và truyền dạy kinh nghiệm kinh doanh cho lớp trẻ. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.

Tô điểm cuộc đời mình bằng sự miệt mài lao động sáng tạo không ngừng gắn với tình yêu thương đồng bào, nhà tư bản yêu nước Nguyễn Sơn Hà được tôn vinh như người khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu Việt Nam. Thành công vang dội của ông cùng con đường lập nghiệp từ hai bàn tay trắng với ý chí quyết tâm, tinh thần dân tộc là bài học lớn cho nhiều thế hệ doanh nhân sau này./.

Vượt qua mọi thử thách, hãng sơn Gecko trở thành thương hiệu nổi tiếng của người Việt, có đại lý độc quyền ở Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) và cả trên đất Pháp. Thành quả ấy càng cho thấy chiến lược, tầm nhìn của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.
Cùng với Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, năm 2006, Nguyễn Sơn Hà được truy tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Nhiều con đường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo tên ông. Căn nhà Nguyễn Sơn Hà và gia đình từng sinh sống cũng được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà: “Ông tổ” ngành sơn Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO