Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Tại dự thảo, cơ quan này đề xuất nhiều quy định "dễ thở" hơn đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), vi phạm nồng độ cồn được phân chia thành 3 ngưỡng. Thấp nhất là chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở, tiếp theo là vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở, cao nhất là vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Với ô tô, người điều khiển phương tiện nếu vi phạm ở ngưỡng thấp nhất sẽ bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng; các ngưỡng cao hơn thì mức phạt lần lượt là 16 - 18 triệu đồng và 30 - 40 triệu đồng. Với xe máy, mức phạt cũng tương ứng với từng ngưỡng nồng độ cồn, thấp nhất là 2 - 3 triệu đồng, cao hơn là 4 - 5 triệu đồng và 6 - 8 triệu đồng.
Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền đối với ngưỡng vi phạm nồng độ cồn thấp nhất. Với người điều khiển ô tô, mức phạt giảm còn 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; với người điều khiển xe máy, mức phạt giảm còn 400.000 - 600.000 đồng. Các ngưỡng vi phạm còn lại, mức phạt vẫn giữ nguyên.
Song song với giảm phạt tiền, Bộ Công an còn đề xuất áp dụng hình thức xử lý trừ điểm GPLX thay cho tước quyền sử dụng GPLX.
Nghị định 100/2019 quy định nếu vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất, người điều khiển phương tiện (cả ô tô và xe máy) sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX 10 - 12 tháng. Với các ngưỡng cao hơn, thời gian tước quyền sử dụng GPLX lần lượt là 16 - 18 tháng và 22 - 24 tháng.
Trong khi đó, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực kể từ 1.1.2025, quy định mỗi GPLX có 12 điểm, điểm GPLX sẽ bị trừ khi người điều khiển phương tiện vi phạm. Để quy định chi tiết điều này, Bộ Công an đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất, người điều khiển phương tiện (cả ô tô và xe máy) sẽ bị trừ 2 điểm trên GPLX, ngưỡng tiếp theo bị trừ 10 điểm, ngưỡng cao nhất bị trừ 12 điểm.
Như vậy, so với quy định đang áp dụng, dự thảo của Bộ Công an có phần "dễ thở" hơn đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Hiện nay, chỉ cần vi phạm thì người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX; còn theo dự thảo, chỉ khi vi phạm ở ngưỡng cao nhất, người điều khiển mới bị trừ hết điểm GPLX.
Thuyết minh về đề xuất giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất, Bộ Công an cho hay điều này nhằm phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Việc giảm nhẹ chỉ áp dụng với ngưỡng nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở, các ngưỡng cao hơn vẫn sẽ bị xử lý như hiện nay.
Đối với quy định trừ điểm thay cho tước quyền sử dụng GPLX, Bộ Công an cho hay hình thức này vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên chấp hành pháp luật đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Mỗi lần bị trừ điểm sẽ như là "tiếng chuông" cảnh báo, giúp lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.
Khi GPLX chưa bị trừ hết điểm, dù vi phạm nhưng lái xe vẫn có cơ hội tiếp tục được điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Quy định như vậy còn giúp quản lý người lái xe từ khi đào tạo, sát hạch, được cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật cũng như việc tái phạm.
Bộ Công an cũng đang đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi vi phạm bị trừ điểm GPLX. Số điểm bị trừ tương ứng với tính chất, mức độ của từng hành vi. Trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi sẽ bị trừ 12 điểm - tức là chỉ cần vi phạm 1 lần là bị trừ "hết sạch" điểm.
Đây đều là những hành vi có tính chất cố ý vi phạm, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, gồm: vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng cao nhất, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, chở hàng vượt trọng tải trên 150%, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ…
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Nếu bị trừ hết điểm, người có GPLX không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó, sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm thì được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do CSGT tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.