Thảo luận về về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), chiều 22/11, các các đại biểu tán thành với nhiều quy định trong dự thảo Luật.
Trong đó có Điều 15, dự thảo Luật quy định: "Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quyết định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ".
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, trong các vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thu thập chứng cứ để làm căn cứ buộc tội. Nhưng khi thấy việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, Tòa án có quyền yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc công bằng và nguyên tắc suy đoán vô tội.
Tương tự như vậy, trong các vụ án dân sự, Bộ luật Dân sự có quy định về quyền tự định đoạt của đương sự. Khi đương sự khởi kiện phải cung cấp tài liệu chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình nhằm mở rộng nguyên tắc quyền quyết định và quyền định đoạt. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng đã quy định quyền, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trở thành nguyên tắc cơ bản.
“Tòa án xét xử theo hướng chứng cứ đến đâu, xét xử tới đó. Tòa án không tự mình thu thập chứng cứ mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho đương sự trong một số trường hợp nhất định”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính phân tích.
Theo đại biểu, Tòa án đi thu thập tài liệu cho đương sự, vô hình chung đã làm thay việc cho đương sự khiến họ trông chờ, ỷ lại vào Tòa án, lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc so với biên chế hiện nay và giải quyết vụ án sẽ bị kéo dài”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho biết, các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò bên đương sự trong việc chứng minh sự việc. Trong suốt quá trình tố tụng, bên nguyên đơn và bên bị đơn liên tục công bố chứng cứ, lý lẽ, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận cho quyền lợi hợp pháp của mình trước Tòa án.
“Nếu một bên từ chối không cung cấp chứng cứ hoặc không trả lời về một vấn đề nào đó, Thẩm phán sẽ ban hành lệnh buộc người từ chối phải cung cấp chứng cứ hoặc áp dụng các chế tài cần thiết. Nếu người không cung cấp chứng cứ là bị đơn thì Thẩm phán xét quyết định giải quyết vụ kiện hoàn toàn trên chứng cứ do nguyên đơn xuất trình tại Tòa”, ông Chính nói.
Cùng có chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập sẽ không khách quan.
“Mặt khác, Tòa án sẽ có tâm lý không coi trọng chứng cứ do các bên cung cấp, từ đó có thể đánh giá thiếu đầy đủ các chứng cứ do các bên cung cấp. Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan để Tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài nhân danh Nhà nước phán xử trên cơ sở chứng cứ do các bên đưa ra”.
Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định, trường hợp nếu đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án hỗ trợ bằng việc ban hành quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự mà không chỉ giới hạn đương sự là người yếu thế.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị bổ sung quy định, chế tài đối với các tổ chức, cá nhân không cung cấp tài liệu, chứng cứ khi có quyết định của Tòa án.