Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng – Tổng Biên tập Báo Công lý, một cái tên cũng không hẳn nhiều người biết vì đức tính khiêm nhường, kín đáo của anh trong số các Tổng Biên tập trong “làng báo”. Tuy nhiên, với nhiều bạn bè, đồng nghiệp thân quen cũng như người trong ngành Tòa án đã biết anh ngoài nghề làm báo, còn mang trong mình một tâm hồn thơ rất riêng. Anh không phải là nhà thơ, nhưng rất thích làm thơ. Và với những người anh em thân thiết gắn bó thì đều hiểu anh làm thơ không phải để “khoe mẽ” hay trưng trổ, mà chỉ đơn thuần là phương tiện để anh ghi lại những khoảnh khắc rung động của bản thân với nỗi niềm trăn trở trong cuộc sống.

Người xưa có câu "cơm áo không đùa với khách thơ" có lẽ phần nào đúng với những tâm hồn lãng mạn. Với Nguyễn Mạnh Hồng, thơ anh không chỉ trói gọn trong chuyện tình yêu đôi lứa, mà hầu hết các bài thơ của anh ẩn chứa những nỗi niềm, những day dứt, những trăn trở và cả những chiêm nghiệm, những sẻ chia trước những cảnh đời mà anh từng đối diện, từng chứng kiến trong hành trình cuộc sống cũng như trong cuộc đời làm báo ngành Tòa án của mình.

2.jpg

Trong “gia tài” thơ của anh, có không ít bài đã từng được các nhạc sỹ phổ nhạc và tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Năm 2015 nhân Kỷ niệm 70 năm Truyền thống Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao phát động cuộc thi sáng tác âm nhạc về ngành Tòa án nhân dân, bài thơ “Tự hào Người Thẩm phán Tòa án nhân dân” của anh được phổ nhạc, đạt Giải Nhất cuộc thi và cho đến nay vẫn được coi là ca khúc có giá trị nhất khắc họa thành công hình ảnh người Thẩm phán giữ trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp chế XHCN trong sự nghiệp cách mạng mới của dân tộc.

Và mới đây nhất, bài thơ "Còn tình yêu ở lại" của anh đã được nhạc sĩ Hải Nam phổ nhạc. Bài hát như một câu chuyện được kể bằng âm nhạc, nói về sự tan vỡ, chia ly của một gia đình.

3.jpg

Dẫu chỉ nghe một lần, "Còn tình yêu ở lại" cũng có thể dễ dàng khiến người ta rưng rưng, xúc động. Bởi người nghe tìm thấy trong mỗi ca từ, mỗi giai điệu là sự đồng cảm xen lẫn xót xa. Lời ca cất lên người nghe đã hình dung ra câu chuyện buốt lòng:

"Con vẫn đứng sân Toà / Đường về nhà xa ngái / Phiên toà vừa khép lại / Cha mẹ dời gót đi..."

Mở đầu bài hát là hình ảnh một đứa trẻ đứng bơ vơ giữa sân Tòa, sau phiên xét xử cuộc ly hôn của cha mẹ. Chỉ bằng vài chữ, vài câu giản đơn, dung dị nhưng Nguyễn Mạnh Hồng đã khiến người đọc, người nghe day dứt đến khôn cùng. Bởi ai cũng biết rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, dù đã trưởng thành hay còn ấu dại, nếu không may thiếu bố hoặc mẹ thì người ta luôn cảm thấy cô đơn, trống vắng đến vô cùng.

"...Đây bản án chia ly / Nào có ai do dự / Cha mẹ tình mẫu tử / Đâu biết con còn đây..."

Đoạn tiếp theo của bài hát gợi cho người nghe cảm nhận về khoảng trống mênh mông và nỗi cô đơn, sự hoảng hốt của những đứa trẻ bị bỏ rơi khi “cha, mẹ dời gót đi”.

"...Đâu nào còn hạnh phúc /Tình cốt nhục phân ly”. Rồi sau này đứa trẻ sẽ đi đâu, về đâu, biết nương tựa vào ai, mà đường đời thì xa hun hút?

Dường như là sự bất lực không chỉ của đứa trẻ thơ dại, mà của cả người nghe ca khúc khi tác giả day dứt:

“Thôi hãy để mẹ đi / Cha cũng về bến mới / Biển tình yêu vẫy gọi / Cánh buồm xa mất rồi!..."

4.jpg

Chả biết “anh chồng, cô vợ” trong “Còn tình yêu ở lại” rồi sau này sẽ ra sao, duyên mới sẽ thắm đến mức nào, liệu “đò nát đụng nhau”, họ có tìm được “bến mới” yên bình để nương náu phận người? Chỉ biết rằng sau buổi chia ly này, đã có những đứa trẻ bị bỏ lại giữa sân Tòa, và đi đâu về đâu giữa chiều hoàng hôn đang buông xuống và màn đêm kia sập lại? Mà đầu xanh con trẻ thì có tội tình gì, và điều quan trọng nữa là đường đời nhiều lắm những chông gai, con người ta luôn cần một mái ấm để trở về. Không còn tổ ấm, đứa trẻ biết bấu víu vào đâu?

Không phải ngẫu nhiên mà người ta bảo, trong mỗi cuộc hôn nhân tan vỡ, thiệt thòi nhất là những đứa trẻ. Điều ấy cũng phải thôi. Bởi bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, còn những đứa trẻ, chúng biết đi đường nào? Có đôi khi bố mẹ xoa tay hỉ hả vì mình vừa được giải thoát khỏi nhau, nhưng họ nào biết rằng vết thương mà mình gây ra cho những đứa trẻ sẽ có hệ lụy tệ hại nhiều khi lớn đến vô cùng.

Họ sẽ phải chịu trách nhiệm, và với những ông bố bà mẹ còn lương tâm nhiều khi cắn dứt suốt đời khi những đứa trẻ bị cuộc đời xô ngã. Tuy nhiên trước khi điều đó xảy ra, thì trách nhiệm của những người xung quanh, của xã hội - như tác giả gửi gắm, lại có một “màu hồng tươi sáng. Đó là lời động viên, an ủi, và lớn hơn nữa là những bàn tay đón nhận, cưu mang:

"...Chị mong em là người / Vững vàng trong bão tố / Chị, bàn tay chắn gió / Hãy vững vàng nhé em...”

Đó là sự nhân văn, là thông điệp “Không ai bị bỏ lại phía sau” của xã hội chúng ta đang sống mà bằng hình tượng văn học tác giả đã nhắn nhủ, gửi gắm. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, và đây đứa trẻ đã được “bàn tay chị” cũng chính là bàn tay của chúng ta, là của cộng đồng xã hội động viên, giang tay đưa em bé đi về phía chân trời tươi sáng:

“Thôi nghĩ ngợi làm chi / Mặt trời hồng đã sáng / Kìa bình minh ló rạng / Nắm tay chị cùng đi…!"

5.jpg

Quả thật, khi nghe “Còn tình yêu ở lại”, người ta không khỏi bật lên mong ước: Giá như mỗi cặp vợ chồng trước khi đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn, họ có thể dừng lại phút giây để lắng nghe bài hát lấy một lần. Vì biết đâu đấy, sau khi nghe xong họ sẽ ngẫm ngợi và lắng lại bản thân mình để nghĩ đến các con. Nếu được vậy thì sẽ không có bản án nào được tuyên, không còn sự phân ly cốt nhục, và như vậy sẽ không còn những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác giữa dòng đời.

Có lẽ là một người trầm lắng, cả nghĩ và nỗi niềm lo toan, nên trong tác phẩm này của Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng đã mang tải thông điệp có giá trị nhân văn. Trong “Còn tình yêu ở lại”, hình ảnh “Người chị” được anh xây dựng chính là nhân cách hóa một nhân vật mà ai trong chúng ta soi vào trong đó cũng có thể thấy đó chính là mình. “Bàn tay chắn gió” ấy có thể là của người thân, là ai đó trong chúng ta và là của cộng đồng xã hội chìa ra để đứa trẻ có chỗ vịn vào. Nói cách khác, nhân vật trong câu chuyện đời của Nguyễn Mạnh Hồng là đứa trẻ, dẫu hoàn cảnh bi đát nhưng sẽ không bị dòng đời bão tố xô đẩy, cuốn đi khi có “bàn tay” trách nhiệm của mỗi chúng ta, nói rộng ra là của toàn xã hội. Nhờ đó những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ vững vàng đứng lên và đi về phía trước.

6.jpg

Có thể nói, "Còn tình yêu ở lại" không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật đơn thuần mà còn mang hơi thở cuộc sống cũng như tính thời sự rất cao trong thời điểm hiện nay. Mỗi câu, mỗi chữ, mỗi thanh âm, mỗi giai điệu trong ca khúc này khi cất lên có thể nói là một tiếng chuông cảnh báo, là sự nhắc nhớ thức tỉnh dành cho các cặp vợ chồng trong xây dựng tổ ấm. Nó giúp tất cả chúng ta, không loại trừ một ai luôn nhận ra giá trị cuộc sống với hai chữ “Gia đình” thiêng liêng và hạnh phúc khi cùng nhau vun vén, xây đắp để từ đó có tổ ấm vững bền; không bao giờ vì bất luận lý do nào đó để có những đứa trẻ bị xô đẩy ra giữa dòng đời không biết đi đâu về đâu.

Tôi không muốn lạm bàn sâu thêm về những câu chuyện đời đã và đang xảy ra trong nhịp sống xã hội, nhưng trong khoảng giới hạn có thể chỉ xin được nói rằng sức mạnh và giá trị của nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng rất khó có thể tìm được từ ngữ vừa ý để lột tả, bởi như chúng ta đã biết rằng, nhân loại bất tử là bởi nhân loại có tình yêu, âm nhạc bất tử là bởi âm nhạc chạm đến cảm xúc và nói lên được nỗi lòng của người nghe mà ai cũng thấy có mình trong đó. Khi ca khúc đã gói ghém tâm tư, những nỗi niềm trăn trở trước những hoàn cảnh cuộc đời, như ca khúc “Còn tình yêu ở lại” của Nguyễn Mạnh Hồng, tôi tin có một giá trị rất đặc biệt.

7.jpg

Mùa Xuân đã về, có lẽ nói đến ca khúc này trong chúng ta không ai không mong ước có được một tổ ấm gia đình. Và hạnh phúc của mỗi gia đình làm nên tổ ấm cả cộng đồng rộng lớn. Gia đình là tế bào của xã hội, chắc chắn rồi: Tổ ấm của mỗi gia đình chúng ta là nền tảng vững chắc nhất để xây dựng một xã hội bình yên, hạnh phúc!

Cảm ơn tác giả Nhà báo Nguyễn Mạnh Hồng đã chia sẻ với chúng ta một góc nhìn hy vọng về cảnh đời sau những đổ vỡ chia ly. Cảm ơn nhạc sĩ Lê Hải Nam với sự đồng điệu, thông qua những cung bậc giai điệu cho bài thơ của Nhà báo được chắp cánh bay xa. Tôi hy vọng “Còn tình yêu ở lại” sớm được tác giả cho ra công chúng qua đó nhắn nhủ đến mỗi người về những giá trị của yêu thương tình người. Đúng như tên của ca khúc này, nó cần được nâng niu, gìn giữ để mái ấm của mỗi gia đình chúng ta luôn là nơi hạnh phúc nhất và cũng là nơi của sự đoàn viên khi mỗi độ Xuân về.

Nội dung: Trương Ngọc Phú

Thiết kế: Mai Đỉnh

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Day dứt của người làm báo Tòa án qua ca khúc “Còn tình yêu ở lại”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO