Đan Phượng (Hà Nội): Dấu hiệu giả mạo hồ sơ để được cấp GCNQSDĐ

PV| 29/11/2021 05:05

BVCL - Mặc dù tài sản đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các thành viên trong gia đình nhưng chính quyền địa phương đã dựa vào hồ sơ có dấu hiệu giả mạo chữ ký để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

1.jpg
Mảnh đất liên quan đến thửa đất số 04, tờ bản đồ số 02, diện tích 50,4m (nay là thửa đất số 10, tờ bản đồ số 30)

Phản ánh tới Báo Công lý, ông Nguyễn Phương Lâm (Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mẹ đẻ ông là bà Nguyễn Thị Bé (sinh năm 1938, chết năm 2001) có chồng là ông Nguyễn Văn Tỵ (Liệt sỹ). Bà Bé sinh được 03 người con gồm ông Nguyễn Đức Phương, sinh năm 1956, Nguyễn Phương Lâm, sinh năm 1962 và bà Nguyễn Thị Bắc, sinh năm 1964.

Trước khi chết do tai nạn, bà Bé không để lại di chúc, di sản của bà để lại bao gồm một quyền sử dụng đất của thửa đất có diện tích 1023m2, thuộc thửa đất số 63, tờ bản đồ số 41, thửa đất có địa chỉ tại phố Thụy Ứng, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Thửa đất hiện đang được kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

Và một quyền sử dụng đất của thửa đất ruộng có địa chỉ tại xứ đông Cửa Mi. Thửa đất ruộng này sau khi bà Nguyễn Thị Bé mất nằm trong diện tích quy hoạch của địa phương nên năm 2006 đã bị thu hồi và được đền bù bằng quyền sử dụng đất diện tích 34m đất sản xuất kinh doang dịch vụ phi nông nghiệp. Phần diện tích bà Bé được đền bù thuộc thửa đất số 04, tờ bản đồ số 02, có địa chỉ tại khu Gò Mèo, phố Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Sau khi bị thu hồi và đền bù, toàn bộ diện tích quyền sử dụng thửa đất này do ông Nguyễn Đức Phương quản lý.

Vừa qua, thực hiện chính sách đăng ký kê khai cấp GCNQSDĐ tại địa phương nên ông Lâm đã đề nghị ông Phương kê khai cấp GCNQSDĐ của thửa đất số 04, tờ bản đồ số 02 đứng tên sở hữu chung của ba anh chị em vì đây là di sản của mẹ ông chết để lại. Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Phương không đồng ý vì ông khẳng định thửa đất trên đã được cấp GCNQSDĐ mang tên ông nên là tài sản riêng của ông.

Quá bất ngờ, ông Lâm đã nộp đơn đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Đan Phượng cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến thửa đất và được biết, ngày 14/7/2011 gia đình ông Nguyễn Đức Phương đã có biên bản họp gia đình thống nhất giao cho ông Phương được toàn quyền sử dụng diện tích 50,4m tại khu Gò Mèo. Ngày 28/11/2011, UBND huyện Đan Phượng đã cấp GCNQSDĐ số BG 987863 cho gia đình ông Phương.

anh-1.jpg
Biên bản họp gia đình ngày 14/7/2011 được cho là đã giả mạo chữ ký có xác nhận của chính quyền địa phương.

Tại biên bản họp gia đình ghi ngày 14/7/2011, có xác nhận của trường phố Thụy Ứng là ông Đào Khắc Lê ngày 15/07/2011 và có xác nhận chữ ký của UBND thị trấn Phùng đối với chữ ký của ông Đào Khắc Lê. Cùng với đó biên bản có đầy đủ chữ ký của 03 người là Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Phương Lâm và Nguyễn Thị Bắc.

Tuy nhiên, ông Lam cùng với em gái là bà Bắc khẳng định chữ ký của trong biên bản họp gia đình ghi ngày 14/7/2011 do ông Nguyễn Đức Phương cung cấp là chữ ký giả mạo, ông và em gái chưa từng biết đến nội dung cũng như sự tồn tại của văn bản này.

Ông Lâm khẳng định, ông Nguyễn Đức Phương đã giả mạo chữ ký của để kê khai và cấp GCNQSDĐ. Đối với vấn đề này ông Đào Khắc Lê, cũng như UBND thị trấn Phùng không trực tiếp chứng kiến việc ký kết văn bản mà lại xác nhận chữ ký cũng như nội dung của văn bản do ông Phương cung cấp là không phù hợp với quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục chứng thực chữ ký tại UBND xã, phường, thị trấn. Ông Phương đã có hành vi giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt phần di sản thừa kế.

anh-22(1).jpg
Văn bản trả lời của Văn phòng ĐKĐĐ Hà Nội – Chi nhánh huyện Hoài Đức ngày 19/4/2019.

Cũng theo phản ánh của ông Lâm, “do vẫn muốn giữ được tình cảm anh em nên tôi đã nộp đơn đề nghị UBND thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng tiến hành hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất. Nhận được đơn đề nghị của tôi, ngày 23/4/2019, UBND thị trấn Phùng đã tổ chức hội nghị hòa giải. Tại hội nghị các thành viên của tổ hòa giải và đại diện UBND thị trấn Phùng đều định hướng cho chúng tôi hòa giải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các thành viên theo quy định của pháp luật. Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Phương thừa nhận toàn bộ việc giả mạo chữ ký của tôi và em gái. Ông Phương đã cố tình giả mạo chữ ký để tước bỏ quyền thừa kế hợp pháp của tôi và bà Nguyễn Thị Bắc”.

3.jpg
Biên bản hòa giải ngày 23/4/2019 có xác nhận của chính quyền địa phương.

“Phần diện tích quyền sử dụng đất nói trên là di sản thừa kế mẹ ông để lại, giữa 03 người người con chưa từng có văn bản phân chia di sản thừa kế nào để phân chia đối với khối di sản này, chính vì vậy việc các cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ của thửa đất nói trên cho gia đình ông Phương là không đúng đối tượng, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và em gái. Hiện nay, tôi vẫn phải đi thuê nhà để ở, cuộc sống hết sức khó khăn, rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc”, ông Nguyễn Phương lâm chia sẻ thêm.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên Báo Công lý đã liên hệ UBND thị trấn Phùng, UBND huyện Đan Phượng để phối hợp, nắm bắt thông tin phản ánh nêu trên nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Được biết, vụ việc đang được Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội thụ lý và giải quyết theo quy định.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng (Hà Nội): Dấu hiệu giả mạo hồ sơ để được cấp GCNQSDĐ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO