CPI tháng 8 tăng 0,25%

Tào Đạt| 29/08/2021 19:00

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2021, CPI tăng 0,25%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tổng cục Thống kê cho biết, với mức tăng 0,25% của CPI tháng 8/2021 so với tháng trước có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm giữ giá ổn định.

unnamed-5-.jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, trong 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,74% (đẩy CPI chung tăng 0,25 điểm phần tram), do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2021 tăng 0,69% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá gạo tăng 0,44% do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và chi phí vận chuyển gạo giữa các địa phương tăng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.600-12.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 17.600-19.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.900-19.500 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.700-34.500 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá bột mỳ và ngũ cốc khác tháng 8 tăng 3,98% so với tháng trước; giá lương thực chế biến như bún, phở, bánh đa, mỳ ăn liền, bánh mỳ tăng 0,82%.

Do tác động từ việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tối đa ra ngoài nên nhu cầu dự trữ, tiêu dùng thực phẩm tăng, trong khi nguồn cung bị hạn chế, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do vận tải gặp khó khăn trong quá trình lưu thông, theo đó chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 8/2021 tăng 0,97% so với tháng trước.

So với tháng trước, giá thịt gia cầm tăng 0,66%, giá trứng các loại tăng 10,28%, giá thủy sản tươi sống tăng 2,24% (cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,48%, tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,01%, thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,62%).

Cũng nằm trong 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm giáo dục tăng 0,04%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp.

Đối với 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, có nhóm giao thông giảm 0,06%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm.

Cùng với đó, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ giữ giá ổn định gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm nay tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tháng 8/2021 giảm so với tháng trước sau khi số liệu thị trường việc làm Mỹ tháng 7/2021 vượt kỳ vọng. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/8/2021 giảm 0,9% so với tháng 7/2021. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2021 giảm 0,49% so với tháng trước; giảm 1,65% so với tháng 12/2020 và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm tại Mỹ tháng 7/2021 tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá USD tháng 7/2021 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,67% so với tháng 12/2020 và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPI tháng 8 tăng 0,25%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO