Công ty THABILABCO bị “tố” thu sai quy định: Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản?

Nguyễn Lâm| 07/01/2022 14:39

BVCL - Theo quan điểm của Luật sư, việc Công ty TNHH Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình (THABILABCO) thu 1.800 USD của thực tập sinh là trái quy định pháp luật, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến nội dung phản ánh, Công ty THABILABCO, chi nhánh Hà Nội tại địa chỉ số 20, ngõ 640 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội) có hành vi thu 18.000 USD của thực tập sinh trái quy định, ngày 17/12/2021, Báo Công lý đã đăng tải bài viết: Công ty THABILABCO bị “tố” thu sai quy định để chuyển giai đoạn thực tập sinh sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc Đ.Y.L. (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

anh1-2-.png
Công văn số 2456/QLLĐNN-NBCAĐNA của Cục Quản lý Lao động ngoài nước quy định về việc đăng ký hợp đồng đưa TTS đi Nhật Bản sau khi luật mới của Nhật Bản có hiệu lực

Cụ thể, tại Công văn số 2456/QLLĐNN-NBCAĐNA của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ: “Khi đăng ký cho thực tập sinh chuyển từ giai đoạn thực tập sinh kỹ năng số 2 lên thực tập sinh kỹ năng số 3 với thời hạn hợp đồng 2 năm, phí dịch vụ trong trường hợp không có sự thay đổi, doanh nghiệp phái cử và tổ chức quản lý (áp dụng cho cả trường hợp giữ nguyên công ty tiếp nhận và thay đổi công ty tiếp nhận), doanh nghiệp phái cử không được thu thêm phí dịch vụ từ thực tập sinh”. Tuy nhiên, phía Công ty THABILABCO đã yêu cầu mỗi người phải nộp 1.800 USD để làm thủ tục chuyển giai đoạn thực tập sinh này.

Chia sẻ với phóng viên, bạn đọc Đ.Y.L. bức xúc: “Do lúc đó bản thân chưa nắm được các quy định của pháp luật về việc làm thủ tục chuyển giai đoạn thực tập sinh, nên khi Công ty THABILABCO yêu cầu nộp tiền để được tiếp tục làm việc tại Nhật Bản, tôi đã nộp đủ số tiền 1.800 USD.

Sau khi được mọi người tư vấn, tôi thấy rằng việc Công ty THABILABCO thu số tiền đó là không đúng với quy định của pháp luật. Khi tôi thắc mắc vấn đề trên, được nhân viên Công ty giải đáp, số tiền đó là phí dịch vụ, hồ sơ, phí hoạt động doanh nghiệp… và thực tập sinh cũng tự nguyện nộp tiền”.

Để xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội và Công ty THABILABCO, nhưng đến nay, phóng viên chưa nhận được thông tin phản hồi.

anh-2.png
Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư  TP. Hà Nội

Theo Luật sư Phạm Hồng Kiên - Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho rằng, cần phải làm rõ việc Công ty THABILABCO tư vấn, yêu cầu thực tập sinh nộp phí dịch vụ có đúng quy định của pháp luật không? Hiện, có bao nhiêu thực tập sinh rơi vào hoàn cảnh tương tự trường hợp của Đ.Y.L.? Vụ việc rất cần nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng?

“Theo văn bản hướng dẫn của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đăng ký Hợp đồng đưa thực tập sinh đi Nhật Bản sau khi Luật mới của Nhật Bản có hiệu lực, những trường hợp đủ điều kiện sẽ được quyền gia hạn và không mất thêm bất kỳ khoản phí nào. Trường hợp có sự thay đổi, doanh nghiệp phái cử hoặc tổ chức quản lý hoặc thay đổi, cả doanh nghiệp phái cử và tổ chức quản lý thì doanh nghiệp phái cử được thu từ thực tập sinh theo quy định tại Công văn số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 06/4/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (không quá 1.200 USD/người/1 năm hợp đồng) và phải được thể hiện rõ trong đăng ký hợp đồng. Việc Công ty THABILABCO thu khoản tiền 1.800 USD của thực tập sinh là trái quy định pháp luật, có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Luật sư Kiên nêu quan điểm.

Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếmđoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty THABILABCO bị “tố” thu sai quy định: Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO