Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn “vượt bão COVID” đi lên

Minh Phương| 24/05/2021 15:53

BVCL - Đại dịch COVID-19 đã trở thành biến cố bất ngờ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, tận dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhiều đơn vị đã năng động, sáng tạo vượt khó đi lên. Kết quả kinh doanh ở Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn là một ví dụ.

tru-so-cty-cp-dich-vu-hang-hoa-sai-gon-1.jpg
Công ty CP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả trong kinh doanh.

Để đối phó với đại dịch nguy hiểm này, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội.

Đáng chú ý là Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây được coi là “cú hích” kịp thời nhất cho các đơn vị, kinh doanh có động lực vượt qua khó khăn.

Nắm bắt thời cơ này, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn. Trong khi hệ sinh thái ngành hàng không đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (Mã chứng khoán: SCS) vẫn lội ngược dòng với các chỉ số doanh thu và lợi nhuận tích cực. Đó có thể coi là một điểm sáng rất đáng để các doanh nghiệp khác lấy đó củng cố thêm quyết tâm “vượt qua đại dịch” của doanh nghiệp mình.

Theo báo cáo mới đây, sản lượng vận chuyển hành không quý I năm 2021 của Công ty CP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn tăng so với cùng kỳ từ 53.665 tấn lên 56.220 tấn, tương đương mức tăng trưởng 4,8%, kéo theo doanh thu dịch vụ tăng 12,5 tỷ đồng, tương đương tăng 6,8%.

Để có được con số tăng trưởng ấn tượng đó, doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả, trong đó phải kể đến vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được thúc đẩy bởi sự gia tăng của thương mại điện tử. Theo đó, hai mô hình kinh doanh thương mại điện tử chính trên thị trường là giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng (B2C). Với các hình thức này, hàng hoá được giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và được vận chuyển bằng nhiều hình thức nhanh, siêu tốc như đường hàng…, thay vì chuỗi cung ứng hậu cần truyền thống chào mua, chào bán thông thường.

Hiện nay, tuyến vận chuyển hàng không chủ yếu của Việt Nam là châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu (EU) và Bắc Mỹ. Cụ thể, Bắc Mỹ là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất còn châu Á-Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vận tải hàng không toàn cầu và của Việt Nam.

Thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) chỉ ra rằng, sản lượng vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam tăng trưởng khoảng 11% trong giai đoạn 2010-2019 và dự báo khoảng 12% trong giai đoạn 2020-2030 nhờ thương mại điện tử. Đây chính là một yếu tố kích thích sản lượng vận tải hàng không trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, 25% giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường hàng không với thị trường quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ; trong đó cơ cấu hàng hóa vận chuyển bằng phương thức chủ yếu là mặt hàng điện tử với tỷ lệ giá trị chiếm 84% đối với hàng hóa xuất khẩu và 65% đối với hàng hóa nhập khẩu.

Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh trong ngành điện tử cùng với sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do (FTAs), tỷ trọng nhóm hàng này có nhiều tiềm năng duy trì ở mức cao trong những năm tới. Với sự phát triển của thương mại điện tử, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không sẽ gia tăng. Giới phân tích còn kỳ vọng, cơ cấu hàng hóa sẽ được mở rộng với các mặt hàng chủ lực như thủy sản, trái cây, hàng đông lạnh…

dich-vu-cua-cty-cp-dich-vu-hang-hoa-sg-van-duy-tri-trong-mua-covid.jpg
Sản lượng vận chuyển hành không quý I năm 2021 của Công ty CP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn tăng so với cùng kỳ.

Cùng với đó, theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine từ AstraZeneca theo lộ trình đến quý IV năm 2021. Do yêu cầu về bảo quản nên vaccine sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không, giúp gia tăng sản lượng hàng hóa tại các cảng trong 2 - 3 năm tới.

Với công nghệ và công suất kho lạnh cao và dải nhiệt độ rộng giúp tiết kiệm thời gian tiếp nhận/trả hàng hóa, Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn được các chuyên gia của Bảo Việt phân tích có lợi thế trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine COVID-19.

Tận dụng cơ hội, ngoài mảng dịch vụ logistics hàng không, doanh nghiệp này đang có kế hoạch xây dựng khu văn phòng số 2 với mục đích cho thuê trên khu đất có diện tích là 14.000 m2. Khu văn phòng này có diện tích gấp đôi khu văn phòng hiện tại 7.200 m², dự kiến sẽ đem lại doanh thu khoảng hơn 20 tỷ đồng trong năm đầu tiên hoạt động.

Trước đó, Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn là doanh nghiệp dịch vụ hàng không duy nhất báo lãi trong quý I năm 2021; theo đó lợi nhuận sau thuế đạt 137,3 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ quý I năm 2020. Đại diện Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn cũng lý giải, trong quý này, doanh nghiệp đã quản lý tốt dòng tiền, thu nhập tài chính tăng đáng kể so với cùng kỳ góp phần làm tăng lợi nhuận sau thuế.

Được biết để giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính cũng đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian giảm giá dịch vụ chứng khoán tới 31/12/2021. Cụ thể Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2021/TT-BTC về việc kéo dài hiệu lực thi hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 đến ngày 31/12/2021.

Thông tư nêu rõ: sau ngày 31/12/2021, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thông tư 30/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Trước đó, Thông tư số 14/2020/TT-BTC đã quy định giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, giảm 10% đối với 3 dịch vụ gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán; giảm từ 15 - 20% đối với 2 dịch vụ là dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời, giảm từ 30 - 50% đối với 4 dịch vụ là dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm, dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán, dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Đồng thời, Thông tư số 14/2020/TT-BTC quy định miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết, đăng ký chứng khoán, dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu, dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, đăng ký thành viên bù trừ./.

Ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong vòng một năm qua, các gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với giá trị khoảng 73,1 nghìn tỷ đồng hay gần 5 nghìn tỷ đồng được hồi tố, hoàn trả lại cho các doanh nghiệp và gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng trị giá 36,6 nghìn tỷ đồng... đã phần nào "cấp cứu" và vực đỡ không ít doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn “vượt bão COVID” đi lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO