Còn 9,2 triệu người trên 60 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH

Q. Chữ| 19/04/2021 20:58

BVCL - Trong số 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chỉ có gần 5 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Khoảng trống bao phủ BHXH vẫn còn tới 9,2 triệu người.

Còn 9,2 triệu người trên 60 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH - 1
Nhiều "khoảng trống" chính sách sẽ được điều chỉnh trong đợt sửa Luật BHXH tới đây. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Thực trạng đáng lo ngại trên được Bộ LĐ-TB&XH tổng kết trong đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 trình Chính phủ xem xét.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014 vào các năm 2022 và 2023. Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2024.

Gần 32 triệu người chưa tham gia BHXH

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã khắc phục được nhiều hạn chế của Luật BHXH năm 2006. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được chỉnh sửa.

Một trong những hạn chế của chính sách là tình trạng quy mô tham gia BHXH còn thấp. Tính đến năm 2020, cả nước mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Như vậy vẫn còn tới gần 32 triệu người độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.

Về đối tượng hưởng lương hưu, thống kê của Bộ LĐ-TB&XH tới cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, chỉ có gần 5 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Thực tế trên cho thấy vẫn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, quỹ hưu trí và tử tuất đang khó đảm bảo cân đối trong dài hạn. Khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số.

Chính sách còn chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.

Nhiều lao động rút khỏi hệ thống BHXH

Nhiều năm qua, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.

Cảnh báo của BHXH Việt Nam, trong quý 1/2021, số lượng người lao động nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: Cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng...

Về thời gian được hưởng lương hưu, theo quy định của Luật BHXH, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH trong 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu. Mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Trong khi đó, điều kiện hưởng BHXH một lần còn khá dễ dàng. Theo đó, sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.

Với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi.

Cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn 9,2 triệu người trên 60 tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO