Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất là chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh của cả doanh nghiệp và quốc gia nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.
Nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Bởi lẽ, nâng cao năng suất đồng nghĩa với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp các quốc gia trong khu vực.
Hiện thực hóa "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo tính toán chung, doanh nghiệp chuyển đổi số có thể tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận doanh nghiệp; tiết kiệm tới 50% chi phí quản lý và nhân sự; tiết kiệm 30-40% thời gian; đồng thời trải nghiệm khách hàng, sự hợp tác giữa các phòng, ban cũng như khả năng quản lý thông tin của cấp lãnh đạo được nâng cao.
Theo Ths. Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia chuyển đổi số, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tham vấn những chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đang có và lựa chọn chuyển đổi số bằng nền tảng là hướng đi đúng đắn và hiệu quả.
Đó là việc ứng dụng công nghệ số vừa tạo ra cơ hội nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công việc, đồng thời thúc đẩy việc đào tạo nâng cao kỹ năng và thái độ làm việc của người lao động. Nếu người lao động không muốn mất việc vì robot, họ phải được đào tạo, phải tự đào tạo để tồn tại và phát triển.
Thứ hai là không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần phải tận dụng chuyển đổi số như một cơ hội để tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước khi ứng dụng công nghệ số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần chuẩn hóa quá trình và quy trình công việc, đào tạo nhân lực…
Thứ ba, phần lớn các doanh nghiệp có kết quả tốt trong chuyên đổi số là doanh nghiệp có chiến lược đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình và công cụ tiên tiến. Do đó, chuyển đổi số nằm trong chiến lược đổi mới sáng tạo dài hạn của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đồng thời phải đổi mới các quá trình, sản phẩm, tổ chức bộ máy, cũng như cách marketing, bán hàng.