Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 5: Nhận biết đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua

PV | 16/03/2022 11:57

BVCL - Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, xảy ra một cách đột ngột và rất nguy hiểm nếu như không được xử lý kịp thời. Ở nước ta, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ mới và con số tử vong là hơn 80.000 người. Trường hợp được cứu sống có thể để lại di chứng nặng nề. Đáng lo ngại, chi phí điều trị đột quỵ não tốn kém và tỉ lệ tái phát cao. Vậy làm sao để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này? Những thắc mắc đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 5 với chủ đề “Nhận biết đột quỵ, thiếu máu nã

anh-1.png

Đột quỵ có 2 dạng, một là tắc mạch máu não (hay còn gọi là nhồi máu não), hai là vỡ mạch máu não (hay còn gọi là xuất huyết não). Trường hợp thứ nhất khi mạch máu nuôi não bị tắc, làm giảm sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng gây tổn thương não. Trường hợp thứ hai, các mạch máu trong não vỡ ra tràn vào các nhu mô não, làm tổn thương não. Khi người bệnh bị 1 trong 2 dạng này đều có thể nguy hiểm đến tính mạng và để lại di chứng nặng nề, nếu không được cấp cứu kịp thời. PGS.TS.BS Nguyễn Văn Hướng - Trưởng khoa Khám bệnh, Trưởng đơn vị Nội thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phân tích:

Khi đột quỵ não, đặc biệt là nhồi máu não có phương pháp điều trị đặc hiệu mà người dân có thể hồi phục hoàn toàn. Chúng tôi chia là 3 mốc thời gian, mốc dưới 4,5 giờ, dưới 6 giờ và dưới 24 giờ. Nếu được đưa đi bệnh viện cấp cứu trước 4,5 giờ thì chúng tôi dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Đưa bệnh nhân đến càng sớm lúc nào thì càng tốt cho người bệnh vì khi đó giảm được tỷ lệ tử vong, tàn phế, khả năng hồi phục rất cao.

Theo thống kê của ngành y tế, 50% người bệnh đột quỵ phải sống phụ thuộc vào người khác, 75% bệnh nhân không thể trở về cuộc sống bình thường. Đáng lo ngại, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại nước ta hiện nay cũng đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới bị đột quỵ tăng gấp 4 lần phụ nữ. Vì vậy, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Hướng cho rằng, việc nhận biết sớm cơn đột quỵ và đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong khoảng thời gian vàng là rất quan trọng: Có những dấu hiệu dựa trên quy tắc FAST. Bản chất của 4 chữ này là những dấu hiệu cảnh báo. F là face (khuôn mặt) khi xuất hiện méo miệng, ăn cơm rơi vãi 1 bên. Chữ A là arm (cánh tay) đột nhiên tay mất lực, mất sức mạnh không thể dơ lên được. Chữ S là Speech (lời nói), người đột quỵ thường không nói được, nói méo tiếng hoặc không hoạt ngôn được. Cuối cùng là chữ Time, bản chất là không phải dấu hiệu cảnh báo đột quỵ mà là lời khuyên, khi thấy các triệu chứng vừa nêu cần đưa ngay bệnh nhân đến cớ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hướng cũng chỉ ra những triệu chứng chỉ điểm của những người có thể bị đột quỵ não mà người dân cần hết sức cảnh giác như đột ngột nhìn mờ 1 hoặc 2 mắt; người bình thường tự nhiên mất trí nhớ, lú lẫn, mất thăng bằng, đau đầu mức độ nặng, rối loạn trí nhớ, rối loạn định hướng... Khi người thân có dấu hiệu này thì mọi người cần hết sức cảnh giác, chủ động trong việc phát hiện và đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. Với thắc mắc của nhiều người khi người trẻ bị đột quỵ thì triệu chứng có giống người cao tuổi hay không? PGS.TS. Nguyễn Văn Hướng cho rằng: Trên thực tế lâm sàng chung tôi nhận thấy rằng là một số người trẻ bị đột quỵ thường do bất thường ở mạch máu não. Do bất thường về mạch máu não nên khi bị đột quỵ khi cần gắng sức hoặc có gì tác động là vớ mạch máu não, khi vỡ thì gây đột quỵ não. Tôi khuyến cáo là khi có triệu chứng đau đầu, thi thoảng thấy khó chịu thì chúng ta cần đến cơ sở y tế để thăm dò mạch máu não, đặc biệt là những người trong gia đình có người từng bị vỡ mạch máu não.

anh-2.png

Ngoài ra, cơn thiếu máu não thoáng qua cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ mà người dân cần lưu tâm. Cơn thiếu máu não thoáng qua, thường gọi là đột quỵ nhỏ, thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, thường chỉ kéo dài vài phút, gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não và không gây tác động rõ rệt lâu dài. PGS.TS. Nguyễn Văn Hướng cho biết: Do xảy ra trong thời gian ngắn, đôi lúc chúng ta chủ quan và hay nhầm lẫn với các bệnh khác như hạ huyết áp, động kinh, rối loạn điện giải. Để mà có thể xác định chính xác có đúng thiếu máu não thoáng qua hay không thì chúng ta phải đến cơ sở y tế. Đáng chú ý những người bị thiếu máu não thoáng qua tỷ lệ tái phát là từ 30 đến 40% , đặc biệt trong 2 ngày đầu nguy cơ gây đột quỵ là 50% còn tỷ lệ rất lớn là 90 ngày đầu.

Để hạn chế nguy cơ, người dân cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý như tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh tiểu đường... Hạn chế uống rượu bia, tránh xa thuốc lá và các chất kích thích, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như không ăn nhiều đồ ăn mặn, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cần ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, luyện tập thể dục thường xuyên. PGS.TS. Nguyễn Văn Hướng đưa ra khuyến cáo với những người bị thiếu máu não thoáng qua: Khi chúng ta đã xảy ra đột quỵ thiếu máu não thoáng qua thì đấy là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thực sự thì chúng ta phải đến gặp các bác sỹ chuyên khoa để điều trị sớm. Điều trị, kiểm soát tốt những bệnh nền để hạn chế nguy cơ xảy ra đột quỵ. Nếu chúng ta không điều trị đúng chỉ dẫn, không đến khám lại sức khỏe thường xuyên làm cho những bệnh lý nền không ổn định thì nguy cơ đột quỵ rất cao.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 5 trên kênh Youtube, Zalo và Website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 6 có chủ đề “Hiểu đúng về thảo dược trong điều trị bệnh lý đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt” với khách mời là ThS.BS. Nguyễn Viết Thành - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ trực tuyến vào 15h00 thứ 6, ngày 25/3/2022. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 5: Nhận biết đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO