Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 11: Nhận biết nguy cơ và tối ưu dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật

PV| 05/08/2022 10:44

BVCL - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được xem như “kẻ sát nhân thầm lặng” bởi 80% trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt. Mới đây, số 11 của chương trình Hỏi để khỏe hơn do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức với chủ đề “Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật: Làm sao để nhận biết nguy cơ và tối ưu dự phòng?” đã phát sóng trên Kênh Youtube và Fanpage của Bệnh viện.

anh-11.png
PGS.TS Trần Bảo Long - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong chương trình

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là sự tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông. Căn bệnh này có rất ít triệu chứng cảnh báo nên đa số người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây ra nguy cơ thuyên tắc mạch phổi và dẫn đến tử vong. PGS.TS.BS Trần Bảo Long - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai hay bất cứ độ tuổi nào, nhưng thường xuất hiện nhiều nhất ở các bệnh nhân nằm viện, phẫu thuật, đa chấn thương, ung thư… có tình trạng hạn chế vận động:

Chúng ta biết nguyên nhân của huyết khối tĩnh mạch có 3 nhóm nguyên nhân, ta gọi là tam chứng Virchow. Một là tổn thương nội mạc, lòng của mạch máu bọc bên trong gọi là nội mạc mạch máu. Nó có thể tổn thương do tư thế bất động, do thao tác, do tổn thương nhiệt, do dùng garo… do rất nhiều thao tác trong quá trình mổ có thể ảnh hưởng đến. Cũng như trạng thái tăng đông phóng thích, các yếu tố gây đông máu từ mô ở những người bệnh nguy cơ bị ung thư cũng như ngăn chặn tình trạng xuất huyết sau mổ. Ngoài ra, nguyên nhân khác gây ứ trệ tuần hoàn như bất động lúc mổ, gây mê, hạn chế vận động trong thời gian hồi phục. Thì tất cả những tác động này trong quá trình phẫu thuật thì đều là những nguyên nhân gây tăng khả năng xảy ra huyết khối tĩnh mạch. Đặc biệt trong bệnh nhân phẫu thuật do ung thư thì khả năng xảy ra huyết khối tĩnh mạch cao gấp từ 2, thậm chí đến hơn 10 lần.

Trả lời câu hỏi của khán thính giả về nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của bệnh nhân phẫu thuật ung thư, PGS.TS Trần Bảo Long cho biết, tùy vào loại ung thư mà nguy cơ gặp tình trạng này cũng khác nhau:

Không phải ung thư nào cũng giống nhau, có những vị trí khác nhau mà nguy cơ huyết khối tĩnh mạch cũng cao hơn hoặc thấp hơn. Đặc biệt rất cao ở bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư tụy và cao ở bệnh nhân ung thư phổi và bệnh nhân có bệnh lý về phụ khoa. Liên quan đến bệnh nhân có điều trị hóa chất, điều trị kháng sinh mạnh hay điều trị nội tiết, xạ trị có nguy cơ tăng lên. Hay là bệnh nhân nằm lâu có dùng catheter tĩnh mạch trung tâm cũng tăng lên. Tần suất xảy ra huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân sau phẫu thuật chung là 13.4% thì ở bệnh nhân ung thư nó cao gấp nhiều lần, lên tới gần 20%.

anh-22.png
Trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định dùng thuốc chống đông hoặc có nguy cơ chảy máu cao thì lúc đó sẽ dùng biện pháp cơ học như bơm hơi ngắt quãng, vớ, tất dây áp lực

Đáng chú ý, hầu hết các bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Bảo Long cũng đưa ra một vài dấu hiệu để người bệnh có thể nghi ngờ mình bị huyết khối tĩnh mạch, chủ động thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời:

Nó là không có triệu chứng gì, nó rất thầm lặng, khi nó có biểu hiện thì chỉ khoảng 20% thôi. Với thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở chi dưới thì dấu hiệu thấy là bệnh nhân đau, chi sưng to lên, có thể thấy nóng đỏ. Với phổi thì biểu hiện ít nhưng khi có biểu hiện thì thường đã muộn, đó là ho, khó thở, khạc ra máu. Dấu hiệu đó biểu hiện lâm sàng thì là đã muộn rồi.

Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sẽ giúp làm giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng kinh phí cho người bệnh cũng như hệ thống y tế. PGS.TS Trần Bảo Long đưa ra các phương pháp dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật tổng quát và phẫu thuật ung thư: Với người bệnh có nguy cơ thấp, chẳng hạn như phẫu thuật nhỏ ở tuổi dưới 40 và không có kèm yếu tố nguy cơ thì không cần điều trị dự phòng bằng thuốc mà khuyến khích người bệnh vận động sớm. Đây là biện pháp đơn giản nhất và có hiệu quả. Với người bệnh có nguy cơ trung bình, là những người có phẫu thuật nhỏ trên cơ sở là có yếu tố nguy cơ, tuổi từ 40 đến 60 mà không kèm yếu tố nguy cơ thì biện pháp dược lý được khuyến cáo đó là dùng heparin không phân đoạn hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc fondaparinux. Trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định dùng thuốc chống đông hoặc có nguy cơ chảy máu cao thì lúc đó sẽ dùng biện pháp cơ học như bơm hơi ngắt quãng, vớ, tất dây áp lực. Thời gian dự phòng được dùng cho đến khi bệnh nhân xuất viện hay đi lại được. Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao, những người phẫu thuật nhỏ tuổi trên 60 hoặc phẫu thuật lớn tuổi từ 40-60, không kèm yếu tố nguy cơ thì cũng tương tự. Trường hợp bệnh nhân có nguy cơ rất cao, có phẫu thuật lớn kèm theo nhiều yếu tố nguy cơ, thì chiến lược dự phòng được khuyến cáo là sử dụng heparin trọng lượng phân tử thấp, enoxaparin 40mg 2 lần/ngày, thời gian dự phòng có thể kéo dài từ 14-28 ngày.

Trong chương trình, thính giả Quang Anh chia sẻ, mình đã đi khám và được chẩn đoán mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và đang cảm thấy rất lo lắng, không biết căn bệnh này có thể chữa khỏi và dứt điểm được hay không. Về câu hỏi này của thính giả, PGS.TS Trần Bảo Long đã trả lời:

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch khi mà bị thì điều trị rất phức tạp và kéo dài. Cho nên chuyện quan trọng là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Khi mà có rồi chúng ta vẫn chữa được bằng thuốc, thuốc tiêu sợi huyết. Và trong một số trường hợp có thể phẫu thuật.

Qúy vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 11 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Các nội dung bổ ích của “Hỏi để khỏe hơn” sẽ tiếp tục lên sóng trong thời gian tới. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty dược phẩm Sanofi tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 11: Nhận biết nguy cơ và tối ưu dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO