Thời sự

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2025

PV 17/04/2025 - 08:29

Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2025.

qlnt.jpeg

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại

Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại (điều tra); áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; xác định trợ cấp và biện pháp chống trợ cấp; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyên tắc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại

Về việc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Nghị định quy định nguyên tắc xử lý như sau:

Hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương được thực hiện trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội ngành, nghề liên quan.

Việc khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu quy định tại Điều 108 Nghị định này được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên cơ sở thông tin thu thập và sau khi phối hợp, trao đổi các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khởi kiện.

Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho các hoạt động trợ giúp thương nhân theo quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương.

Các hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam theo quy định phải phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại

Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm khả năng xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam để thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để phòng, tránh và chuẩn bị ứng phó với các vụ kiện.

Bộ Công Thương quy định việc tổ chức và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Quy định về khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Nghị định quy định trên cơ sở thông tin thu thập hoặc theo đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác xem xét xây dựng phương án khởi kiện theo khoản 1 Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ gồm: 1- Tờ trình về sự cần thiết, mục đích và căn cứ pháp lý của việc khởi kiện; nội dung phương án và đánh giá tác động của việc khởi kiện; 2- Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến; 3- Các văn bản, tài liệu có liên quan khác.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án khởi kiện trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chủ trì, tiến hành khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy trình, thủ tục được quy định trong các Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Hoạt động phối hợp trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp

Đối với trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp quy định tại khoản 2 Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan điều tra của nước ngoài như sau:

1- Thực hiện tham vấn với Cơ quan điều tra nước ngoài về các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam.

2- Cung cấp các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra nước ngoài đối với Chính phủ liên quan đến các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam theo đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp có liên quan và trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

3- Tổ chức làm việc theo đề nghị của cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra tại chỗ về các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam.

4- Thực hiện các hoạt động phù hợp khác.

Xây dựng phương án yêu cầu bồi thường trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

Trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án yêu cầu bồi thường, trong trường hợp cần thiết, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn

bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận đựợc trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án yêu cầu bồi thường trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương chủ trì, tiến hành tham vấn với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu về phương án yêu cầu bồi thường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường, Bộ Công Thương chủ trì, giám sát việc thực hiện thỏa thuận.

Quy trình, thủ tục tiến hành phương án yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Xây dựng phương án trả đũa trong trường hợp thương nhân Việt Nam bị nước nhập khẩu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

Trường hợp không đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng phương án trả đũa, trong trường hợp cần thiết, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến phải có ý kiến bằng văn bản về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không nhận được trả lời đúng thời hạn, Bộ Công Thương căn cứ các thông tin sẵn có hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt phương án trả đũa trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Công Thương.

Quy trình, thủ tục tiến hành phương án trả đũa thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tham gia bên liên quan trong các vụ việc phòng vệ thương mại, bên thứ ba trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại

Nghị định quy định Bộ Công Thương xem xét đăng ký tham gia bên liên quan khi nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương xem xét đăng ký tham gia bên thứ ba trong các vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức thương mại thế giới trong trường hợp vụ việc có liên quan đến quyền, lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan để xem xét đăng ký tham gia.

Bộ Công Thương có thể xem xét cung cấp các thông tin, tài liệu trong quá trình tham gia bên thứ ba trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của tổ chức, cá nhân với điều kiện các tài liệu, thông tin đó được phép công bố theo quy định của các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Kiện toàn thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 15/4/2925 kiện toàn thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định, kiện toàn thành viên Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cụ thể như sau:

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài chính, thành viên Tổ công tác;

- Ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thành viên Tổ công tác;

- Ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thành viên Tổ công tác;

- Ông Nguyễn Duy Hoàng, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Ủy viên thường trực thay Ông Ngô Hải Phan được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, ngày 15/4/2025.

pbf.jpg

Phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030"

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng vừa ký Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030" (Đề án).

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đổi mới toàn diện, căn bản công tác quản lý, phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp thông qua ưu tiên ứng dụng công nghệ số kết hợp phương thức truyền thống phù hợp. Bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, tiếp cận mọi đối tượng, tăng cường tương tác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tối ưu chi phí, thực chất, đáp ứng tối đa nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 01 (từ năm 2025 đến năm 2027): Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khả thi, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng trình dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (sửa đổi).

Nâng cấp, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia với chức năng chính là cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung; thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với các Cổng/Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương.

Phấn đấu ít nhất 80% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 60% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số…

Giai đoạn 02 (từ năm 2028 đến năm 2030): Phấn đấu hoàn thiện việc nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, bảo đảm vai trò trung tâm cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.

Phấn đấu ít nhất 90% người dân sinh sống tại khu vực thành thị và ít nhất 70% người dân sinh sống tại khu vực nông thôn được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật thông qua các cơ sở dữ liệu, ứng dụng số, công nghệ số; 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tham mưu thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được tập huấn kiến thức và kỹ năng chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…

10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện gồm: 1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 2. Hoàn thiện chính sách, thể chế về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 3. Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; 4. Chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, doanh nghiệp; 5. Hỗ trợ một số địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 6. Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 7. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế; 8. Tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 9. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong thực hiện chuyển đổi số công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; 10. Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Trong đó, nhằm chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, doanh nghiệp, sẽ chuẩn hoá, xây dựng, cập nhật kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung, nâng cấp, phát triển Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia thành địa chỉ tập trung, chủ đạo trong cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng, phát triển Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường tính tương tác giữa nhà nước và người dân, doanh nghiệp.

Về xây dựng, phát triển Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp, sẽ nâng cấp Trang Thông tin về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp thành Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cấp, vận hành, cập nhật thường xuyên Trang thông tin/Chuyên mục hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp; văn bản của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vụ việc liên quan; văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

Về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, sẽ thí điểm xây dựng, triển khai ứng dụng AI trong cung cấp thông tin, phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành; triển khai hệ thống hỏi đáp pháp luật tự động trong một số lĩnh vực và một số đối tượng cụ thể (Ưu tiên hỗ trợ các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật, trong đó có tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin pháp luật cho mọi người dân); tích hợp, khai thác phù hợp các ứng dụng AI hiện có của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp...

Tổ chức Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án để chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3184/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án để chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công văn nêu: Chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ tổ chức Lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời trên cả 03 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án quan trọng và các công trình lớn vào ngày 19/4/2025. Để chuẩn bị và tổ chức tốt cho buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ Xây dựng - cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương rà soát lại các dự án, công trình để bảo đảm quy mô, điều kiện tổ chức khánh thành, khởi công, thông xe kỹ thuật, hợp long,... theo quy định; hoàn thành trong ngày 16/4/2025.

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam dự thảo báo cáo trung tâm của buổi Lễ và dự thảo phát biểu của Thủ tướng Chính phủ; gửi về Văn phòng Chính phủ trong ngày 17/4/2025.

Đài truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Chương trình, kịch bản của buổi Lễ; chủ trì đạo diễn, tổ chức Chương trình theo kịch bản, truyền hình trực tiếp giữa các điểm cầu.

Các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty có liên quan chủ động chuẩn bị mọi điều kiện vật chất, kỹ thuật, tổ chức Lễ khởi công, khánh thành, thông xe kỹ thuật, hợp long,... các công trình, dự án do cơ quan mình phụ trách theo kịch bản chung do Bộ Xây dựng, Đài truyền hình Việt Nam xây dựng, tổ chức, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm; chủ động bố trí các điều kiện kỹ thuật để kết nối trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Đài truyền hình Việt Nam để buổi Lễ thành công.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị buổi Lễ.

qhoi.jpg

Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 15/4/2025 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025.

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2025, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 06 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho những vấn đề mới, xu hướng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số.

Chính phủ đánh giá cao các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng đã khẩn trương chuẩn bị, trình Chính phủ các dự án: (1) Bộ luật Hình sự (sửa đổi), (2) Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), (3) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch, (5) Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, (6) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực tham gia ý kiến, hoàn thiện dự án luật, nghị quyết với tinh thần trách nhiệm cao.

Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Đối với Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình số 164/TTr-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:

Nghiên cứu, cân nhắc kỹ thêm về phạm vi sửa đổi, bổ sung; lựa chọn những vấn đề bất cập, rất cấp bách của Bộ luật Hình sự hiện hành để có phương án xử lý tối ưu, phù hợp, hiệu quả nhằm sửa đổi, bổ sung ngay một số điều theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Rà soát, nghiên cứu, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. Đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa ưu, nhược điểm, tác động của việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và việc nâng hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm và bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Bộ luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trình Quốc hội.

Về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người), Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an trình tại Tờ trình số 162/TTr-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), bảo đảm một số yêu cầu sau:

Nghiên cứu, cân nhắc phạm vi sửa đổi, bổ sung; tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự hiện hành, bảo đảm phù hợp với các quan điểm, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp. Trường hợp Quốc hội có ý kiến khác thì Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), trình Quốc hội.

Ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp trình tại Tờ trình số 46/TTr-BTP ngày 10 tháng 4 năm 2025. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm một số yêu cầu sau:

Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành; chỉ tập trung và ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật. Rà soát, nghiên cứu để quy định tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy… bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: Thống nhất với dự thảo Luật quy định theo hướng dự kiến bổ sung quy định cho phép xử lý kịp thời tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện nhằm tránh gây hư hỏng, lãng phí tài sản; bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan, tránh gây lãng phí xã hội.

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trình Quốc hội.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Chính phủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài đồng thời thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nhân, những người Việt Nam ở nước ngoài có tấm lòng hướng về quê hương, đất nước; tiếp tục nghiên cứu kế thừa, hoàn thiện nguyên tắc một quốc tịch phù hợp với tình hình, điều kiện mới trong nước và quốc tế, bảo đảm quyền chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước Việt Nam đối với quốc tịch Việt Nam.

Thống nhất bổ sung quy định về điều kiện quốc tịch (khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật) và bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật).

Tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, chú trọng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để áp dụng hiệu quả trong quá trình giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn hiện dự án Luật, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trình Quốc hội.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

2 Dự án Nghị quyết của Quốc hội

Đối với Dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bảo đảm khả thi, hiệu quả. Trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định; có trách nhiệm báo cáo, giải trình với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Nghị quyết.

Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, bảo đảm bám sát, thể chế đầy đủ các chính sách đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại Văn bản số 13848-CV/VPTWĐ ngày 18 tháng 3 năm 2025 trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Chính phủ tại Văn bản số 121-CV/ĐU ngày 06 tháng 3 năm 2025 và Văn bản số 138-CV/ĐU ngày 12 tháng 3 năm 2025 về việc cho chủ trương để ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ, dự thảo Nghị quyết. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trình Quốc hội để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV.

Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Nghị quyết.

Sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Thanh tra Chính phủ trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 Thanh tra Bộ và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ

Kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 755/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (Đề án).

Theo Quyết định, việc ban hành Kế hoạch nhằm mục đích thực hiện chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án; đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện Đề án.

Nội dung Kế hoạch gồm: Tuyên truyền, phổ biến quán triệt nội dung Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Kế hoạch này để thống nhất triển khai thực hiện.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra. Trong đó, xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản về tổ chức và hoạt động thanh tra: Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có quy định sửa đổi, bãi bỏ quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra tại các Luật chuyên ngành để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Thanh tra (sửa đổi), hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa XV; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa XV để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hoàn thành đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm tra trong các ngành, lĩnh vực.

Sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự

Theo Kế hoạch, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Thanh tra Chính phủ trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 Thanh tra Bộ và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ; hợp nhất Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra.

Thực hiện tiếp nhận, điều chuyển công chức làm công tác thanh tra của 12 Thanh tra Bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về các vụ, cục, đơn vị của Thanh tra Chính phủ; đồng thời bố trí, sắp xếp công chức các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo mô hình tổ chức mới; thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ đảng viên, công chức và các nội dung khác liên quan; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức trong quá trình sắp xếp theo quy định.

Bên cạnh đó, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra tỉnh) trên cơ sở kết thúc hoạt động Thanh tra cấp huyện, Thanh tra Sở để tổ chức lại thành các tổ chức thuộc Thanh tra tỉnh.

Sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất cho các cơ quan thanh tra

Theo Kế hoạch, sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất cho Thanh tra Chính phủ theo nguyên tắc sử dụng tối đa trụ sở, cơ sở vật chất hiện có của Thanh tra Chính phủ, đồng thời bố trí các trụ sở của cơ quan nhà nước dôi dư sau sắp xếp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Trường hợp chưa sắp xếp, bố trí ngay được trụ sở các cơ quan nhà nước dôi dư sau sắp xếp theo Nghị quyết số 18-NQ/TW thì cho phép thuê trụ sở làm việc nhằm đảm bảo hoạt động thực hiện nhiệm vụ liên tục, không bị gián đoạn. Việc thuê trụ sở làm việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với Thanh tra tỉnh: Sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất cho Thanh tra tỉnh, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ liên tục, không bị gián đoạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO