Cầu Giấy (Hà Nội): Một vụ việc hai kết luận, cần đảm bảo quyền lợi của người dân

Hà Lan| 28/02/2022 21:02

BVCL - Phản ánh tới Báo Công lý, bà Đỗ Thị Yến, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng ông Nguyễn Mạnh Khách tại xóm Giữa, thôn Hậu, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Hà Nội (cũ) nay là phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chiếm 23 m2 lối đi của gia đình. Vụ việc kéo dài hơn 18 năm nhưng chính quyền địa phương chưa có phương án xử lý dứt điểm.

1(3).jpg
 Đơn giao quyền thừa kế sử dụng đất của dòng họ cho gia đình bà Yến gửi cho UBND xã Dịch Vọng.

Theo phản ánh, bà Đỗ Thị Yến đã nhiều lần làm đơn gửi UBND xã Dịch Vọng tố cáo ông Nguyễn Mạnh Khách lấn chiếm 23m2 lối đi của gia đình bà. Sau đó, UBND xã Dịch Vọng đã cử cán bộ địa chính và ông Phạm Hữu cán bộ tư pháp xác minh lập biên bản xác định số đo diện tích đất tranh chấp, nhân chứng là ông Nguyễn Văn Trìu, ông Nguyễn Văn Toàn (trưởng họ Nguyễn), cùng người già nhất làng là bà Nguyễn Thị Trọng.

Căn cứ vào các báo cáo từ cán bộ tư pháp và biên bản đo hiện trạng đất của địa chính. Ngày 16/05/1996, ông Phạm Văn Triển Chủ tịch xã Dịch Vọng đã trực tiếp tổ chức buổi họp để giải quyết việc tranh chấp.

Tham gia buổi hòa giải gồm các thành phần, Chủ tịch UBND xã chủ tọa, Phó chủ tịch, cán bộ Tư pháp, trưởng ban kiểm tra Đảng, trưởng ban Tuyên huấn, cán bộ địa chính, trưởng ban thanh tra nhân dân, hội trưởng hội Phụ nữ, đại diện hai gia đình, người làm chứng và trưởng họ hai gia đình tranh chấp. Căn cứ “Biên bản ghi nhận họp hòa giải tranh chấp đất đai” kết luật tại buổi hòa giải tất cả các thành phần tham dự đều yêu cầu ông Khách trả lại 23m2 lối đi cho gia đình bà Yến, ông Khách đã đồng ý và ký vào biên bản.

Tuy nhiên, ngày 22/11/1996 Chính phủ ra Nghị định 74-CP cắt ½ huyện Từ Liêm để thành lập quận Cầu Giấy, phần đất tranh chấp của gia đình bà Yến rơi vào địa phận phường Dịch Vọng Hậu thuộc quận Cầu Giấy. Do đó Biên bản hòa giải, và biên bản, giấy tờ liên quan từ trước ngày 16/5/1996 của UBND xã Dịch Vọng không được UBND phường Dịch Vọng Hậu, UBND quận Cầu Giấy lấy làm căn cứ để giải quyết tố cáo.

2(3).jpg
 Biên bản ghi lời khai xác minh điều tra của UBND xã Dịch Vọng.

Tại kết luận thanh tra số 47/KL-TTr ngày 15/10/1998 của quận Cầu Giấy xác định, việc bà Yến đòi 23m2 đất lối đi là không có cơ sở. Từ kết luận thanh tra này, sau đó UBND quận Cầu Giấy, Thanh tra TP. Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành một số văn bản khác dẫn đến vụ việc khiếu kiện kéo dài.

Để làm rõ hơn những thông tin phản ánh, phóng viên Báo Công lý đã có trao đổi với Luật sư Đỗ Văn Hiền, Công ty luật Đỗ Thành Nam, thuộc đoàn Luật sư TP. Hà Nôi. Theo Luật sư, kết luận của UBND xã Dịch Vọng xác định việc bà Yến đòi phần 23m2 đất lối đi là đúng, Bản Kết luận thanh tra số 47/KL-TTr ngày 15/10/1998 của quận Cầu Giấy xác định việc bà Yến đòi 23m2 đất lối đi không có cơ sở là không đúng. Nhìn lại quá trình giải quyết vụ việc của UBND xã Dịch Vọng cũ cho thấy, có nhân chứng, có số đo hiện trạng đất, Quá trình làm việc của UBND xã Dịch Vọng có đầy đủ các ban, ngành.

UBND xã Dich Vọng làm việc đúng pháp luật hiện hành, có kết luận của từng cá nhân và tập thể. Tại nội dung bản kết luận thanh tra số 47/KL-TTr ngày 15/10/1998 của Thanh tra quận Cầu Giấy khác hoàn toàn so với Biên bản ghi nhận buổi hòa giải của UBND xã Dịch Vọng, Luật sư Hiền chia sẻ.

3(2).jpg
Kết luật thanh tra của UBND quận Cầu Giấy.

Cùng là một vụ việc, mà hai đơn vị hành chính có hai kết luận trái ngược nhau. Kết luận của UBND xã Dịch Vọng xác định việc bà Yến đòi phần 23 m2 đất lối đi là đúng, còn kết luận của Thanh tra quận Cầu Giấy xác định việc bà Yến đòi 23 m2 đất lối đi là không có cơ sở. Nếu nhìn quy trình làm việc của UBND xã Dịch Vọng, ta thấy họ có nhân chứng, có số đo hiện trạng đất, buổi làm việc thì có đầy đủ các Ban, Ngành. Rõ ràng với cách làm việc của UBND xã Dich Vọng chuyên nghiệp và đầy đủ hơn, và như thế kết luận của họ sẽ là kết luận của tập thể, do đó sẽ đảm bảo tính khách quan. Còn tại bản kết luận của Thanh tra quận Cầu Giấy, chỉ thấy họ nêu văn bản, không có người làm nhân chứng, không có nhiều đối tượng tham gia đóng góp ý kiến, Luật sư Hiền nhấn mạnh thêm.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy cần sớm xem xét xử lý dứt điểm vụ việc nêu trên, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu Giấy (Hà Nội): Một vụ việc hai kết luận, cần đảm bảo quyền lợi của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO