Đời sống

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: “Cú hích” cho du lịch tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh

Huỳnh Sang 01/06/2023 - 14:30

Doanh thu du lịch tỉnh Bình Thuận dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua tăng gấp đôi so với năm 2022 là minh chứng rõ nhất về tác động tích cực từ hạ tầng giao thông lên ngành du lịch.

Thời cơ phát triển

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được ví như vùng nối “xương sống” kết nối tuyến giao thông trọng điểm giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với vùng Đông Nam bộ. Từ đó với các dự án sắp hình thành trong tương lai như cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ tạo nên sự liền mạch trong kết nối liên vùng, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam bộ - Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

1.jpg
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ là cú huýt “cất cánh” ngành du lịch tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới

Dự án còn khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Mặc dù vậy, nhiều năm qua, “cánh cửa” vùng phía Đông của tỉnh gần như chỉ có tuyến Quốc lộ 1 là tuyến giao thông đối ngoại duy nhất. Đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy, với việc tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe và đưa vào khai thác được kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển lớn đối với ngành du lịch, trở thành động lực đánh thức tiềm năng của nhiều vùng, miền.

Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế ở đó phát triển, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này. Vì vậy, tuyến đường có ý nghĩa kinh tế xã hội, chính trị to lớn đối với đất nước nói chung, đối với các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng.

Những đóng góp tích cực của cao tốc đến du lịch đã cho thấy mối quan hệ tương hỗ giữa du lịch - giao thông đang được áp dụng đúng và hiệu quả. Người làm du lịch “vui như mở cờ trong bụng” trước cảnh địa phương đông khách. Cùng với Phan Thiết, Bình Thuận, một số điểm du lịch tại Đồng Nai, Ninh Thuận, Tây Nguyên… kề cận cao tốc cũng đang rục rịch “thay áo” mới để đón khách.

Anh N.V.A (ngụ quận 12) phấn khởi chia sẻ, cuối tuần, gia đình thường có thói quen làm các chuyến du lịch ngắn xung quanh TP.HCM. Từ ngày cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe, đường mới, cảm giác lái xe cũng thoải mái hơn khiến gia đình chọn đi du lịch xa hơn nhưng thời gian và kinh phí lại tiết kiệm hơn.

Đặt mục tiêu 6,7 triệu lượt khách

Tháng 5/2023, du lịch Bình Thuận tiếp tục ghi dấu ấn khi đón hơn 800.000 lượt khách, tăng 9,18% so với tháng trước đó và tăng 66,45% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng lượng khách quốc tế trong tháng ước đạt 21.700 lượt, tăng 4,35% so tháng trước và tăng 4,4 lần so cùng kỳ, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượt khách quốc tế. Lũy kế 5 tháng năm 2023 ước đạt 111 ngàn lượt khách, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước…

2(1).jpg
Hạ tầng phát triển sẽ là thời cơ phát triển lớn đối với ngành du lịch, trở thành động lực đánh thức tiềm năng của nhiều vùng, miền

Tính chung từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ước đón được 3.626.500 lượt khách, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế có khoảng 111.000 lượt khách, tăng 5,7 lần so cùng kỳ… Du lịch Bình Thuận diễn ra sôi động cũng góp phần nâng doanh thu từ hoạt động du lịch trong 5 tháng qua ước đạt xấp xỉ 9.275 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du khách đến địa phương ước đạt hơn 160.000 lượt, tăng gấp đôi so với năm 2022, doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng. Công suất phòng bình quân toàn tỉnh đạt từ 75-90%, riêng các resort 3-5 sao ở khu vực Mũi Né, Phan Thiết đạt 95-100% công suất phòng. Những con số này cho thấy du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục hút khách, nhờ những yếu tố hạ tầng thuận lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết, địa phương rất mong chờ hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi vào hoạt động. Hai dự án này khi đi vào vận hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Trong thời gian qua, tỉnh đã đôn đốc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp quyền khai thác các mỏ khoáng sản phục vụ dự án cao tốc. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến dự án, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện. Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe sẽ là động lực giúp ngành du lịch tỉnh Bình Thuận tiến gần hơn với mục tiêu đạt 6,7 triệu lượt khách vào cuối năm.

Theo ông Hồ Xuân Long (Dự án F&B Service - Tour Discover Đồng Nai), hạ tầng giao thông luôn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định điểm đến thu hút của du khách. Lâu nay Phan Thiết - Bình Thuận cũng đã là một điểm đến thu hút khách, khi có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thì du lịch ở đây càng phát triển. Từ đó, các địa phương khác như Đồng Nai, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả Khánh Hòa cũng sẽ phải thay đổi về chiều sâu trong nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách du lịch.

3.jpg
Bình Thuận đặt mục tiêu thu hút 6,7 triệu liệu khách trong năm 2023

“Tuyến cao tốc này cũng có thể sẽ là một chất xúc tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các điểm đến. Bởi, cho dù giao thông thuận lợi nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng thì khách du lịch cũng sẽ không có ý định quay lại... Một cuộc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ của các điểm đến cũ và cả mới sau khi có tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng tạo ra một sân chơi sòng phẳng giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cả địa phương. Và rõ ràng, người dân, du khách sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc cạnh tranh này” - ông Long nói.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km được thông xe sáng 29/4. Tuyến cao tốc nằm trong dự án đầu tư 11 tuyến cao tốc Bắc - Nam, kết nối Bình Thuận với TP.HCM và Đồng Nai. Tương lai, trục đường huyết mạch này sẽ nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo ra dải liền mạch TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công hồi tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình được dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, nhưng sau đó gia hạn đến 30/4 năm nay.

Khi đưa vào khai thác, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt về hạ tầng cho tỉnh Bình Thuận, đồng thời rút ngắn một nửa thời gian di chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM đến Phan Thiết, Mũi Né, còn 2-2,5 giờ thay vì 5-6 giờ như qua quốc lộ 1A trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: “Cú hích” cho du lịch tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO