Người dân nên cảnh giác khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo thường tạo lập những trang mạng xã hội giả mạo, không có thông tin cá nhân minh bạch để đăng tải hình ảnh về các sản phẩm với giá siêu rẻ so với thị trường.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn tham gia vào các hội nhóm, liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm với nội dung hấp dẫn người dùng. Khi có khách hàng tiếp cận, tư vấn bán hàng rồi “chốt đơn”, sau đó yêu cầu đặt cọc, khi nạn nhân chuyển tiền cọc xong thì đối tượng chặn toàn bộ liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền cọc của bị hại.
Mới đây, Công an huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) tạm giữ hình sự Trần Văn Lộc (SN: 2003, trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Lộc sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook tham gia vào các hội nhóm nhằm mục đích lấy thông tin, hình ảnh của người đang có nhu cầu bán xe ô tô, xe máy đã qua sử dụng. Sau đó, Lộc lấy những hình ảnh ăn cắp đó đăng trên trang cá nhân mang tên "Nguyễn Hữu Lưu", rao bán với giá rất thấp.
Khi có khách “chốt đơn”, đối tượng yêu cầu đặt cọc bằng phương thức chuyển khoản và đưa ra nhiều lý do khác để tạo lòng tin khiến nạn nhân gửi thêm tiền cọc, sau đó chặn mọi liên lạc.
Được biết, từ tháng 1/2024 đến 31/10/2024, đối tượng này lừa đảo hàng trăm người, chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến, cần thực hiện xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng.
Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào, không truy cập vào các đường dẫn lạ, tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.