Trước cảnh báo gia tăng tiêu thụ nước giải khát và nguy cơ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế đưa đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt 40% đối với loại đồ uống này.
Ngày 15/11, Bộ Y tế tổ chức tọa đàm nhằm cung cấp thông tin báo chí về thực trạng tiêu thụ đồ uống có đường, những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe; vai trò của Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong kiểm soát tiêu dùng.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) nhận định rằng việc tiêu thụ quá mức đồ uống có đường thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa ở cả người lớn và trẻ em. Bên cạnh đó, các bệnh lý nghiêm trọng khác như đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ và tử vong sớm cũng có mối liên quan mật thiết với thói quen tiêu thụ đồ uống này.
Theo báo cáo của Euromonitor 2023, từ năm 2009 đến 2023, lượng tiêu thụ nước giải khát có đường tại Việt Nam đã tăng mạnh từ 1,59 tỷ lít lên 6,67 tỷ lít, tăng tới 420%. Tiêu thụ bình quân đầu người cũng tăng tương ứng từ 18 lít/năm lên 66 lít/năm trong cùng giai đoạn. Hiện tại, mức tiêu thụ đường tự do trung bình của người Việt đạt 46,5g/ngày, gần chạm ngưỡng tối đa 50g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và cao gần gấp đôi mức có lợi cho sức khỏe là dưới 25g/ngày.
Để đối phó với thực trạng này, Bộ Y tế đề xuất áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường như một giải pháp quan trọng. Bà Thủy nhấn mạnh, đây là biện pháp mà WHO khuyến nghị nhằm giảm mức tiêu thụ và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm lành mạnh hơn. Việc áp thuế này đã được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), dự kiến thảo luận tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng áp thuế TTĐB sẽ là một bước tiến quan trọng để giảm sử dụng nước giải khát có đường, đồng thời giúp kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt là đái tháo đường, béo phì và tim mạch. Ông cũng đề xuất lộ trình tăng thuế lên 40% giá bán nhà sản xuất vào năm 2030 nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thay đổi hành vi tiêu dùng.
Bên cạnh việc áp thuế, WHO còn khuyến nghị giảm lượng đường tự do tiêu thụ ở cả người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào hàng ngày, tương đương khoảng 12 thìa cà phê đường. Tốt nhất, mức tiêu thụ này nên giảm thêm xuống dưới 5% để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe.
Đánh thuế nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là lần đầu tiên được đưa vào diện áp thuế tại Việt Nam. Mặc dù mức thuế 10% được Bộ Tài chính đề xuất nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đồ uống ít đường, Bộ Y tế đề nghị mức thuế khởi điểm 30% và tăng lên 40% theo lộ trình. Cách tiếp cận phân tầng theo hàm lượng đường cũng đang được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả.
Động thái này không chỉ hướng đến cải thiện sức khỏe cộng đồng mà còn nhằm nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi tiêu dùng và góp phần bảo vệ thế hệ tương lai khỏi các nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng.