BVCL - Gần 3ha rừng phòng hộ tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có độ tuổi từ 15 đến 17 năm đã bị “tàn sát” không thương tiếc. Chủ rừng nghi do doanh nghiệp khai thác sai thiết kế, tuy nhiên chủ doanh nghiệp “phản pháo” và khẳng định không phải.
Ngày 30/11, một lãnh đạo UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết đang yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh khẩn trương làm rõ, báo cáo UBND huyện về vụ phá 2,71ha rừng trái phép, tại tiểu khu 347A, xã Canh Hiệp.
"Vụ việc phức tạp, còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ nên chưa thể cung cấp chi tiết cho báo chí" - vị này nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng này, phía chủ rừng nghi ngờ thủ phạm do Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng (một doanh nghiệp “có tiếng” tại huyện Vân Canh) đã khai thác rừng sai thiết kế. Trong khíi đó, chủ doanh nghiệp lại “phản pháo” và khẳng định: “không hề khai thác rừng phòng hộ trái phép” (!?).
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, năm 2020, Ban này và Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng ký Hợp đồng số 04 và 05/HĐ về việc khai thác và vận chuyển gỗ rừng trồng sản xuất với tổng diện tích 62,50ha, thời hạn hợp đồng đến ngày 30/6/2021.
Tuy nhiên, sau khi hết hạn hợp đồng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng tiếp tục đề nghị gia hạn hợp đồng khai thác rừng đến ngày 30/9/2021 và được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh chấp thuận, ký kết phụ lục gia hạn.
Đến ngày 20/8/2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng kết thúc việc khai thác rừng. Nhưng qua kiểm tra, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh phát hiện một số diện tích rừng trồng kế cận nằm ngoài so với hồ sơ thiết kế khai thác rừng trồng năm 2020 bị khai thác, diện tích bị khai thác sai thiết kế là 2,71ha rừng.
Cụ thể, rừng bị khai thác tàn phá trái phép tại tại lô S, khoảnh 3, tiểu khu 347A xã Canh Hiệp với diện tích 0,43ha keo lai được trồng từ năm 2007 và lô B, C2, E2 khoảnh 5, tiểu khu 347A xã Canh Hiệp với diện tích 2,38ha keo lai trồng năm 2005, tất cả rừng bị “tàn sát” đều có chức năng quy hoạch rừng phòng hộ.
Tại hiện trường khai thác chỉ còn lại gốc cây đường kính từ 20-35cm, các đám bị khai thác phân bố chủ yếu xen kẽ giữa các băng rừng đã được khai thác và trồng lại năm 2017, chiều rộng đám khai thác từ 15-40m.
Trước nghi ngờ là “thủ phạm” từ chủ rừng, ông Phạm Lưu Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng khẳng định, quá trình nhận thi công khai thác rừng diễn ra theo đúng thiết kế, hiện tại doanh nghiệp đã hoàn thành việc nghiệm thu, thanh toán. “Chúng tôi thi công khai thác rừng theo đúng thiết kế, quá trình khai thác còn có cả giám sát nên không có chuyện doanh nghiệp phá rừng phòng hộ”, ông Phạm Lưu Hùng nói.
Phóng viên nhiều lần gọi điện liên hệ với ông Lương Văn Huấn – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Vân Canh nhưng không nhận được phản hồi.
Theo ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trách nhiệm khai thác rừng thuộc về chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh (trực thuộc UBND huyện Vân Canh), sau khi xin chủ trương đồng ý từ UBND tỉnh Bình Định, chủ rừng sẽ tổ chức bán đấu giá yêu cầu khai thác rừng theo đúng thiết kế phê duyệt.
Nêu quan điểm về việc xử lý trách nhiệm khi để “mất” gần 3ha rừng phòng hộ, ông Phan Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) cho biết, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo huyện vẫn đang chờ báo cáo cụ thể từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, để đưa ra quyết định theo đúng quy định pháp luật