Bình Định: Cụ ông 87 tuổi đi tìm công lý để giữ lại nhà thờ

Dương Vương| 09/11/2021 21:55

BVCL - Đến nay, tròn 30 năm ông Lê Hồng Anh (SN 1934, trú TP Pleiku, Gia Lai) cùng em ruột đi miệt mài gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng với mong muốn ở tuổi “gần đất xa trời”, ông nhận được thừa kế của cha mẹ để lại, giữ lại nhà thờ.

Xác định di sản thừa kế của cha mẹ

Theo đơn trình bày của ông Lê Hồng Anh, cha mẹ là ông Lê Giá và bà Trần Thị Lư, hạ sinh 6 người con lần lượt gồm bà Lê Thị Tiết (có 04 người con, bà chết năm 1997); ông Lê Đình Ngại (SN 1926, đã chết năm 1979, có 03 người vợ và 11 người con); bà Lê Thị Thúy Liễu (đã chết năm 2008, có 07 người con); ông Lê Hồng Anh (SN 1934); ông Lê Văn Xược (chết lúc nhỏ, không có vợ) và bà Lê Thị Tuyết Mai (SN 1948).

Trong các người con nêu trên, riêng ông Lê Đình Ngại có mối quan hệ gia đình phức tạp. Ông Lê Đình Ngại cưới vợ đầu tiên là bà Nguyễn Thị Đức (SN 1927) có 1 người con Lê Thị Lợi. Khi đang có vợ, ông Ngại chung sống với bà Nguyễn Thị Đấy (đã chết năm 1999), có 7 người con gồm Lê Thị Nhung, Lê Thị Kim Sâm, Lê Đình Thám (đã chết, có vợ là bà Lê Thị Lan Anh), Lê Đình Thính, Lê Đình Sự, Lê Đình Phụng, Lê Đình Thiên. Đồng thời, ông Lê Đình Ngại cũng chung sống với bà Hiếu và có 3 người con chung.

Đến nay, 4 người anh chị đã mất còn lại ông Lê Hồng Anh (87 tuổi) và bà Lê Thị Tuyết Mai (73 tuổi). Sau khi, 3 đứa cháu con ông Ngại (gồm cháu dâu, cháu gái và cháu trai) “hô biến” tài sản cha mẹ ông, bà để lại thành tài sản riêng và bỏ qua quyền thừa kế của con ruột… ông Anh và bà Mai đã đưa đơn khởi kiện.

Trước đó, vào ngày 07/6/2021, TAND huyện thị xã An Nhơn xét xử sơ thẩm số 53/2021/DS-ST, xác định bà Đức là vợ chính thức với ông Lê Đình Ngại, bà Đức về làm dâu lúc 17 tuổi thì ở chung nhà với cha mẹ chồng, nhà do cha mẹ chồng (ông Lê Giá và bà Trần Thị Lư) tạo lập và có nhà tranh vách đất. Các nhân chứng cùng thời gian với ông Giá bà Lư, nhân chứng là hàng xóm, bà con với ông Ngại đều khẳng định vị trí đất đang tranh chấp do ông Lê Giá và bà Trần Thị Lư tạo lập. Năm 1960, ông Lê Giá qua đời. Đến năm 1968, các con của ông Giá bà Lư cùng nhau xây dựng lại thành nhà gạch mái ngói, chủ yếu do ông Lê Hồng Anh bỏ tiền xây dựng.

di-san-thua-ke-ngay-05-11-binh-dinh-2.jpg
Tại đơn tự thuận ly hôn, năm 1975 bà Nguyễn Thị Đấy xác nhận không có tài sản phân chia (phần trong khung đỏ).

Tại thời điểm năm 1968, các con bà Lư đều lập gia đình ở riêng, còn ông Lê Hồng Anh lên Tây Nguyên làm kinh tế. Giai đoạn này, ông Lê Đình Ngại cùng lúc qua lại với 3 người vợ (bà Đức, bà Đầy và bà Hiếu), đã có 10 người con nhỏ và kinh tế rất khó khăn. Ông Ngại không ở với bà Lư.

Vào tháng 11/1975, bà Nguyễn Thị Đấy viết giấy thuận tình ly hôn với ông Lê Đình Ngại. Trong giấy tự thuận ly hôn, bà Đấy ghi: “Về của cải không có gì phân chia nhưng chỉ nhận lãnh đứa con trai út Lê Đình Thiên để nuôi”. Lúc này, ông Ngại và 6 người con về ở với bà Trần Thị Lư.

Năm 1979, ông Lê Đình Ngại bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Các con của ông Ngại và bà Đấy vẫn ở cùng bà Lư. Đến năm 1984, bà Lư già yếu không thể ghi kê khai ruộng đất theo Chỉ thị 299, bà Lư nhờ cháu nội Lê Đình Thám kê khai thay cho bà Lư.

Ông Lê Đình Thiên (con ruột của ông Lê Đình Ngại và bà Đấy) trình bày lời khai tại tòa, khẳng định: “Má tôi kể lại, ông bà nội tôi làm ăn tạo dựng cơ ngơi và gia đình có điều kiện kinh tế. Khi ông nội mất sớm, cuộc sống dần khó khăn, còn ba tôi thì ham mê cờ bạc, thế chấp nhà đất để đánh bạc, nghe vậy chú Lê Hồng Anh bỏ vàng ra chuộc lại và xây lại ngôi nhà năm 1968. Khi ba tôi mất năm 1979, rồi đến bà nội mất năm 1991, anh Thám chết vì tai nạn, má tôi và cô hai mất cũng đều được chú Anh lo hậu sự chu toàn. Thế mà anh chị tôi không mang ơn, còn âm mưu tham lam cướp đất của ông bà nội mà không chăm lo hương khói”.

Từ các vấn đề nêu trên, nguồn gốc đất tranh chấp rõ ràng thuộc di sản của ông Lê Giá và bà Trần Thị Lư tạo lập, được thể hiện rõ ràng trong đơn tự thuận li hôn của bà Nguyễn Thị Đấy (vợ nhỏ ông Ngại) và lời khai của bà Nguyễn Thị Đức (vợ ông Ngại).

Còn hiệu lực khởi kiện chia thừa kế di sản

Thời điểm đăng ký theo Chỉ thị 299, sức khỏe bà Lư đã già yếu, không còn minh mẫn và không đảm bảo kê khai, bà Lư nhờ cháu nội Lê Đình Thám kê khai hộ vào năm 1984. Nay là thửa đất số 1028, tờ bản đồ số 1 tại khu vực Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Điều bất ngờ khi trong Chỉ thị 299 đứng tên ông Lê Đình Thám (cháu nội bà Lư) nhưng không thể hiện tên bà Trần Thị Lư hoặc tên ông Lê Đình Ngại (?).

di-san-thua-ke-ngay-05-11-binh-dinh-1.jpg
Ngôi nhà cũ xây dựng năm 1968 đã xuống cấp, trong khi 03 người con ông Ngại và bà Đấy chiếm dụng đất xây nhà ở.

Đến năm 1995, ông Lê Đình Thám được UBND huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01620/QSDĐ/I8 ngày 17/9/1995 với diện tích 937m2. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất chỉ còn căn nhà cũ xây dựng năm 1968 (diện tích 121m2), phần đất còn lại 03 người con của ông Ngại bà Đấy chiếm dụng xây dựng nhà ở gồm bà Lê Thị Lan Anh (vợ ông Lê Đình Thám), bà Lê Thị Nhung và ông Lê Đình Phụng.

Các căn cứ xác nguồn gốc đất là di sản của ông Lê Giá và bà Trần Thị Lư, tuy nhiên phiên tòa sơ thẩm ngày 07/6/2021, TAND thị xã An Nhơn chưa xem xét đến yêu cầu khởi kiện phân chia di sản thừa kế của nguyên đơn.

Theo Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế…”.

di-san-thua-ke-ngay-05-11-binh-dinh-3.jpg
Bản án sơ thẩm số 53 ngày 07/6/2021 của TAND thị xã An Nhơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Lê Hồng Anh.

Không đồng ý Bản án sơ thẩm số 53/2021/DS-ST của TAND thị xã An Nhơn, nguyên đơn Lê Hồng Anh đã kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa chưa xem xét về hiệu lực khởi kiện phân chia di sản thừa kế theo Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 còn hiệu lực.

Ngày 05/11. TAND tỉnh Bình Định cho biết đã ban hành Thông báo thụ lý vụ án phúc thẩm số 59 ban hành từ ngày 19/7/2021, về việc kháng cáo bản án sơ thẩm số 53 của TAND thị xã An Nhơn.

Ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Anh vẫn phải miệt mài đấu tranh, đòi lại tài sản của cha mẹ nhọc nhằn tạo lập. Ông Anh bày tỏ: “Tôi chỉ mong muốn đòi lại đất của cha mẹ, đồng lòng để làm lại nhà thờ tổ tiên họ Lê thêm phần khang trang, sạch đẹp hơn. Đến cái tuổi này, tôi chẳng còn tha thiết gì chỗ ở cả, chỉ mong đòi lại đất, làm xong nhà thờ, để hiếu kính với ông bà, tổ tiên trước khi “trăm tuổi” mà thôi”.

di-san-thua-ke-ngay-05-11-binh-dinh-4.jpg
Thông báo thụ lý vụ án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định ban hành ngày 19/7/2021.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Cụ ông 87 tuổi đi tìm công lý để giữ lại nhà thờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO