Bí thư xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) bị tố chiếm đất công trái phép: Chuyên gia pháp lý nói gì?

PV| 17/11/2021 13:54

Liên quan đến phản ánh của người dân về sai phạm của Bí thư xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, PV Báo Công lý đã có trao đổi với luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). Theo ông, cần làm rõ trách nhiệm của vị Bí thư này.

Vừa qua, Báo Công lý đã đăng tải bài viết phản ánh sai phạm của ông Hoàng Văn Hội - Bí thư Đảng uỷ xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội liên quan việc lấn chiếm đất công trái phép. Điều đáng nói, sai phạm xảy ra đã lâu nhưng không được chính quyền và ngành chức năng có liên quan của huyện Đông Anh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Được biết, công trình vi phạm của vị bí thư này nằm ngay khu vực mặt đường và không quá xa trụ sở UBND xã Đông Hội. Và trong khi sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, gian qua, tại khu vực còn xuất hiện thêm hàng loạt công trình, nhà xưởng khác đua nhau mọc lên bất chấp sự bức xúc, phản ứng của người dân địa phương.

nha-o-dong-hoi-dong-anh.jpg
Công trình vi phạm của Bí thư xã Đông Hội nằm ngay mặt đường khu vực thôn Hội Phụ

Trao đổi với PV Báo Công lý, Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thực trạng lấn, chiếm đất xây dựng trái phép là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Cụ thể, theo Nghị định 91/2019 NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013 quy định chiếm đất là việc tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép; tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép. Các trường hợp xây dựng công trình nhà ở, nhà xưởng không thuộc phần diện tích đất sử dụng hợp pháp tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, đều là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi lấn chiếm đất mà có thể “xử phạt” hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng theo quy Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, các trường hợp này còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung gồm: buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm; buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai.

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, để xảy ra tình trạng như Báo Công lý đã nêu, cần phải nhanh chóng truy cứu tránh nhiệm của chính quyền địa phương xã Đông Hội. Hơn thế nữa, hiện nay, việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai đang được phân cấp chủ yếu cho chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện theo Điều 23 Luật Đất đai năm 2013. Trong khi đó, sự việc đã xảy ra nhiều năm, khi UBND huyện Đông Anh được phản ánh, cũng không có động thái quan tâm để xử lý sai phạm của địa phương thuộc quản lý của mình. Điều này thực sự gây khó hiểu.

Cũng theo luật sư, với các trường hợp vi phạm nêu trên, nếu không có động thái sớm trong việc xử lý các vi phạm, thiết nghĩ cần phản ánh sự việc lên UBND TP.Hà Nội để các cơ quan quản lý cấp cao nhanh chóng có phương án xử lý triệt để, nghiêm ngặt các trường hợp coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là trường hợp cán bộ thuộc cơ quan quan lý nhà nước nhưng lại vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) bị tố chiếm đất công trái phép: Chuyên gia pháp lý nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO