BVCL - Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng quyết định làm thủ tục ly hôn thì bị cáo phát hiện chồng có nhân tình, nên thuê người tạt axit “tình địch” để trả thù. Từ đây nữ tiến sỹ có máu Hoạn Thư vướng vòng lao lý, cuộc đời rơi vào bi kịch ở tuổi xế chiều.
Ngồi trước bục khai báo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, nữ bị cáo gương mặt thất thần, bộ dạng tiều tụy, đôi mắt vô hồn. Có lẽ những tháng ngày bị giam cầm chờ đợi Tòa xét xử đã khiến mái đầu người phụ nữ mới ở tuổi 55 đã bạc trắng.
Bị cáo là Trần Thị Diễm Thúy (55 tuổi, ngụ TP HCM). Nếu không đọc tiểu sử, ít ai biết trước khi vướng vòng lao lý, bà từng là một tiến sỹ văn học, một giảng viên kỳ cựu của nhiều trường đại học có tiếng tại TP HCM. Điều gì đã khiến một người có học vấn cao, khi đã ở tuổi bóng xế cuộc đời trở thành kẻ phạm tội? Câu trả lời ở hồ sơ phạm tội, bị cáo gây án do ghen tuông.
Quê gốc Trà Vinh, thời con gái, Trần Diễm Thúy là một người có tiếng thông minh. Lên TP HCM học, với năng khiếu văn chương, sau tốt nghiệp Thúy nằm trong số ít ỏi được chọn làm giảng viên. Thúy hài lòng vì nghề gắn với nghiệp “trồng người”, điều mà cô hằng lâu nay mong muốn.
Cô vui vì ngày ngày được đứng bục giảng, dạy cho các thế hệ sinh viên những bài văn, thơ, dạy các em bước ra đời để làm người. Bao thế hệ sinh viên cũng trưởng thành từ những bài giảng nhân văn của Thúy. Đường sự nghiệp hanh thông, Thúy liên tục chinh phục các nấc thang tri thức, cao học, thạc sỹ rồi ở tuổi 55 cô đã được phong danh hiệu tiến sỹ văn chương.
Thế nhưng, con đường sự nghiệp và con đường hôn nhân với Thúy như thể trái ngược nhau. Những bài giảng, những công trình khoa học văn chương chỉ có thể bay bổng trên bục giảng, trên những trang viết. Ngoài đời, mối quan hệ hôn nhân giữa bà và chồng trái ngược với lời văn, vần thơ lãng mạn. Ngày ngày Thúy vẫn gắng lên bục giảng với nụ cười gắng gượng, nhưng lúc về nhà lại đối diện với cuộc hôn nhân vốn dĩ lục đục. Khi không thể dung hòa, năm 2008 vợ chồng bà Thúy quyết định làm thủ tục ly hôn ra Tòa.
Trong khi chờ Tòa án giải quyết ly hôn thì bà Thúy phát hiện ra chồng có nhân tình, đó là chị L. một thợ cắt tóc trẻ trung xinh đẹp. Dù tình cảm không còn nhưng khi biết chồng có tình mới, trái tim Thúy như tan nát, ý nghĩ trả thù nảy sinh.
Khoảng tháng 3/2008, Trần Phúc Th. (em trai của Thúy) dẫn Lê Hoài Phong (người bà con cùng quê Trà Vinh) đến nhà của Thúy xin thuê phòng. Thúy cho Phong ở lại nhà mình ở quận Phú Nhuận. Trong thời gian này, Thúy kể chuyện chồng mình có nhân tình và đưa tấm hình chị L. nhờ Phong theo dõi thì sẽ có tiền thưởng, Phong nhận lời.
Bị cáo Thúy tại Tòa
Ngoài ra, Thúy tìm gặp chị N. (bạn của chị L.) để xin số điện thoại chị L. Qua nói chuyện, Thúy biết được chị L. cần tìm mặt bằng mở tiệm hớt tóc nên đã giới thiệu Phong hướng dẫn tìm mặt bằng thuê. Chị N. tin lời nên đã báo cho chị L. rằng có mặt bằng nên hẹn thời gian để Quang dẫn đi xem. Đã lên kịch bản trước, Thúy đưa cho Phong xe máy, bình axit và một sim điện thoại, nói Phong giả làm người giới thiệu mặt bằng, hẹn gặp chị L. để đến địa điểm xem nhà.
Như đã tính sẵn, Phong điện thoại hẹn chị L. đến xem mặt bằng tại đường Nguyễn Thái Bình (Phường 4, quận Tân Bình). Đến 9 giờ ngày 22/3/2008, khi thấy chị L. dừng xe đợi ở điểm hẹn, Phong liền phóng xe đến áp sát dùng ca axít tạt thẳng vào mặt chị L. rồi nhanh chóng phóng xe tẩu thoát.
Bị tạt thẳng vào mặt, người bất ngờ, chị L. té ngã la hét trong đau đớn, mọi người đưa đi cấp cứu. Quá trình điều trị may mắn giữ được mạng sống nhưng bác sỹ xác định chị L. bị bỏng axít độ II - III, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 26%.
Gây án xong, Phong vứt sim điện thoại và gửi xe tại quán cà phê trên đường Nguyên Hồng (quận Bình Thạnh) rồi đến gặp Thúy nhận 500.000 đồng tiền công. Vụ việc gây chấn động dư luận, cơ quan Công an vào cuộc điều tra, không lâu sau thì tìm ra đối tượng gây án.
Tại cơ quan điều tra, Phong khai bà Thúy là chủ mưu nhờ tạt axit chị L., do chị L. có mối quan hệ tình cảm với chồng bà Thúy. Tháng 3/2010, TAND quận Tân Bình đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Phong 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong quá trình xét xử, HĐXX cho rằng có dấu hiệu cho thấy Thuý liên quan vụ án nhưng không thể xem xét do giới hạn thẩm quyền xét xử. Sau đó, tại phiên phúc thẩm, TAND TP HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Hồ sơ được trả về cho cơ quan điều tra.
CQĐT và VKS đã triệu tập Thúy đến làm việc, lấy lời khai nhưng Thúy luôn vắng mặt, không hợp tác. Theo lời khai, cũng như hồ sơ cho thấy, Thúy là người chủ mưu trong vụ án. Hai cơ quan đã thống nhất khởi tố Thúy về tội “Cố ý gây thương tích” với vai trò chủ mưu.
Tuy nhiên, tháng 7/2011, CQĐT đành phải ra quyết định truy nã vì không biết tìm Thúy ở đâu. Trong thời gian bị truy nã, Thuý vẫn gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Tại phiên sơ thẩm thứ hai hồi tháng 8/2011, Phong bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù. Riêng hành vi liên quan của Thuý được tách thành vụ án khác.
Tháng 12/2017, đối tượng Thúy bị bắt, có biểu hiện bất thường. Kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng bị bệnh rối loạn nhân cách, cảm xúc không ổn định, rối loạn sự thích ứng và phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm. Thời điểm gây án và hiện tại, Thúy bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Ngày 27/12/2019, sau thời gian điều trị bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, sức khoẻ Thúy ổn định, đủ điều kiện để làm việc với các cơ quan pháp luật. Làm việc với cơ quan điều tra, Thuý cung cấp bằng chứng ngoại phạm, khẳng định không liên quan vụ án. Bà ta cho rằng, bản thân không có động cơ đánh ghen bởi trước đó 2 năm đã đơn phương xin ly hôn, không còn tình cảm với chồng.
Thời điểm Phong khai được dẫn đi mua axit là lúc Thúy đang giảng ở một trường đại học cách đó 20km và được sinh viên, nhà trường xác nhận. Trong điện thoại cũng không có cuộc gọi nào với Phong. Tuy nhiên, lời khai của Thúy mâu thuẫn, bất nhất, gian dối. Từ hồ sơ vụ án, đến tháng 4/2020, Viện KSND quận Tân Bình đã ban hành cáo trạng truy tố bị cáo Thúy về tội “Cố ý gây thương tích”, với cáo buộc là người chủ mưu, thuê người tạt axít nhân tình chồng.
Ngày 30/11, TAND quận Tân Bình tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhưng phiên xử tạm hoãn vì luật sư bào chữa cho bị cáo Thúy vắng mặt. Nạn nhân, người thân nạn nhân, dư luận đang chờ kẻ ác phải đền tội. Ở đoạn đời còn lại, người ta an yên vui vầy bên con cháu, thì nữ tiến sỹ lại hầu tòa và đối diện vòng tù tội. Âu đó cũng là kết cục được báo trước cho nữ tiến sỹ có “máu Hoạn Thư”.