“Bà đỡ” của hàng trăm đứa trẻ nơi bản làng địa đầu Tổ quốc

Nguyễn Liên | 26/02/2022 17:00

BVCL - Chúng tôi đặt chân đến Quang Bình một ngày đầu xuân rét buốt ở nền nhiệt 1-2 độ. Ghé chân xã Bản Rịa nơi đây có địa hình vô cùng phức tạp, được biết đến là xã khó khăn nhất cả nước. Trong cái rét buốt đó, trưởng bản kể lại câu chuyện chúng tôi nghe về nữ bác sĩ tận tụy từng thôn bản, từng số phận bất hạnh với các chương trình thiện nguyện cho người dân khắp bản làng huyện Quang Bình mà bà con dân bản hay gọi tên rất thân thương “Bác sĩ Huyền”.

Bác sĩ Huyền- bà đỡ của bản làng!

Bác sỹ Huyền tên thật là Hoàng Thị Huyền, sinh năm 1971, người dân tộc Tày, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Quang Bình. Năm 1991, bác sĩ Huyền theo học y sĩ tại Tuyên Quang rồi trở lại quê hương làm viêc. Gặp chị trong buổi chiều đông rét buốt nơi “thâm sâu hiểm cốc” của mảnh đất Hà Giang, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn vô cùng. Tôi có hỏi bác sĩ, tên bác sĩ Huyền có từ đâu, khi nào? Thì nữ bác sĩ tủm tỉm cười “ tôi không nhớ nữa, chắc từ rất lâu rồi, hồi tôi mới ra trường cơ, đồng bào nơi đây hay gọi tôi như thế”.

hinh-1.jpg
Đến hôm nay những bác sĩ Huyền cùng nhiều nhân viên của mình vẫn miệt mài trên những cung đường để làm nhiệm vụ “bà đỡ”

Nhớ lại, bác sĩ Huyền kể “hồi đó Quang Bình nghèo lắm, dân cư thưa thớt, địa hình khó khăn vô cùng. Sức trẻ vừa ra trường tôi được phân bám bản tại trạm y tế xã Việt Hồng. Tôi nhớ mãi hình ảnh con đường mòn đâm xuyên qua cánh rừng đến với người dân. Ngày ấy mỗi lần đi bộ 5-7km là chuyện thường vì tuổi trẻ mà. Một trong những kỷ niệm nhớ mãi của tôi, khoảng tháng 10-1995, sau khi nhận tin trong bản có thai phụ sắp sinh, tôi vội vàng ôm đồ nghề chạy men theo con đường rừng vào bản, con đường mòn chưa bao giờ khó khăn đến vậy, đường đi chỉ lọt bánh xe, nếu đi xe thì phải cúi đầu nếu không cây đập vào đầu ngay. Đến được nhà dân sẩm tối, tháng 10 trong cái rét hanh hao “thấu da- thấu thịt” của núi rừng ấy, trời tối om như mực,lúc đó làm gì có điện như bây giờ, dùng đèn dầu “soi” cho bác sĩ thực hiện quá trình sinh em bé. Đang đỡ đẻ thì đèn hết dầu, phải đốt đuốc để tôi hoàn thành công việc của mình. Đêm đó là cái đêm mà kỷ niệm nghề của tôi mãi không bao giờ quên, em bé được sinh ra an toàn bên gia đình, ngọn lửa sưởi ấm áp bập bùng giữa căn nhà hoang sơ ẩn sâu thung lũng núi”.

hinh-2.jpg
Những chuyến đi nghĩa tình thiện nguyện và khám bệnh nhân dân miễn phí khắp bản làng của Bác sĩ Huyền và Bệnh viện Quang Bình

Rồi thời gian trôi qua, tuổi trẻ của bác sĩ Huyền gắn với đồng bào nơi đây cho từng ngọn núi, những buổi băng rừng, để rồi khi tiếng khóc chào đời những đứa trẻ từ đỉnh núi hay thung lũng của mảnh đất trùng điệp núi non của Hà Giang, đó là hạnh phúc nghề. Có hôm đêm khuya 1-2h sáng, có khi là những đêm đông giá buốt, những ngày hè nắng như đổ lửa, những trận giông lốc cuốn….

Năm 1996 sẽ là kỷ niệm nhớ mãi với bác sĩ Huyền cảnh mưa giông đã thổi bay nóc trạm y tế, đêm hôm đó trạm chỉ có mình chị. Khi ấy chị đang mang thai đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi, mưa dột ướt sũng lạnh cả đêm, quanh trạm không có nhà dân, vắng vẻ, trời tối đen như mực. Rồi bác sĩ Huyền chọn phương án im lặng trú tạm dưới gầm bàn, uống nước mưa, chờ trời sáng. Sau đêm đó, nhiều bạn bè thuở cùng học y khoa có bảo tôi bỏ đi về dưới thành phố làm, hay về Thái Nguyên, Tuyên Quang mà làm đừng bám bản nữa khổ lắm…. ! Nhìn thấy sự vất vả của nghề, nhiều lần đôi mắt cha tôi rớm lệ. Những tất cả những điều đó tôi đều vượt qua, khi có chồng, gia đình bên cạnh ủng hộ con đường tôi lựa chọn. Hơn hết đó là ngọn lửa nghề, niềm đam mê với nghề. Tôi yêu những sinh linh bé nhỏ,những tiếng khóc chào đời bên những nụ cười của các gia đình, thương yêu những giọt nước mắt của người phụ nữ làm mẹ” chị Huyền chia sẻ.

hinh-3..jpg
a3.jpg
Đây là nhân vật trong một gia đình mắc bệnh hiểm nghèo, bác sĩ Huyền đã kêu gọi cùng mạnh thường quân giúp đỡ

Những năm tháng khó khăn đó đã giúp tôi trưởng thành, gắn bó bản làng như máu thịt của mình, sau đó tôi được cử xuống ĐH Y- Dược Thái Nguyên học, rồi hàm thụ bác sĩ chuyên khoa 1 vào năm 2005-2006.

Bác sỹ Huyền là người con núi rừng Quang Bình, từ nhỏ theo cha chữa bệnh khắp các thôn bản. Bố của bác sĩ Huyền vào nghề từ những năm 1966 vì thế mà niềm đam mê từ nhỏ đã ngấm vào máu của Bác sỹ.Lớn lên ngoài ước mơ trở thành bác sĩ đi khắp bản làng để khám bệnh cho người dân thì bác sĩ Huyền không có thêm ước mơ nào khác.

Nghề Y là nghề cao quý mà ngàn đời nay dân tộc ta trọng vọng, thế nhưng những áp lực, khó khăn, vất vả đằng sau tấm áo blu (blouse) trắng ấy cũng có không ít lần nước mắt rơi.Rơi không phải vì vất vả, tủi thân không được quan tâm như thị thành mà rơi lệ khi mỗi lần nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh được cứu chữa, được các mạnh thường quân giúp đỡ.

a4.-vu.jpg
Bé Vàng Văn Vũ cùng Bác sĩ Huyền cho cuộc hành trình tìm nguồn tài trợ mổ tim bẩm sinh

Nữ Bác sĩ và người mẹ đỡ đầu hàng trăm mảnh đời bất hạnh

Ngoài xã Bản Rịa chúng tôi được người dân giới thiệu về Bác sĩ Huyền thì đoàn còn ghé thêm nhiều xã trên địa bàn huyện Quang Bình như Nà Khương, Tiên Nguyên, Tân Nam, Tân Bắc,…. Khi chúng tôi hỏi về Bác sĩ Huyền người dân đồng bào nơi đây ai cũng biết, bảo “bà đỡ” tốt bụng, thương dân lắm”!

Thôn Minh Hạ xã Tân Nam huyện Quang Bình, Hà Giang, chúng tôi ghé thăm gia đình bé, Vàng Văn Vũ sinh ngày 11/02/2020, là nhân vật được Bác sĩ Huyền kêu gọi giúp đỡ hồi tháng 4/2020. Lúc đó, em Vũ sinh non, người dân tộc La chí. Bé bị Suy dinh dưỡng bào thai, cân nặng lúc sinh 1,5kg và bị tim bẩm sinh.Gia đình vô cùng khó khăn, mẹ không đủ sữa cho bú nên mẹ đã nhai cơm cho Bé ăn, hậu quả bé Vũ bị sặc được đưa vào bệnh viện Quang Bình cấp cứu. Sau khi qua cơn nguy kịch, bác sĩ Huyền cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã quyết định đưa thông tin mạng xã hội kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ cháu mổ tim bẩm sinh.

hinh-5.jpg
Những nụ cười thiên thần sau mỗi lần đón các bé chào đời, đây cũng niềm hạnh phúc duy nhất của đội ngũ y bác sĩ bám bản của Bệnh viện Quang Bình

Bác sĩ Huyền chia sẻ “số phận cháu Vũ may mắn chỉ sau 2h đăng tải kêu gọi, có một nữ phóng viên- Báo Công lý liên hệ chia sẻ thông tin và tìm nguồn hỗ trợ mổ tim cho cháu Vàng Văn Vũ. Thực sự lúc đó tôi hồi hộp và mừng không biết làm gì vì hạnh phúc. Do nhanh quá, phía bệnh viện Tim cần hồ sơ của cháu Vũ mà đường về nhà cháu vô cùng khó khăn (đi xe và bộ cũng mất nửa ngày) nên tôi hẹn lại phía nhà tài trợ sau 1 ngày lên bản đến nhà cháu mới chuẩn bị được đủ hồ sơ. Sau khi hoàn tất thủ tục, đầu cầu Hà Nội thông tin di chuyển cháu xuống mọi chi phí ăn ở, viện phí đã có người lo.Lúc đó cảm giác lâng lâng, hạnh phúc nghề trong tôi dâng trào, nước mắt cứ chảy ra. Mỗi cháu bé sinh ra là niềm hạnh phúc của tôi nhưng cũng có những cháu bé số phận bất hạnh lại nỗi trăn trở, đau đáu trong tim tôi.Bé Vũ cũng vậy, ngày di chuyển bé Vũ về Hà Nội cũng là ngày chuyến xe chở miễn phí, ca mổ của cháu thành công, hiện cháu đã khá hơn rất nhiều rồi…. đó là hạnh phúc, món quà vô tận dành cho tôi và những y bác sĩ tại bệnh viện. Ngày đón bé Vũ về tôi cùng nheieuf nhân viên bệnh viện kêu gọi được một số tiền nhỏ mua con dê tặng gia đình làm vốn làm ăn” Bác sĩ Huyền kể

Bệnh viện đa khoa Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang nơi bác sĩ Huyền đang công tác là 1 bệnh viện huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trang thiết bị và cơ sở còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực đội ngũ y bác sĩ tại đây trong những năm qua luôn tận tụy công việ, hết lòng vì đồng bảo. Bởi bà con nhân dân đến khám bệnh, chữa bệnh đa phần là người dân tộc thiểu số, vùng nghèo khó. Trên cương vị Phó giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện, bác sĩ Huyền luôn cảm thông với sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần của người bệnh nghèo, người bệnh cao tuổi không nơi nương tựa,…Trong thời gian qua, bằng sự nỗ lực, của cá nhân bác sĩ Huyền và cán bộ nhân viên đã tổ chức các chương trình thiện nguyện, kêu gọi từ thiện từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước. Hàng trăm đứa trẻ dưới “đôi tay “ của bà đỡ nhân hậu được ra đời, được nâng giấc, được đi tìm bến đỗ bình an. Hàng trăm số phận bất hạnh trên những nẻo đường công tác tại các bản làng trên địa bàn huyện được bác sĩ Huyền kêu gọi, chia sẻ, giúp đỡ.

Trong bài có sử dụng hình ảnh nhân vật trước thời điểm có covid-19

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bà đỡ” của hàng trăm đứa trẻ nơi bản làng địa đầu Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO