300 nghìn tấn thanh long “ngắc ngoải” chờ đầu ra

Dương Thảo (T/h)| 07/01/2022 14:56

BVCL - Quý I/2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long được thu hoạch, tuy nhiên, Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này đã ngừng nhập khẩu, điều này gây khó khăn, tổn thất lớn cho nông dân.

Thanh long là mặt hàng có giá trị kim ngạch cao, trong đó, thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm này là Trung Quốc (chiếm từ 80 - 90% sản lượng xuất khẩu thanh long của cả nước, tùy từng năm). Vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên khi thị trường này có thay đổi về kỹ thuật hay gặp vướng mắc về thương mại, thị trường tiêu thụ lại trồi sụt.  

anh-2-thanh-long.jpeg
Xuất khẩu thanh long tại Việt Nam vẫn bế tắc đầu ra Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại Việt Nam nên một số xe chở hoa quả đã được điều tiết vào kho bảo quản, những xe chở thanh long đã quay đầu về tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Mặt khác, hiện nay Trung Quốc cũng đã mở rộng nhiều diện tích trồng thanh long, lợi thế thị phần của thanh long Việt Nam tại thị trường này không còn như trước nữa.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ tiêu thụ mặt hàng này trong thời gian tới, triển khai lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, UBND và Sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Bình Thuận, Long An... hỗ trợ tiêu thụ thanh long, nhưng sức mua vẫn chưa thực sự mạnh.

anh-1-thanh-long.jpg
Thanh long Việt Nam cần được mở rộng, khơi thông thị trường

Theo Bộ NN&PTNT, thanh long của Việt Nam cũng được xuất khẩu sang các nước như: Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ. Nhiều năm trở lại đây, một số thị trường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Australia, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile cũng đẩy mạnh nhập khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn là chủ lực. Do đó, theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ. Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Để duy trì việc tiêu thụ thanh long được ổn định, lâu dài, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ thường xuyên tổ chức các diễn đàn kết mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, đặc biệt là tại thị trường nội địa, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
300 nghìn tấn thanh long “ngắc ngoải” chờ đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO