Vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ở huyện Bình Chánh, TP.HCM: Bản án có hiệu lực vì sao khó thi hành án?

Đỗ Việt| 24/07/2022 20:29

Trải qua nhiều cấp xét xử, đến nay vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, đã có hiệu lực pháp luật, thế nhưng bản án vẫn chưa được thực thi do còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.

Nội dung vụ việc

Theo hồ sơ, nguyên đơn là ông Trầm Tấn Phát (SN 1973), bị đơn là ông Trần Văn Vân (SN 1974), cùng sinh sống tại TP.HCM; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc (Công ty Đại Phúc) và một số cá nhân khác.

Theo trình bày của nguyên đơn, khu đất có diện tích 9.793m2 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM, thuộc thửa 58,59 tờ bản đồ số 15 xã Bình Hưng có nguồn gốc chế độ cũ cấp cho ông Trần Văn Bảy và bà Lương Thị Mùi. Ngày 27/22/1998, UBND huyện Bình Chánh cấp GCNQSDĐ số 530/QSDĐ cho hộ bà Mùi. Năm 2005, bà Mùi chết, đến năm 2010, ông Bảy lập văn bản phân chia di sản và làm hợp đồng tặng cho diện tích đến trên cho con trai là ông Trần Văn Vân.

binh-chanh4.jpg
binh-chanh5.jpg
Một phần diện tích khu đất xảy ra tranh chấp.

Đến ngày 16/7/2010, ông Vân lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích 9.793m2 cho ông Trầm Tấn Phát với giá 10 tỷ đồng và đã nhận đặt cọc 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục sang tên, ông Phát phát hiện toàn bộ diện tích đất trên đã được UBND TP.HCM thu hồi giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc.

Sau đó, ông Phát gửi đơn tố cáo ông Vân về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Công an TP.HCM. Quá trình thụ lý đơn, Công an TP.HCM có văn bản trả lời là quan hệ chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Vân và ông Phát là quan hệ dân sự. Vì vậy, ông Phát đã có đơn khởi kiện gửi TAND huyện Bình Chánh TP.HCM yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất 9.793m2 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Bị đơn là ông Vân thừa nhận ngày 16/7/2010, ông và ông Phát có làm giấy đặt cọc mua bán diện tích đất nêu trên với giá 10 tỷ đồng; ông Vân có nhận của ông Phát 2 tỷ đồng đặt cọc.

Ông Vân cũng cho biết, giữa ông Vân và ông Phát có thỏa thuận: ông Phát sẽ làm giấy tờ trong vòng 6 tháng, khi nào xong ông Phát sẽ trả nốt 8 tỷ đồng còn lại. Tuy nhiên, do ông Phát không thực hiện đúng cam kết mà còn tố cáo ông Vân về hành vi lừa đảo nên ông Vân không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Phát. Ông Vân yêu cầu ông Phát trả lại giấy tờ gốc cho ông; đổi lại, ông Vân trả lại tiền đặt cọc cho ông Phát.

Trong khi đó, ngày 24/11/2014, bên có quyền lợi liên quan là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc có đơn yêu cầu độc lập đề nghị TAND huyện Bình Chánh xem xét tuyên hủy đối với quyết định 13109/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND huyện Bình Chánh.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2015/DS-ST ngày 9/3/2015, TAND huyện Bình Chánh đã tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phát về việc yêu cầu buộc ông Vân tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hủy bỏ giấy mua bán đất và tài sản gắn liền với đất (giấy tay) ngày 16/7/2010 mà ông Trần Văn Bảy, ông Trần Văn Vân và ông Trần Minh Đức (con trai ông Vân) ký bán cho ông Trầm Tấn Phát.

Nội dung bản án cũng nêu rõ: Buộc ông Trần Văn Bảy, ông Trần Văn Vân và ông Trần Minh Đức có trách nhiệm liên đới trả cho ông Trầm Tấn Phát 2 tỷ đồng và tiền bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá là 270 triệu đồng (con số đã được làm tròn). Buộc ông Trầm Tấn Phát trả lại giấy tờ cho cha con ông Bảy bản chính GCNQSDĐ số 530/QSDĐ/trang 265Q1 ngày 27/11/1998 của UBND huyện Bình Chánh đã cấp cho bà Lương Thị Mùi.

Bản án sơ thẩm cũng không chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc về việc yêu cầu hủy Quyết định số 13109/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND huyện Bình Chánh.

Sau khi Tòa tuyên án, cả nguyên đơn và bị đơn không kháng cáo; còn Công ty Kinh doanh nhà Đại Phúc có đơn kháng cáo.

Ngày 31/12/2015, TAND TP.HCM ban hành Quyết định số 1669/QĐ-PT, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án và hủy một phần bản án sơ thẩm phần nội dung: Không chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty Đại Phúc về việc yêu cầu hủy Quyết định số 13109/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND huyện Bình Chánh.

Ngày 22/12/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM có Quyết định giám đốc thẩm số 76/2017/DS-GĐT, hủy bỏ Quyết định dân sự phúc thẩm số 1669/2015/QĐ-PT ngày 31/12/2015 của TAND TP.HCM về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông Trầm Tấn Phát với bị đơn là ông Trần Văn Vân; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Ngày 11/5/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND TP.HCM có Quyết định số 466/2018/QĐ-PT đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; hủy một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2015/DS-ST ngày 9/3/2015 của TAND huyện Bình Chánh phần nội dung: Không chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty Đại Phúc về việc yêu cầu hủy Quyết định số 13109/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND huyện Bình Chánh; đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của Công ty Đại Phúc về yêu cầu hủy Quyết định số 13109/QĐ-UBND của UBND huyện Bình Chánh.

Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, ngày 24/5/2018, ông Trần Văn Vân nộp đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh thi hành án.

binh-chanh1.jpg
binh-chanh2.jpg
binh-chanh3.jpg
Nhiều năm qua, việc thi hành Bản án phúc thẩm số 466/2018/QĐ-PT của TAND TP HCM vẫn chưa được thực hiện.

Vì sao bản án chưa được thực thi?

Theo Văn bản số 5291 của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM báo cáo, gửi Tổng cục Thi hành án dân sự về quá trình tổ chức thi hành án theo Bản án số 466/2018/QĐ-PT ngày 11/5/2018 của TAND TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến việc thi hành án gặp bế tắc do liên quan đến Quyết định số 11083/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của UBND huyện Bình Chánh về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/trang 265Q1 cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi.

Liên quan đến Quyết định số 11083/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của UBND huyện Bình Chánh, ngày 26/2/2018, TAND TP.HCM có Thông báo về việc thụ lý vụ án số 72/TB-TL-VA về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính” do ông Trần Văn Vân khởi kiện yêu cầu tuyên hủy Quyết định số 11083/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của UBND huyện Bình Chánh.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án, ngày 20/2/2019 Cục Thi hành án dân sự TP.HCM có Công văn số 3396/CCTHADS-NV1 hướng dẫn Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh nêu rõ: “Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh cần cung cấp đầy đủ thông tinvề vụ việc, liên hệ cũng như phối hợp với TAND TP.HCM để giải quyết tranh chấp hành chính về yêu cầu tuyên hủy quyết định số 11083/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của UBND huyện Bình Chánh về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 530/QSDĐ/trang 265Q1 cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi của ông Trần Văn Vân để đảm bảo trình tự, thủ tục và thời gian quy định.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm kể từ khi Bản án phúc thẩm số 466/2018/QĐ-PT của TAND TP HCM có hiệu lực, việc thi hành án đến vẫn chưa được giải quyết.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp) cho rằng, sau gần 1 năm kể từ khi TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM tuyên án, UBND huyện Bình Chánh lại ban hành Quyết định số 11083/QĐ-UB ngày 8/12/2015 về thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ số 530 của hộ bà Lương Thị Mùi. Việc ra quyết định hành chính sau khi bản án tuyên thể hiện sự không tôn trọng đến thẩm quyền xét xử của TAND huyện Bình Chánh đối với đối tượng tranh chấp trong vụ án là khu đất 9.793 m2 và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ở huyện Bình Chánh, TP.HCM: Bản án có hiệu lực vì sao khó thi hành án?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO