Sáng tạo tuyên truyền để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm"

Thu Trang| 28/09/2021 06:39

BVCL - Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã phát huy vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về thực hiện các biện pháp truyền thông với mục tiêu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Theo Thủ tướng, đẩy mạnh truyền thông lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và tổn thất khác.

Thủ tướng nhận định, trong thời gian qua công tác truyền thông đã có những sáng tạo, chuyên nghiệp hơn, kịp thời cung cấp thông tin chính thức, sát thực tế, góp phần thực hiện, cổ vũ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Các cơ quan, báo chí truyền thông trung ương và địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng đã tăng dung lượng tin bài, thời lượng phát sóng với nội dung phổ biến kiến thức khoa học về phòng chống dịch và hướng dẫn về phòng bệnh, điều trị bệnh cho người dân; tiếp tục sản xuất, công chiếu các phim ngắn về Covid-19 để truyền tải thông điệp phòng, chống dịch, các mô hình hay, cách làm tốt, điển hình tiên tiến.

anh-1.jpg
Đa dạng hình thức tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 bằng áp phích

Xác định công tác tuyên truyền chiếm vị trí quan trọng trong phòng chống Covid- 19, thời gian qua Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong từng tình hình cụ thể để các cơ quan, báo chí truyền thông trung ương và địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng có cách tuyên truyền hay, sáng tạo mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Để đạt được hiệu quả cao nhất về công tác tuyên truyền, các cơ quan, báo chí truyền thông trung ương và địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng đã sáng tạo đa dạng hình thức tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Có thể kể đến như: Tuyên truyền trên báo chí, trên nền tảng số, internet, cổng/trang thông tin điện tử các ban, bộ, ngành, địa phương và mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Intergram…) bằng hình thức livestream, video, clip, banner ảnh, infographics, biểu ngữ cổ động, tin nhắn …

Bên cạnh đó, còn có tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, đội truyền thông lưu động, loa tay, thông qua hội nghị, sinh hoạt chính trị - xã hội; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền phòng, chống dịch sâu sát, cụ thể, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; nhắc nhở, vận động người dân vừa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, vừa tăng gia lao động, sản xuất, kinh doanh với tinh thần như thời chiến “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”.

anh-2.jpg
Chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở để tuyên truyền phòng, chống dịch sâu sát

Tuyên truyền, thông tin, cổ động trên các phương tiện trực quan: Băng - rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, phim, ảnh, triển lãm… trên các trục đường chính, chợ dân sinh, siêu thị, bệnh viện, tổ dân phố, khu chung cư, khu lao động, khu công nghiệp, chế xuất…; đặc biệt còn có nhiều tác phẩm về công tác phòng, chống dịch để tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ.

Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền trên các ấn phẩm sách, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp… Tuyên truyền thông qua các tọa đàm, hội thảo khoa học, các cuộc gặp gỡ, giao lưu… Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, sáng tác video clip, thơ, nhạc… về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19.

Tạo sự đoàn kết, đồng thuận

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, với sự bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, Ban Tuyên giáo đã triển khai nhiều giải pháp trong việc tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh để chủ động định hướng, dẫn dắt thông tin, dư luận xã hội; tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch; tham gia đấu tranh, xử lý các thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình phòng chống dịch Covid-19...

anh-3.jpg
Người dân xem pa nơ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid 19

Để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, các cơ quan, báo chí truyền thông trung ương và địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng đã chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền về công tác phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới. Mà cụ thể là nội dung thông tin kịp thời, nhanh nhạy, đúng lúc, đúng chỗ để người dân biết; ngắn gọn, súc tích, rõ ràng để dân hiểu; chính xác, khách quan, trung thực và có sức thuyết phục cao để dân tin và tự giác làm theo.

Nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 không phải của riêng ai và Covid-19 cũng không loại trừ bất cứ ai. Nếu Đảng lãnh đạo sáng suốt, Chính phủ thực hiện quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc mà nhân dân không tự giác, không đồng lòng cùng nhau thực hiện thì cuộc chiến với giặc dịch sẽ muôn vàn khó khăn thử thách và đương nhiên sẽ không có những thành quả như ngày nay.

Tại các địa phương, từ hình thức tuyên truyền tập trung đông người nay đã chia nhỏ, phân tán thành từng nhóm để tuyên truyền trực tiếp đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; việc cấp phát tài liệu, đề cương dưới dạng hỏi - đáp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet, mạng xã hội được đẩy mạnh.

Nổi bật là thông qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền bằng hàng chục ngàn loa phường, loa lưu động phủ sóng đến từng thôn, bản, xóm ấp – khóm. Ngoài loa phường, các tình nguyện viên sẽ lưu động truyền thanh 2 buổi/ngày để thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ cho người dân về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

anh-4.jpg
Tuyên truyền phòng chống dịch qua hệ thống truyền thanh với loa phường, loa lưu động phủ sóng đến từng thôn, bản, xóm ấp - khóm

Nhờ đó mà các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng, góp phần không nhỏ trong việc củng cố niềm tin của nhân dân và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc phòng chống đại dịch. Đặc biệt, việc đổi mới công tác tuyên truyền còn tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong công tác vận động ủng hộ, hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thời gian tới, các cơ quan, báo chí truyền thông trung ương và địa phương, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là hướng về cơ sở và tận dụng tối đa tất cả các loại hình phù hợp để đảm bảo quyền được thông tin của người dân, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội.

Trong đó, tập trung vào các chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh, thông tin tuyên truyền kịp thời, toàn diện, chính xác nhưng có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn đối với đại dịch Covid-19… để người dân không lo lắng quá mức nhưng cũng không được chủ quan, mất cảnh giác và “trở thành pháo đài trong phòng chống dịch”.

Cùng với đó là tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; các giá trị nhân văn tốt đẹp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, tinh thần cộng đồng cùng các hành vi ứng xử nhân ái, nghĩa tình. Qua đó, tạo tinh thần lạc quan, đoàn kết, ngăn ngừa và phê phán các hành vi cá nhân ích kỷ, phát ngôn sai sự thật, xuyên tạc, phá hoại công tác phòng chống dịch… Có như vậy, biện pháp truyền thông với mục tiêu “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra mới được thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo tuyên truyền để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO