b3-titphu-tran(1).jpg

Trong những ngày Bắc Giang ghi nhận hàng trăm ca lây nhiễm trong khu công nghiệp, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương đã khẳng định “chúng tôi chấp nhận rủi ro để an toàn cho cả nước”. Còn Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ: “Chúng tôi đã chọn phương án chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả, với quan điểm "Bắc Giang phải vì cả nước", và cho đến giờ, tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn”. Lời khẳng định của hai vị lãnh đạo tỉnh đã làm cảm động hàng triệu trái tim người dân Việt. Dù đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng lãnh đạo, các cấp, các ngành và nhân dân Bắc Giang vẫn kiên định mục tiêu “Bắc Giang vì cả nước”.

bi-thu-thai.png

Trước tiên phải kể đến quyết định chưa có tiền lệ mà Bắc Giang dám nghĩ dám làm là đóng cửa bốn khu công nghiệp. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đây là quyết định khó khăn, nhưng tỉnh chấp nhận rủi ro để giữ an toàn cho cả nước. Ngày 18/5, Bắc Giang quyết định dừng hoạt động bốn trong sáu khu công nghiệp, tương đương 375 doanh nghiệp, với 160.000 công nhân, trong đó có 60.000 công nhân là người tại 61 tỉnh thành phố khác làm việc tại đây.

Dẫu biết rằng việc đóng cửa các khu công nghiệp là gần như cắt đứt chuỗi cung ứng, sản xuất và sự tăng trưởng của nền kinh tế địa phương trong thời gian nhất định. Nhưng vì “đại cục”, Bắc Giang đã làm và cho đến nay nhìn lại đây chính là quyết định đúng đắn.

Tiếp đó, đối với người lao động, Bắc Giang kêu gọi công nhân lao động tỉnh ngoài ở lại Bắc Giang, không về quê để tránh dịch bệnh lây lan. Hơn 60.000 công nhân ngoại tỉnh đến làm việc trên địa bàn đã được Bắc Giang giữ lại vì nếu để họ trở về các địa phương thì nguy cơ cả nước bùng dịch là rất cao.

chu-tich-bac-giang-trai-long-ve-quyet-dinh-phong-toa-67-000-cong-nhan-8.jpg

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Quyết định tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp là tính toán khó khăn thì quyết định giữ 60.000 công nhân ngoài tỉnh ở lại thực sự là "cân não" vì điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Giang phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả. Rủi ro là nguy cơ dịch bùng phát lớn rất cao, trong khi điều kiện của Bắc Giang còn rất khó khăn. Vất vả vì khối lượng công việc sẽ rất lớn, nhất là việc lo đảm bảo hậu cần cho số lượng lớn người như vậy ở khu cách ly và vùng phong tỏa.

Có thể nói quyết định giữ lại 60.000 công nhân của Bắc Giang thể hiện rõ nhất mục tiêu kiên định của tỉnh là “chúng tôi chấp nhận rủi ro để an toàn cho cả nước”. Thành thật mà nói, đứng trước sự bủa vây của giặc dịch, chăm lo tốt cho hơn 1,8 triệu người dân địa phương đã là bài toán nan giải. Nhưng Bắc Giang đã rất dũng cảm, bao dung và “vĩ đại” khi giữ lại 60.000 công nhân để tránh làm dịch bệnh lây lan sang các địa phương khác.

Nếu Bắc Giang không vì cả nước thì liệu có dám hành động “liều lĩnh” như vậy hay không? Đây thực sự là một quyết định rất nhân văn vì “đại cục”, đáng khâm phục của lãnh đạo và nhân dân Bắc Giang.

Chưa kể, việc giữ lại 60.000 công nhân đã khó, chăm lo và bảo vệ tốt cho họ lại càng khó hơn. Vì bản thân 60.000 công nhân đó rất nhiều người không muốn ở lại Bắc Giang vì sợ bị nhiễm bệnh, vì sợ không có cơm ăn, không có thu nhập… Nếu Bắc Giang không làm tốt thì rất dễ việc giữ lại họ lại sẽ rơi vào bế tắc, khiến địa phương không thể trở mình trước đại dịch.

Thế nhưng Bắc Giang đã làm được, lãnh đạo, các cấp, các ngành và nhân dân Bắc Giang đã làm rất tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ những người tha phương ở lại địa bàn. Chính vì thế mà không có trường hợp nào người lao động chống đối hay rời khởi Bắc Giang để về quê.

Rồi đến những tấm lòng thảo thơm của chính người dân Bắc Giang. Hình ảnh Trung úy Tống Ngọc Kiên, cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Dũng giơ tay chào khi thấy đoàn xe chở cán bộ y tế ở Quảng Ninh đến hỗ trợ Bắc Giang đã làm nức lòng cộng đồng, bởi thể hiện sự tri ân chân thành của người Bắc Giang với các “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch. Một hành động của một cá nhân nhưng cũng đủ nói lên lòng mến khách, sự tri ân của nhân dân Bắc Giang với lực lượng chi viện cho tỉnh nhà.

16052021-csgt-chao-xe-y-te-quang-ninh-ho-tro-bac-giang-1.jpg
Hình ảnh chiến sĩ CSGT Bắc Giang đứng nghiêm chào đoàn y, bác sĩ từ Quảng Ninh sang chi viện chống dịch

Những ngày chống dịch, Bắc Giang đã làm rất tốt “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”. Người dân Bắc Giang không chỉ tuân thủ nghiêm các quy định phóng chống dịch, họ còn cùng chính quyền làm nên những điều rất đáng tự hào. Người dân Bắc Giang không phân biệt đối xử với những người tha phương bị mắc Covid-19, hay bị kẹt lại Bắc Giang. Họ còn giang rộng cánh tay, cùng với chính quyền bảo bọc, chở che cho những người kém may mắn.

Quang Hà sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y – Dược, ĐH Thái Nguyên chi viện cho Bắc Giang tâm sự: “Đi vào nơi tâm dịch, ban đầu em cũng sợ, nhưng đến Bắc Giang rồi em không còn sợ nữa, vì ở đây chúng em được lãnh đạo địa phương, các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân rất quan tâm, luôn động viên ủng hộ. Có những hôm em mệt đứng không vững khi lấy mẫu xét nghiệm, nhưng những lời động viên vang vọng bên tai của người dân địa phương “cố lên cháu, rồi chúng ta sẽ vượt qua” em lại bừng tỉnh và có thêm động lực để tiếp tục.”

photo-collage-10-(1).png

Không chỉ bằng những lời động viên, an ủi, chính quyền, nhân dân Bắc Giang dù đang căng mình chống chọi với giặc dịch vẫn làm tất cả vì các đoàn thiện nguyện, chi viện cho Bắc Giang. Nơi ăn, chốn ở, chai nước tiếp tế, bịch đá hạ hỏa, cơn mưa nước mà người dân bơm lên tưới ướt đẫm sân…. Thực sự đó đều là những hành động thể hiện “tình người” giữa những lúc hoạn nạn có nhau ở giữa tâm dịch.

b3-titphu-tran2.jpg

Trong suốt những ngày đầu dập dịch cho đến thời điểm hiện tại, Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thường xuyên họp trực tuyến với Bắc Giang để có sự chỉ đạo kịp thời. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn và đoàn chuyên gia Bộ Y tế đã đi về như con thoi, có hôm phải xuyên đêm tại Bắc Giang để có những kế sách hiệu quả nhất dập dịch. Các cấp, các ngành không quản khó khăn, kiên định mục tiêu chống dịch như chống giặc, quyết tâm đẩy lùi dịch ở Bắc Giang.

photo-collage-12-.png

Điểm lại những chỉ đạo, những phát ngôn quen thuộc của người đứng đầu Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 để thấy được Trung ương luôn sát cánh, hỗ trợ và đồng hành cùng Bắc Giang như thế nào: “ Dồn sức cho Bắc Giang dập dịch; Ưu tiên cao nhất, cả nước dồn tổng lực hỗ trợ Bắc Giang đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể; Tinh thần 3 không: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách… để ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh; Cả nước vì Bắc Giang, vì Bắc Giang là vì cả nước….”

Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã ngay lập tức chi viện nhân lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch; lập bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân tại Bắc Giang.

photo-collage-11-.png

Không chỉ có Trung ương, mà hầu hết các địa phương trên cả nước từ Bắc chí Nam đã chung tay cùng Bắc Giang chiến đấu với đại dịch. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, những "đoàn quân" là những bác sĩ, điều dưỡng, chiến sĩ công an, các em sinh viên trường Y đã không ngần ngại đi tới Bắc Giang để chi viện kịp thời, giúp tỉnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chống dịch.

Với tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, giúp Bắc Giang là đang lo cho chính mình, nhiều địa phương nhanh chóng cử những "chiến sĩ quả cảm" tới chi viện cho Bắc Giang. 200 y, bác sĩ Quảng Ninh cùng với những trang thiết bị y tế hiện đại nhất đã lao vào tâm dịch Bắc Giang. 250 cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã xuất quân, lên đường chi viện cho Bắc Giang….

“Đội đặc nhiệm” của Hà Nội gồm 20 cán bộ, y, bác sĩ và chuyên gia là những người có chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm chuyên sâu về truy vết, khoanh vùng dập dịch cũng được cử chi viện cho Bắc Giang với tinh thần giúp Bắc Giang cũng giống như giúp chính Thủ đô, tấn công dịch ở Bắc Giang cũng là phòng thủ dịch ở Hà Nội.

photo-collage-9-(1).png

Đà Nẵng, dù đang đối diện nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhưng vẫn sát cánh cùng Bắc Giang khi quyết định hỗ trợ, chia sẻ cho tỉnh 6.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tương đương 3 tỷ đồng.

Chúng ta còn thấy chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi Tỉnh đoàn Bắc Giang thông báo tuyển gấp tình nguyện viên, đã có hơn 340 người nhắn tin, gọi điện, viết đơn đăng ký làm tình nguyện viên "chi viện" cho Bắc Giang chống dịch. Trong đó, có em học sinh từ tỉnh Gia Lai xa xôi gửi đơn xin 'chi viện' cho Bắc Giang, hay thậm chí có cô lớn tuổi từ Đà Lạt cũng xin đi tình nguyện chống dịch. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng… đã ủng hộ kinh phí, cử đoàn cán bộ y tế đến hỗ trợ Bắc Giang. Tất cả đều thấu hiểu, đều mang tinh thần sẵn sàng nhất, mạnh mẽ nhất để chung tay giúp Bắc Giang chiến đấu với giặc dịch.

fotoram.io-5-.jpg

Với tinh thần cả nước vì Bắc Giang, vì Bắc Giang là vì cả nước, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chi viện sức người, sức của cho “mặt trận” chống dịch Bắc Giang. Theo thống kê, để phòng, chống dịch, hơn 50 Đoàn công tác, với trên 3.500 người (gồm lực lượng công an, quân đội, các y, bác sỹ, sinh viên Y khoa tại các Bệnh viện, Trường Đại học, Cao đẳng) đã đến Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.

Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh, các Hội, đoàn thể trong tỉnh đã kêu gọi, vận động đóng góp ủng hộ tỉnh Bắc Giang nhân lực, kinh phí, trang thiết bị nhu yếu phẩm với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng. Tổng số nhân lực Hội, đoàn thể, các tình nguyện viên tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch hơn 131 900 người, chưa kể các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.

Ngoài ra các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đưa vào các “siêu thị 0 đồng” ở các xã, thị trấn để hỗ trợ cho hàng chục nghìn công nhân, người lao động, người dân trong vùng cách ly, phong tỏa.

photo-collage-13-(2).png

Những con số biết nói này đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị, quân, dân cả nước cho cuộc chiến ở Bắc Giang. Và nó cũng khẳng định Bắc Giang không đơn độc trong cuộc đối đầu với giặc dịch.

Chính những điều Bắc Giang đã làm thể hiện mục tiêu kiên định, xuyên suốt Bắc Giang vì cả nước đã trở thành động lực tạo nên sức mạnh to lớn mà cả nước đã đang và sẽ luôn vì Bắc Giang. Từ đó trở thành sức mạnh “đại đoàn kết” nhấn chìm mọi kẻ thù và Covid-19 cũng không ngoại lệ. Và thực tế đã chứng minh điều đó, Bắc Giang đã chiến thắng đại dịch, khống chế thành công dịch bệnh, dần trở về cuộc sống bình thường mới. Thế mới thấy những ngày đã qua, “chảo lửa” Bắc Giang nóng vì Covid-19 chín thì cũng ấm vì tình người mười.

chong-dich-bg-hinhcuoi.jpg

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Trong bài có sử dụng hình ảnh, tư liệu của đồng nghiệp

Thu Trang

Bài cuối: Bình tĩnh, sáng tạo, quyết liệt, đồng lòng thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: “Chảo lửa” Bắc Giang nóng vì Covid-19 chín, ấm vì tình người mười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO