Tòa án địa phương

Xét xử trực tuyến, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thành Nhớ 22/08/2023 - 15:48

Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang đã có nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử, về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến. Kết quả bước đầu cho thấy, các phiên tòa đều diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, TAND tỉnh Hậu Giang đang gặp một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Phóng viên Báo Công lý có cuộc phỏng vấn ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang về nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, sau một thời gian TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang tổ chức một số phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021 của Quốc hội, xin ông khái quát kết quả đã đạt được?

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang: Tính đến nay, TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang đã tổ chức xét xử được 60 vụ án theo hình thức trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến đã tạo được hiệu ứng dư luận xã hội tốt trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, phiên tòa xét xử trực tuyến được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, hướng đến xây dựng “Tòa án điện tử”, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân.

Ví dụ như việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt đối với các vụ án về tội xâm hại tình dục, kinh tế, tham nhũng, chức vụ; các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… vì phương thức tiến hành tố tụng này cho phép người bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn; hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.

z4611632187099_0f3be931d798a7a21b913d09beb7da1a.jpg
Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang trao đổi với phóng viên Báo Công lý về công tác xét xử trực tuyến.

Phóng viên: Để thực hiện phiên tòa xét xử trực tuyến, TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang và mỗi đơn vị phải chuẩn bị những gì và hiện nay có những thuận lợi, khó khăn gì trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến?

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang: Để tổ chức, thực hiện tốt phiên tòa xét xử trực tuyến, Tòa án đã lựa chọn những vụ án đảm bảo đủ điều kiện; phối hợp tốt với VKS, Trại tạm giam và các cơ quan liên quan; chuẩn bị tốt các trang thiết bị điện tử đảm bảo phục vụ tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần. Hầu hết các vụ án đều diễn ra thuận lợi, cơ bản đáp ứng về kỹ thuật đường truyền, đảm bảo đúng các quy định về trình tự thủ tục như phiên tòa xét xử trực tiếp.

z4622199438626_19e97dffc677320acc23ebf15410ecae.jpg
z4622208758894_94c8d33f2f7f1bf4920c9d7ab217b50d.jpg
Một phiên tòa trực tuyến do TAND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Tính đến thời điểm này, các vụ án đưa ra xét xử trực tuyến không có trường hợp nào phải hoãn phiên tòa. Do khâu bố trí, tổ chức, xây dựng kế hoạch được phối hợp thực hiện giữa các cơ quan VKS, công an, trung tâm trợ giúp pháp lý, UBND các cấp được chặt chẽ. Các phiên tòa có được ghi âm, ghi hình và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, đường truyền giữa các điểm cầu chưa đảm bảo sự ổn định, chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là xét xử các vụ án hình sự phải kết nối với cơ sở giam giữ còn gặp khó khăn. Do đó, để triển khai rộng rãi cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kĩ thuật.

Hiện tại, ngoài TAND tỉnh có phòng xét xử trực tuyến, các TAND cấp huyện còn lại chưa có phòng xét xử trực tuyến, phải sử dụng thiết bị họp giao ban trực tuyến để phục vụ công tác xét xử tại điểm cầu trung tâm. Thiết bị xét xử trực tuyến tại điểm cầu thành phần phải thuê, mượn; quá trình tháo dỡ, lắp đặt, vận chuyển thiết bị và vận hành hệ thống cần nhiều thời gian, chi phí và nhân lực. Chủ yếu sử dụng nhờ thiết bị kết nối của UBND cấp huyện.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đường truyền trong quá trình xét xử, TAND cấp huyện phải ký hợp đồng lắp đặt mới đường truyền Internet với đơn vị viễn thông, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí…

Phóng viên: Trước những khó khăn mà TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang đang gặp phải, ông có kiến nghị, đề xuất gì để việc triển khai các phiên tòa trực tuyến diễn ra thuận lợi, hiệu quả trong thời gian tới?

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang: Nhìn chung, kết quả xét xử phiên tòa trực tuyến hiện nay của TAND hai cấp tỉnh Hậu Giang đạt và vượt chỉ tiêu. Đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TAND tỉnh Hậu Giang, có sự chủ động phối hợp tốt với cấp ủy địa phương, sự hỗ trợ kinh phí kết nối, lắp đặt đường truyền của UBND tỉnh. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn của TAND hai cấp, chúng tôi đã có sự linh hoạt trong xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp ngay từ đầu năm đã triển khai thực hiện, tránh bị động vào những tháng cuối năm.

Kiến nghị đến TANDTC sớm lắp đặt thiết bị xét xử trực tuyến và các phương tiện cần thiết cho Tòa án cấp huyện để thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử trực tuyến trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ rút kinh nghiệm và thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trong đó quyết tâm thực hiện có hiệu quả công tác xét xử trực tuyến.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử trực tuyến, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO