Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thu Trang | 22/06/2022 20:43

BVCL - Ngày 22/6, TANDTC tổ chức hội thảo khoa học góp ý đối với dự thảo Đề án “Xây dựng Toà án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030 định hướng đến năm 2045”. PGS. TS Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC tham dự và chủ trì hội thảo.

Đồng chủ trì có TS. Nguyễn Văn Du, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC.

Tham dự hội thảo còn có các đồng chí là thành viên Hội đồng Thẩm phán, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC. Đại diện các bộ, ban, ngành như: VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án này trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền theo kế hoạch đã đề ra, TANDTC tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Đề án.

1.jpg
PGS. TS Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng cải cải cách tư pháp, Nghị quyết của Đại hội XIII đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng Nhà nước pháp quyền do đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban, tham gia Ban chỉ đạo có 9 đồng chí là thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trong chương trình toàn khoá, Ban chấp hành Trung ương sẽ nghe Ban Chỉ đạo báo cáo về chiến lược Nhà nước pháp quyền. Trong nội dung Nhà nước pháp quyền có nội dung vô cùng quan trọng là cải cách tư pháp. Với trách nhiệm được giao Ban Cán sự đảng TANDTC đã hoàn thành Đề án cải cách tư pháp, một nội dung quan trong trong Đề án này đó là xây dựng Toà án điện tử.

Thời gian qua Việt Nam đã thực hiện được một số việc như cung cấp cho người dân các dịch vụ tư pháp công thông qua nền tảng số, công khai bản án,…Từ năm 2017 đến nay đã đưa lên mạng gần 1 triệu bản án khác nhau, số lượng người truy cập vào trang web của Toà án đề nghiên cứu các bản án đã công khai là rất lớn và không ngừng tăng lên.

Tòa án cũng đã đề xuất Quốc hội cho phép tiến hành một số hoạt động tố tụng trên nền tạng số như xét xử trực tuyến. Đến nay, đã có khoảng 700 vụ án xét xử trực tuyến được các cơ quan liên quan đánh giá cao. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã chứng kiến một số phiên toà xét xử trực tuyến của các địa phương tại Trung tâm điều hành của TANDTC.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, việc xây dựng Tòa án điện tử được triển khai thực hiện phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của Đảng. Cụ thể như Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đã tham gia Hội nghị Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và đã cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử theo Nghị quyết của Hội đồng. Việc xây dựng được Tòa án điện tử hiện đại sẽ chia sẻ được kinh nghiệm, đồng thời tiến tới kết nối hạ tầng số để “thu hẹp khoảng cách số giữa các nền tư pháp, sớm về đích nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử và chuyển đổi số.

Việc triển khai thực hiện Đề án tạo tác động tích cực trên nhiều mặt như: Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của Nhân dân về Tòa án điện tử; Nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án trên nền tảng số, tạo sự công khai, minh bạch, thanh liêm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, Thẩm phán Tòa án; góp phần ngăn chặn, hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Người dân được thụ hưởng một nền tư pháp văn minh, hiện đại, các hoạt động tố tụng và phán quyết của Tòa án được công khai minh bạch để người dân tiếp cận thông tin và giám sát tư pháp; bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tạo cơ chế, môi trường thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức giải quyết công việc liên quan mà không cần phải đến Tòa án trực tiếp và do đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển của xã hội số, kinh tế số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Tòa án, nâng cao vị thế, hình ảnh của Tòa án Việt Nam trên thế giới.

unnamed.jpg
TS. Nguyễn Văn Du, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án

Trình bày Báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC thông tin, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án. Thực tiễn quốc tế cho thấy, thời gian vừa qua, các nước đã xây dựng được nền tư pháp hiện đại; khoa học công nghệ phát triển đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp với chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin cao; xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh; Tòa án không giấy tờ; tiến hành “số hóa” hồ sơ các loại án và cho phép người dân tiếp cận hồ sơ vụ án trên mạng; áp dụng việc thụ lý đơn qua mạng; thiết lập các phần mềm tư pháp để hỗ trợ người dân và tạo điều kiện để người dân giám sát các cơ quan tư pháp...

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế xã hội, làm nảy sinh những vấn đề mới, thách thức mới mà hệ thống pháp luật, tư pháp phải giải quyết. Xu hướng toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đặt ra yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Tòa án ngày càng cao, nhiều vấn đề kinh tế và pháp lý phức tạp, đòi hỏi phải nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không ngừng hoàn thiện pháp luật để tiệm cận trình độ pháp luật chung của thế giới. Bên cạnh đó, các đạo luật hiện hành về tố tụng tư pháp (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính) đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là các cơ sở pháp lý bước đầu để triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam.

Dự thảo đề án đã đưa ra và phân tích 7 lợi ích mà Tòa án điện tử mang lại, đó là: Thứ nhất, giúp tăng năng suất lao động của Tòa án. Thứ hai, hỗ trợ Thẩm phán ra phán quyết chính xác. Thứ ba, tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí của người dân. Thứ tư, xử lý một cách nhân văn các tình huống đặc biệt của tố tụng. Thứ năm, công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án. Thứ sáu, tăng năng lực quản lý và giám sát trong hệ thống Tòa án. Thứ bảy, tiết kiệm cho ngân sách.

Vì vậy, xây dựng Tòa án điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và là xu hướng phổ biến, đang diễn ra ở mọi quốc gia.

Xây dựng Tòa án điện tử thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về cải cách tư pháp trong tình hình mới “xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” và chương trình chuyển đổi số quốc gia; đặc biệt, giúp nâng cao hiệu quả thực thi quyền tư pháp của Tòa án và quyền con người đã được Hiến định. Tòa án điện tử phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và lấy nhân dân làm trung tâm.

Tòa án điện tử ứng dụng các công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo để phát triển các hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho hoạt động xét xử; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý; tăng năng suất lao động mà không cần đông biên chế; tăng công khai, minh bạch và sự thuận lợi, hài lòng của người dân; tiết kiệm chi phí cho xã hội; tạo cơ chế giám sát hoạt động của Tòa án và giúp đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thẩm phán, công chức Tòa án; đặc biệt hình thành môi trường làm việc trên nền tảng số để thay đổi thói quen làm việc thủ công truyền thống .

Mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử, là chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành trên nền tảng số một số hoạt động: quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.

2.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Để thực hiện được mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử, Đề án đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, hình thành hạ tầng pháp lý cho Tòa án điện tử; Đầu tư trang thiết bị cho Tòa án nhân dân; Thực thi và nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số; Thực hiện cung cấp các dịch vụ tư pháp công trên nền tảng số để phục vụ người dân tốt hơn; Ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của Tòa án hỗ trợ Thẩm phán nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động; Triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; Tiến hành kết nối với các nền tảng số khác; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình, nhất trí và đánh giá cao dự thảo Đề án, các ý kiến đều cho rằng việc xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số" hiện nay để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa nền tư pháp Việt Nam bắt kịp với nền tư pháp hiện đại, tiên tiến của các nước trên thế giới và xây dựng tòa án, nền tư pháp công khai, minh bạch, vì nhân dân phục vụ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO