Vụ xâm hại Khu Bảo tồn biển Phú Quốc: Cần xác định rõ tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm

Tâm Phúc| 17/08/2022 21:14

Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, lực lượng có liên quan với chính quyền địa phương còn chưa tốt, công tác tuần tra, kiểm tra chưa thường xuyên… đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm kéo dài.

Như Bảo vệ Công lý đã thông tin trong các bài viết về tình trạng xâm phạm Khu Bảo tồn biển Phú Quốc tại khu vực ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh; hòn Mây Rút ngoài (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)…, gây bức xúc trong dư luận.

Trong văn bản trao đổi, cung cấp thông tin gửi tới Báo Công lý, Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết, sau khi Khu Bảo tồn biển được sáp nhập vào Vườn Quốc gia Phú Quốc, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc đã chỉ đạo, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra lập 88 biên bản chuyển cơ quan chức năng xử lý, trong đó Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòn Thơm lập 2 biên bản; Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kiên Giang lập 2 biên bản, đồng thời Vườn Quốc gia Phú Quốc đã ban hành thông báo tháo dỡ, di dời các công trình xây dựng, phương tiện neo đậu trái phép ra khỏi khu vực bảo tồn biển.

bao-ton-bien(1).jpg
Các bungalow trong khu vực bảo tồn biển tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh

Về các công trình vi phạm nằm trong Khu Bảo tồn biển mà Báo đã thông tin, phản ánh, Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết, các công trình vi phạm này đã có từ trước năm 2020 (trước thời điểm Khu Bảo tồn biển được điều chỉnh phạm vi, diện tích theo Quyết định 1890 ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang), Vườn Quốc gia Phú Quốc đã rà soát, lập danh sách đối với các trường hợp vi phạm và tuyên truyền, vận động để người dân di dời, chuyển đổi vị trí ra khỏi khu vực bảo tồn biển.

Đối với một số khu vực bị các tổ chức, cá nhân xây dựng, lấn biển tại một số xã, phường không đúng quy định như: Trường hợp ông Trần Văn Lực (quán biển Cây Sao) tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh; Công ty TNHH MTV Thương mại du lịch Minh Huy Phú Quốc tại hòn Mây Rút ngoài; Công ty TNHH MTV Ngọc Trai Ngọc Hiền tại Hòn Rỏi… Vườn Quốc gia Phú Quốc đã rà soát thống kê, lập biên bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến các công trình vi phạm nói trên, sau phản ánh của báo chí, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy Phú Quốc, ông Huỳnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã trực tiếp thị sát, yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó ông Tống Phước Trường, Bí thư Thành ủy TP Phú Quốc nhấn mạnh: “Các ngành phải giám sát việc tháo dỡ, yêu cầu họ tổ chức tháo dỡ ngay và cho một thời gian để họ hoàn thành. Nếu không hoàn thành việc tháo dỡ trong thời gian đó thì tổ chức cưỡng chế ngay. Không thể để tồn tại việc xây dựng trái phép ngang nhiên như thế này được”.

Về những khó khăn trong công tác quản lý Khu Bảo tồn biển, Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết do địa bàn, phạm vi rộng, trụ sở quản lý nằm cách xa khu bảo tồn san hô ở quần đảo An Thới và thảm cỏ biển ở xã Hàm Ninh, xã Bãi Thơm; nhân lực ít, phương tiện tuần tra kiểm soát còn hạn chế, Vườn Quốc gia Phú Quốc không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính… Do đó, việc quản lý Khu Bảo tồn biển còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, lực lượng có liên quan với chính quyền địa phương còn chưa tốt, công tác tuần tra, kiểm tra chưa thường xuyên… đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm kéo dài.

Ranh giới của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc chỉ được giới hạn bằng các mốc tọa độ trên bản dồ, chưa được đầu tư lắp đặt, thả phao đánh dấu ranh giới các phân khu chức năng nên các chủ tàu, thuyền chưa phân định rõ ranh giới ở Khu Bảo tồn biển. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà hàng, quán ăn, kinh doanh dịch vụ du lịch vi phạm trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc đã được lập biên bản và thông báo di dời nhưng cố tình không thực hiện.

bao-ton-bien2(1).jpg
Công ty TNHH Ngọc Trai Ngọc Hiền Phú Quốc đổ cát cải tạo đáy biển và hoạt động đón khách ra du lịch không có giấy phép

Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, nhằm chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo tồn biển, Vườn Quốc gia Phú Quốc tiếp tục phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang, Tổ xử lý nhanh của UBND TP Phú Quốc, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm Khu Bảo tồn biển Phú Quốc; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Đối với các trường hợp không chấp hành, Vườn Quốc gia Phú Quốc sẽ đề nghị cưỡng chế theo quy định.

Qua thông tin từ Vườn Quốc gia Phú Quốc cho thấy những hạn chế, khó khăn nhất định của đơn vị này trong việc xử lý các vi phạm nhưng qua đó cũng đặt ra nhiều vấn đề mà dư luận đòi hỏi cần phải làm rõ hơn, đó là: Tại sao những công trình vi phạm này chậm bị xử lý? Có hay không sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng?

Vườn Quốc gia Phú Quốc nêu lên việc phối hợp giữa các ngành và chính quyền chưa tốt. Rồi đơn vị nào chưa tuần tra, kiểm tra thường xuyên đều không có “địa chỉ” cụ thể? Dư luận cần biết ngành nào, chính quyền xã, phường nào chưa phối hợp tốt, đơn vị nào chưa thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình để từ đó xác định trách nhiệm cụ thể? Bởi không thể nêu lên mãi những vấn đề chung, trách nhiệm chung mà không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể.

bao-ton-bien3(1).jpg
Dư luận cần biết rõ những tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước các hành vi xâm hại khu bảo tồn biển ở Phú Quốc.  

Khi phóng viên đề nghị xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân thì Vườn Quốc gia Phú Quốc thông tin rằng vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó và theo quy định của pháp luật, khi nào có kết quả chính thức sẽ thông tin tới cơ quan báo chí! Liên quan đến trách nhiệm của UBND TP Phú Quốc trong vấn đề này, phóng viên đã liên hệ đề nghị cung cấp thông tin tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.

Phú Quốc được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những bãi biển đẹp với núi rừng bao quanh. Những năm gần đây Phú Quốc đang trên đà phát triển nhanh, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng cho đến môi trường… Theo thống kê, Phú Quốc luôn đứng trong Top những nơi tại Việt Nam thu hút khách du lịch đông nhất. Thế nhưng, bên cạnh sự phát triển kinh tế, thì vấn đề giữ lại “hồn cốt” của Phú Quốc là bảo tồn biển, bảo vệ rừng cần phải được đặc biệt chú trọng, đây là những nền tảng chấp cánh cho sự phát triển bền vững của Phú Quốc.

Ngoài việc ra quân xử lý triệt để, nghiêm minh mà Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh đang thực hiện, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ thì cũng cần xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ rừng. Và tỉnh Kiên Giang cũng cần quan tâm, đầu tư hơn nữa trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ rừng. Tăng cường nhân sự, dành nguồn lực thích đáng để đầu tư, bảo tồn biển và rừng một cách bền vững, hiệu quả; ngăn chặn, phát hiện xử lý các vi phạm ngay từ đầu, tránh tình trạng mọi sự đã rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ xâm hại Khu Bảo tồn biển Phú Quốc: Cần xác định rõ tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO