Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Biết tiền hối lộ nhưng do dịch nên chưa thể trình báo

Văn Kỳ - Kim Sáng | 07/04/2023 08:52

BVCL - Bị cáo Ngô Văn Thụy cho rằng không nhận hối lộ, tuy nhiên thời điểm đó dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên bị cáo không thể đi ra ngoài trình báo về khoản tiền này.

Chiều 6/4, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng từ Singapre về Việt Nam với phần xét hỏi.

Tại phiên tòa, bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam, Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho rằng, bản án tuyên không đúng bản chất sự việc, chưa thỏa đáng.

p1830617.jpg
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa

Bị cáo cho biết, trước khi bị bắt, bị cáo Nguyễn Hữu Tứ có tìm gặp bị cáo ở TP Cần Thơ ăn uống tại một nhà hàng và đưa phong bì “cà phê” nhưng bị cáo kiên quyết không nhận.

Sau đó bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) tìm đến nhà chơi, khi bị cáo đi lên lầu thì bị cáo Hữu đưa bịch tiền bỏ vào gầm bàn và ra về.

“Bị cáo Hữu để lại bịch tiền ở vị trí bị cáo không hề hay biết, mấy ngày sau bị cáo mới phát hiện”, bị cáo Thuỵ trần tình với HĐXX.

p1830633.jpg
Bị cáo Phan Thanh Hữu

Bị cáo Thụy cho rằng không nhận hối lộ. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi bị cáo có trình báo cơ quan, cấp trên về số tiền này để có phương án xử lý không thì bị cáo cho rằng, thời điểm này dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên bị cáo không thể đi ra ngoài trình báo.

HĐXX tiếp tục nói, nếu bị phong tỏa thì bị cáo có thể dùng điện thoại liên lạc thì bị cáo Thụy trả lời vòng vo và nói chưa có phương án xử lý số tiền này thì bị Công an bắt.

Theo cáo trạng, bị cáo Thuỵ là người có quyền chức, được cử quản lý lĩnh vực tàu biển, trong đó có các tàu chở xăng dầu.

Bị cáo đã có hành vi lợi dụng chức vụ nhận hối lộ 832 triệu đồng để không kiểm tra các tàu vận chuyển xăng dầu lậu trên biển. Bị cáo bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù.

p1830592.jpg
Bị cáo Đào Ngọc Viễn

Bị cáo có thân nhân tốt, bố bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến. Bị cáo từng tham gia bộ đội, quá trình công tác có bằng khen, giấy khen của cơ quan.

Cũng tại phần xét hỏi, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: Công ty Huỳnh Khang, Công ty Bình Phong Phú, Công ty Dịch vụ Biên Khoa, Công ty Phúc Lâm… kháng cáo và cho rằng, những tài sản xe bồn là phương tiện vận chuyển xăng lậu bị tạm giữ trong vụ án, các pháp nhân này không hề biết, do đó đề nghị được nhận lại các tài sản này.

Trước đó, ngày 5/4, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã rút một phần kháng nghị đối với 15 bị cáo trong số 28 bị cáo và giữ nguyên kháng nghị đối với các bị cáo còn lại.

Về phía các bị cáo, nhiều bị cáo có nội dung kháng cáo theo hướng xin giảm mức án, xem xét lại nội dung truy tố. Đối với cá nhân, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có kháng cáo xin lại tang vật là phương tiện dùng để vận chuyển xăng lậu.

Một số Ngân hàng là đơn vị nhận thế chấp tài sản có yêu cầu đề nghị HĐXX xem xét được lấy tài sản về để xử lý thu hồi nợ.

HĐXX phúc thẩm ghi nhận những nội dung và tạm kết thúc phần xét hỏi, đồng thời thông báo mở phiên xử vào sáng 11/4 với phần tranh tụng.

Trước đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Phan Thanh Hữu, người cầm đầu đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam 16 năm tù; Đào Ngọc Viễn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, người chịu trách nhiệm vận chuyển xăng lậu 17 năm tù.

Nguyễn Hữu Tứ, người phân phối phần lớn xăng lậu cho Phan Thanh Hữu 15 năm tù; Trần Ngọc Thanh 6 năm tù; Lê Thanh Trung 13 năm tù; Trần Thị Thanh Vân mức án 9 năm tù; Lê Thanh Tú bị tuyên mức án 5 năm tù.

Bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan bị tuyên án mức án 15 năm tù về tội nhận hối lộ.

Đây là bị cáo duy nhất bị xét xử về hành vi nhận hối lộ, 73 bị cáo còn lại bị xét xử về hành vi buôn lậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng: Biết tiền hối lộ nhưng do dịch nên chưa thể trình báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO