Vòng xoáy tội lỗi của gã đàn ông “vào tù ra tội”

Trang Trần| 19/08/2022 14:00

Chưa bao giờ Lý Hồng Quang ước có được một điếu thuốc lá như bây giờ, nếu được y sẽ rít một hơi thật sâu, lấp đầy khoang phổi rồi từ từ mở miệng để làn khói phả ra. Ít ra, khói thuốc sẽ giúp anh ta che bớt đi khuôn mặt vốn đã vặn vẹo đến mức khó coi lúc này…

Cuộc đời của Lý Hồng Quang (trú Quận 4, TP.HCM) ngoài chữ “có” của nhiều lần tù tội ra thì gắn chặt với chữ “không”. Là con trai độc đinh của gia đình, bố mẹ mất, Quang không nhà cửa, không vợ con, không nghề nghiệp… Lần này ra tòa ở, Quang đã ở tuổi ngoài 50. Dù có mạnh miếng đến mấy, thời khắc đối diện với sự kết thúc, Quang vẫn lo sợ chính bởi sự cô đơn, không người thân như lúc này.

Là con một, gia đình không phải nghèo đến mức không lo được cho Quang học hành mà là Quang tự mình quyết định. Học hết lớp 3, Quang nghỉ ngang. Lớn lên chút đỉnh, Quang bắt đầu “mở lý lịch đen” cho bản thân, năm 1990, Quang bị TAND Quận 4, TP.HCM xử phạt 2 năm tù tội “Cố ý gây thương tích”. Năm 1993 bị TAND TP.HCM xử phạt 3 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 1996 bị TAND huyện Tân Uyên (Bình Dương) xử phạt 3 năm tù tội “Trốn khỏi nơi giam”. Năm 2015 bị TAND Quận 5 xử phạt 7 năm tù tội “Trộm cắp tài sản...".

tutoi.jpg
Ảnh minh họa

Người ta vốn nói “sông có khúc, người có lúc”, nhưng sao ngẫm lại từ đầu đến cuối cuộc đời của Lý Hồng Quang vẫn là những “khúc cua” tự mình chọn lấy. Không biết có bao lần Quang chán chường, hay than thân trách phận, chỉ biết rằng nếu có e rằng đó cũng chỉ là cảm xúc vô dụng nhất. Bởi trên thực tế, Quang chưa bao giờ “khuất phục” trước cuộc sống, Quang cho rằng nếu khuất phục chính là một kẻ thất bại. Cho nên, Lý Hồng Quang luôn có cách chọn cho mình một lối đi riêng, dù biết đằng sau lựa chọn đó sẽ là… tù tội.

Bản lý lịch trích ngang của Quang chẳng khác nào những vệt đen đan vào nhau, nối dài, mỗi lúc một đậm trên bức tranh vốn đã thiếu màu tươi sáng. Đặc biệt, ở cái tuổi ngoài 50, Quang đã không ngần ngại, “hất thẳng” tất cả số mực đen còn lại lên bức tranh ấy. Không biết, Quang có nghĩ, hoặc đã nghĩ gì khi làm điều đó nhưng những người quen biết Quang biết rằng, đây có thể là vệt đen cuối cùng của Quang để lại với đời.

Lần này, Quang bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử với hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Ngày xét xử, Quang được cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải đến tòa từ rất sớm. Tuổi ngoài 50, tóc bạc đã lấn hết tóc đen, gương mặt cũng đã nhàu nhĩ theo thời gian, đôi mắt lờ đờ không thể nào dấu đi được sự mệt mỏi… Ai nói, một kẻ vào tù ra tội tội như Lý Hồng Quang sẽ không sợ bất cứ điều gì?. Sự thật, ngay thời khắc ngồi xuống tấm ghế dành cho bị cáo, Quang rất sợ. Quang sợ sự đơn độc, sợ sự cô đơn. Phòng xét xử vắng hoe không có lấy một bóng dáng người nào để Quang gọi một chữ “người thân”, chiếc ghế ngồi vốn không dài nhưng cũng vì sự đơn độc này mà trở nên trống trải.

Chiếc áo phạm thùng thình cũng chẳng một chút ăn nhập nào với thân hình gầy gò, còm cõi của Quang. Nếu nhìn vào y lúc này, chẳng ai có thể hình dung được gã lại chính là hung thủ từng vung dao tước đoạt mạng sống của một người cùng khổ khác vào tối mùng 1 Tết chỉ để cướp chiếc xe máy của nạn nhân. Cho nên mới nói, ở đời có nhiều cái không ngờ, bất ngờ mà Lý Hồng Quang là một ví dụ.

Vào chiều tối 12/2/2021 (mùng Một Tết Tân Sửu), do cần tiền tiêu xài, Quang mang theo con dao bấm đi bộ từ nhà cậu đến công viên 23-9 (quận 1) tìm người để cướp tài sản. Do lúc này mới 16h, trời còn sáng, không thể ra tay nên Quang đón xe buýt đi đến bến xe Miền Tây với ý định tìm người chạy xe ôm để cướp, bán lấy tiền tiêu xài. Khoảng 21h20 cùng ngày, Quang nhìn thấy anh Lâm Hiếu Bắc là tài xế xe ôm công nghệ đang đứng chờ khách ở cổng bến xe nên tiến tới thuê anh Bắc chở mình về Bệnh viện Chợ Rẫy, quận 5.

Khi tới cổng số 6, Bệnh viện Chợ Rẫy, Quang thấy đông người nên không dám ra tay. Lúc này, Quang tiếp tục kêu anh Bắc chở mình tới nhà người quen ngủ qua đêm, nhưng mục đích là điều nạn nhân đến nơi vắng vẻ để cướp tài sản. Khi đi tới nhà số 40, đường Tăng Bạt Hổ, quận 5, thấy khu vực này vắng người qua lại, Quang kêu anh Bắc dừng xe. Khi tài xế vừa dừng, Quang liền rút dao đâm một nhát vào vùng cổ trái của anh Bắc khiến xe mô tô và cả 2 ngã xuống đường. Bị đâm bất ngờ nhưng anh Bắc vẫn cố đứng dậy tự vệ và dùng mủ bảo hiểm đánh lại Quang, đồng thời tri hô cướp. Tuy vậy, Quang vẫn không bỏ chạy mà tiếp tục uy hiếp, dùng dao dồn anh Bắc vào sát tường nhà ven đường rồi lấy xe của anh Bắc định hòng tẩu thoát.

Sợ mất tài sản, anh Bắc cố sức đánh lại Quang nhưng bị Quang dùng dao tấn công lại gây thương tích nặng khiến anh Bắc ngã xuống đường. Chưa dừng lại, Quang tiếp tục xông tới đè người tài xế, tấn công khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sát hại người xe ôm xong, Quang dựng xe định bỏ trốn nhưng xe không nổ máy nên đã bị người dân quanh đó phát hiện, bắt giữ. Kết luận giám định pháp y xác định anh Bắc tử vong do thủng sọ não, thủng phổi, thủng động mạch phổi.

Nếu như người ta căm phẫn với hành vi tàn ác của Quang bao nhiêu thì họ xót xa cho nạn nhân bấy nhiêu. Quang nghèo khó, đó chính là lỗi của Quang vì đã không chân chính làm ăn, còn nạn nhân, họ ở tận cùng của cái khổ, nhưng vẫn tự hai bàn tay lao động kiếm sống vậy mà lại bỏ mạng bởi một người như Quang. Đó chính là sự “không công bằng” mà người đời vốn hay than oán. Anh Bắc cũng vì một chừ nghèo mà phải nghỉ học sớm để phụ cha, giúp mẹ. Cuộc đời của nạn nhân vốn “thảm hơn chữ thảm”. Mẹ ốm yếu, cha bị bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn 4, một người em trai bị suy thận nặng, lập gia đình chưa bao lâu vợ bỏ đi để lại đứa con gái nhỏ vừa tròn 3 tuổi… bấy nhiêu cái khó dồn hết cả lên vai anh Bắc. Gánh nặng lo toan, anh một mình ôm vào thân không một lời than vãn. Nhưng rồi, không ai ngờ được, cuộc đời cậu thanh niên hiền lành chịu khó ấy lại kết thúc vào ngày mà nhà nhà sum họp, người người đoàn viên.

Với Quang “ác giả ác báo” là điều đương nhiên, chỉ có điều với những gì hắn làm thì cho dù đền tội bằng cách nào cũng thấy không thỏa đáng. 5 lần vào tù dường như chẳng “cho” Quang được điều gì ngoài sự lỳ lợm, sự mạch lạc và rành rọt trong quá trình trả lời câu hỏi từ HĐXX. Đến cả lời xin lỗi của Quang gửi đến gia đình bị hại cũng phải chờ HĐXX gợi lời nhắc nhở. Sự thật, thì Quang đã quá kiệm lời, kiệm đến mức thờ ơ, tàn nhẫn, vô cảm trước nỗi đau mà mình gây ra cho người khác.

“Mắt không thấy, tim không đau”, là người mẹ mất con lại chứng kiến thái độ “nhạt hơn nước ốc” của kẻ thủ ác, lòng bà đau như kim đâm, dao cứa. Tấm di ảnh con trai chưa rời tay bà một phút, một giây nào, giọng khàn đặc bà thốt lên trong nước mắt "Con tôi chết oan quá". Lời vừa thốt ra, cả tấm lưng bà run lên bật bật… bà đang đau, một nỗi đau không thể nào đong đếm!.

Quang phải trả một cái giá đắt với mức án tử hình về tội “Giết người” và 4 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là tử hình, điều này xứng đáng. Điều mọi người quan tâm, liệu trong suốt hơn 50 năm làm người, hơn 30 trưởng thành có lúc nào Quang nghĩ về những điều thiện lành trong cuộc sống, hay ít ra khi cận kề cái chết Quang một lần ân hận vì bản thân đã sống một cuộc đời hoang phí?…

Có thứ kết thúc trong đau thương cũng có sự bắt đầu được nối dài từ đau đớn… đó chính là tình cảnh của gia đình anh Bắc lúc này. Nhìn hình ảnh người mẹ run rẩy ghì chặt tấm di ảnh vào lòng ngực, thất thểu bước từng bước nặng nhọc giữa sân tòa không ai có thể kìm được lòng mình.

Với một người mẹ mất đi đứa con như bà, hẳn cuộc sống chẳng khác nào bóng đêm bao phủ nhưng lại chẳng thể nào che hết được muôn vàn thê lương…

(Tên bị hại đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng xoáy tội lỗi của gã đàn ông “vào tù ra tội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO