Diễn đàn pháp lý

Volkswagen: Từ bê bối gian lận khí thải đến nỗ lực “rũ bỏ tiếng xấu”

Nhật Minh 03/06/2024 - 13:33

Volkswagen được biết đến là tập đoàn sản xuất xe ô tô lớn nhất nước Đức, sở hữu nhiều thương hiệu cao cấp như Volkswagen, Audi, Bentley, Lamborghini… Tuy nhiên, vào năm 2015, nhà sản xuất ô tô đình đám này đã vướng vào một vụ bê bối lịch sử mang tên Dieselgate - bê bối về gian lận khí thải.

be-boi-khi-thai-volkswagen-vneconomyautomotive.jpg
Ảnh minh họa.

Đoạn mã “bí mật” nhằm “đánh lừa” phép đo khí thải

Mọi việc bắt nguồn từ năm 2013, khi một nhóm giáo sư và sinh viên tại Đại học Tây Virginia, Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ các chiếc xe chạy bằng diesel do Volkswagen sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu chính thức. Tìm hiểu sâu hơn, nhóm này cùng với Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện ra động cơ diesel của Volkswagen đã được cố tình thiết kế để “đánh lừa” các phép đo về khí thải!

Thủ thuật mà các kỹ sư của Volkswagen đã sử dụng là viết thêm một đoạn mã bí mật vào phần mềm điều khiển hệ thống để nhận biết khi nào xe đang được kiểm tra về lượng khí thải. Khi đó, đoạn mã này sẽ làm giảm bớt công suất thực của động cơ và từ đó giảm đi lượng khí thải để đánh lừa thiết bị đo. Một khi quá trình đo kết thúc, động cơ sẽ hoạt động bình thường trở lại và tiếp tục sản sinh ra lượng khí thải vượt giới hạn quy định.

Ước tính, bộ phần mềm nói trên đã được Volkswagen cài đặt vào 11 triệu chiếc xe trên toàn cầu, nhưng chỉ có một phần trong số này được kích hoạt đoạn mã trên. Có khoảng nửa triệu chiếc xe như thế đã được bán ra tại Mỹ. Các điều tra tiến hành sau đó chỉ ra khoảng 11 triệu chiếc xe chạy bằng dầu diesel trên toàn thế giới, trong đó có 600.000 chiếc ở Mỹ phát thải gấp 40 lần so với mức cho phép song đã được che giấu trong các cuộc kiểm tra. Một quan chức cao cấp của EPA khi đó đã gọi đây là hành vi “phạm pháp và đe dọa sức khỏe cộng đồng”.

Phát hiện trên không chỉ làm chấn động dư luận Mỹ, mà ngay cả Chính phủ Đức cũng đã lên án Volkswagen. Thời điểm đó, ông Jochen Flasbarth, một quan chức cao cấp của Bộ Môi trường Đức, đã gọi hành động của Volkswagen là “lừa đảo trắng trợn người tiêu dùng”. Thậm chí, Bộ trưởng Kinh tế Đức khi ấy là ông Sigmar Gabriel đã cảnh báo “uy tín tuyệt vời của ngành ôtô Đức nói chung và của Volkswagen nói riêng sẽ bị tổn hại từ sự cố này”.

Nỗ lực “rũ bỏ tiếng xấu” sau giá đắt phải trả vì bê bối Dieselgate
Cổ phiếu của Volkswagen liên tục lao dốc ngay sau vụ bê bối này bị phanh phui, hơn 1/3 giá trị vốn hóa thị trường của họ đã bị “thổi bay” chỉ sau hai ngày. Bản thân ông Martin Winterkorn - CEO của Volkswagen cũng đã phải từ chức vào tháng 9/2015, ngay sau khi hành vi gian lận khí thải bị phát hiện. Ngày 03/5/2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra quyết định truy tố ông Winterkorn với 4 tội danh, trong đó có âm mưu lừa gạt nước Mỹ, gian lận, vi phạm Đạo luật Không khí sạch. Theo các công tố viên, ông Winterkorn biết về vụ gian lận từ tháng 5/2014, song đã quyết định tiếp tục lừa dối.

Trong bản cáo trạng do Văn phòng Công tố viên ở Braunschweig, bang Niedersachsen (Tây Bắc nước Đức) và gần trụ sở chính của Volkswagen ở Wolfsburg đệ trình vào năm 2019, ông Winterkorn bị cáo buộc đã không thông báo cho thị trường về việc lắp đặt thiết bị trái phép trong động cơ diesel của xe Volkswagen. Tòa án đã hủy bỏ vụ kiện thao túng thị trường này vào tháng 01/2021 trên cơ sở hình phạt có thể không đáng kể so với hình phạt gian lận tiềm ẩn. Tuy nhiên, Văn phòng Công tố đã yêu cầu khôi phục vụ kiện vì hiện vẫn chưa đủ chứng cứ xét xử ông Winterkorn về tội gian lận. Vào cuối tháng 12/2023, một Tòa án của Đức cho biết, cựu CEO của

Volkswagen phải tiếp tục hầu tòa!

Một trường hợp khác là Axel Eiser, cựu Giám đốc hãng xe Audi và Volkswagen. Ông đã bị bắt ngày 09/6/2020 tại cửa khẩu Kastel khi đang làm thủ tục nhập cảnh từ Slovenia vào Croatia. Cảnh sát sở tại cho biết, nhà chức trách bắt giữ ông Eiser theo lệnh bắt quốc tế từ phía Mỹ do ông có liên quan đến các cáo buộc cài đặt phần mềm gian lận khí thải trên nhiều mẫu xe chạy bằng động cơ diesel.

Trong khi đó, thông báo của Đại sứ quán Đức nêu rõ giới chức tư pháp Mỹ đã truy tố ông Eiser hồi tháng 01/2019 và một Thẩm phán của Croatia sau đó đã ra lệnh giam giữ nhân vật này tại Pula, miền Tây Bắc Croatia.

Cựu CEO công ty sản xuất ô tô Audi AG Rupert Stadler vào ngày 27/6/2023 đã bị Tòa án Munich tuyên 1 năm 9 tháng tù hưởng án treo và phải nộp phạt 1,1 triệu euro (tương đương 1,2 triệu USD) với tội danh gian lận và lừa dối trong vụ bê bối Dieselgate. Theo cáo trạng, ông Stadler bị cáo buộc "đã biết về các gian lận từ cuối tháng 9/2015 nhưng vẫn cho bán các dòng xe gian lận khí thải của Audi và Volkswagen ra thị trường".

Được biết, giới chức Mỹ đã buộc tội 9 người liên quan vụ bê bối của Volkswagen trong đó có 2 kỹ sư đã bị phạt tù sau khi nhận tội. Ngoài ông Winterkorn, 5 người vẫn đang trong quá trình truy tố là các cựu quản lý về chất lượng và phát triển động cơ. Tuy nhiên, cũng như ông Winterkorn, những người này không bị bắt và vẫn ở Đức.

Bê bối Dieselgate đã khiến Volkswagen - “gã khổng lồ” về xe hơi “từ đỉnh vinh quang rơi xuống vực sâu”. Cơ quan điều tra Mỹ đã buộc tội và kết án tù nhiều nhân sự cấp cao trong ban điều hành công ty, trong khi án phạt về kinh tế vô cùng nặng nề khiến Volkswagen phải từ bỏ tham vọng trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới vào năm 2018. Không chỉ ở Mỹ, cuộc điều tra Dieselgate đã khiến Volkswagen lần lượt đối mặt hàng loạt vụ điều tra pháp lý độc lập ở nhiều quốc gia khác nhau. Hãng Audi cũng phải thu hồi, sửa chữa hàng chục nghìn phương tiện với cáo buộc tương tự kể trên.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, cũng như các nhà sản xuất ô tô truyền thống khác, Volkswagen đang ngày càng tập trung vào các dòng xe “sạch và thông minh” hơn của tương lai trong cuộc cạnh tranh với hàng loạt ông lớn khác. Có thể nói, việc tập trung vào các loại xe ô tô sạch đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Volkswagen khi hãng này đang tìm cách rũ bỏ tiếng xấu từ vụ bê bối gian lận khí thải trên quy mô toàn cầu.

Mới đây nhất, vào hồi trung tuần tháng 02/2024, Volkswagen đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào các nhà máy tại Mexico nhằm nâng cao năng lực sản xuất xe điện của hãng tại một trong những thị trường ô tô cạnh tranh nhất khu vực Mỹ Latinh. Đây là khoản đầu tư mới nhất của Volkswagen liên quan đến lĩnh vực sản xuất xe điện tại Mexico, sau khoản đầu tư trị giá 763 triệu USD mà doanh nghiệp này tuyên bố hồi cuối năm 2022./.

Theo một công bố, số xe gian lận khí thải của Volkswagen được bán ra thị trường bao gồm 250.712 xe Audi, 71.577 xe Volkswagen và 112.131 xe Porsche. Những chiếc xe này được bán tại nhiều thị trường, trong đó có Mỹ và châu Âu.
Các mẫu xe được phát hiện khi Volkswagen gian lận khí thải vào năm 2015:
2009-2015 Volkswagen Jetta 2.0L TDI
2010-2015 Volkswagen Golf 2.0L TDI
2010-2015 Audi A3 2.0L TDI
2012-2015 Volkswagen Beetle 2.0L TDI
2012-2015 Volkswagen Passat 2.0L TDI
2009-2015 Audi Q7 3.0L V-6 TDI
2009-2016 Volkswagen Touareg 3.0L V-6 TDI
2013–2016 Porsche Cayenne Diesel 3.0L V-6
2014-2016 Audi A6 3.0L V-6 TDI
2014-2016 Audi A7 3.0L V-6 TDI
2014-2016 Audi A8/A8L 3.0L V-6 TDI
2014-2016 Audi Q5 3.0L V-6 TDI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Volkswagen: Từ bê bối gian lận khí thải đến nỗ lực “rũ bỏ tiếng xấu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO