Việt Nam đóng góp nhiều đề xuất trong bảo tồn đa dạng sinh học biển

PV| 06/03/2023 15:30

BVCL - Đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp vì lợi ích chung của các nước đang phát triển đối với văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả.

viet-nam-dong-gop-nhieu-de-xuat-trong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-bien-hinh-anh01147011602.jpg
Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang (ngoài cùng bên phải), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc làm trưởng đoàn, tham dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 5/3 (giờ Việt Nam), sau hai tuần làm việc khẩn trương với phiên cuối kéo dài 36 giờ liên tục, phiên thứ năm Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia đã kết thúc, đạt được nhất trí về nội dung văn kiện.

Đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp vì lợi ích chung của các nước đang phát triển trong thỏa thuận lịch sử này.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, thành công của hội nghị thể hiện quyết tâm chính trị của các quốc gia trong việc đạt được một văn kiện nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học biển tại biển cả.

Đây là dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Đoàn liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc làm trưởng đoàn, đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất vào tiến trình thương lượng tại hội nghị.

Đoàn Việt Nam đã có nhiều đề xuất vì lợi ích chung của các nước đang phát triển, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Nội dung văn kiện đã ghi nhận nguyên tắc nền tảng về việc nguồn gene biển là di sản chung của nhân loại, là cơ sở để mọi lợi ích thu được từ nguồn gene biển cần được chia sẻ công bằng với tất cả các quốc gia.

Đáng chú ý, lần đầu tiên “thông tin chuỗi số hóa về nguồn gene” - được coi là một “tài sản số” gắn liền với nguồn gene biển và lợi ích liên quan có thể được chia sẻ cho toàn thể nhân loại theo một cơ chế được Văn kiện xác định.

Văn kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đa dạng sinh học trên một phạm vi rộng lớn của các đại dương.

Trong bối cảnh khả năng tiếp cận, khai thác tài nguyên gene biển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển còn cách biệt, văn kiện đánh dấu sự thỏa hiệp giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gene biển ngoài vùng tài phán quốc gia, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ, đồng thời bảo đảm công bằng trong chia sẻ lợi ích từ việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn gien biển phong phú.

Theo kế hoạch, hội nghị sẽ triệu tập phiên tiếp theo để thông qua văn kiện và đệ trình lên Đại hội đồng.

Sau nhiều năm đàm phán, ngày 4/3, các nước thành viên Liên hợp quốc cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả - vốn được coi là "kho báu" quan trọng, song dễ bị tổn thương, chiếm gần 50% bề mặt Trái Đất.

Đây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.

Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên hợp quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.

Trong một tuyên bố, chủ trì hội nghị, bà Rena Lee đã hoan nghênh việc các nước thông qua văn bản của hiệp ước nói trên.

Đây được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, hồi tháng 12/2022.

Theo bà Lee, hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã hoan nghênh việc thông qua văn bản của hiệp ước, coi đây là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương."

Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Bà Laura Meller, một nhà vận động bảo vệ đại dương của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, người đã tham gia các cuộc đàm phán coi "đây là một ngày lịch sử đối với bảo tồn và là một tín hiệu cho thấy trong một thế giới chia rẽ, bảo vệ thiên nhiên và con người có thể chiến thắng tư duy địa chính trị."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đóng góp nhiều đề xuất trong bảo tồn đa dạng sinh học biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO