Vì lòng tham mà đánh đổi…

Trang Trần| 16/07/2022 09:02

Có lẽ, trong nhân gian thứ mà bất cứ ai cũng có đó là lòng tham, chỉ có điều hơn nhau ở chỗ người đó có đủ bản lĩnh, đủ tĩnh táo để không bị lòng tham làm mờ đi lý trí mà thôi. Lòng tham bao giờ cũng song hành với sự đánh đổi và luôn kết thúc bằng cái gọi là… trả giá.

Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1978, nguyên giáo viên trường Tiểu học Kỳ Thư, trú tổ dân phố Hưng Hòa, phường Hưng Trí, TX. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) chính là điển hình cho kiểu người vì lòng tham mà đánh đổi. Nói đến trường hợp của Anh, người người đều tiếc, bởi cô có một nghề nghiệp ổn định - nghề “trồng người” đầy tự hào, lại có thâm niên công tác. Nhưng rồi cũng bởi chữ tiền, cô đã trở thành “siêu lừa” và đánh mất tất cả.

Nguyễn Thị Kim Anh có 20 năm công tác trong ngành giáo dục, đạt nhiều thành tích xuất sắc, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi… nhưng cuối cùng vẫn thua một chữ “tiền”. Vậy mới nói, lòng tham của con người rất đáng sợ, nó được ví là không có đáy, nó chưa bao giờ dừng lại, nó khiến cho người ta rơi vào cảnh có nhiều rồi lại ước mình có nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, nhiều người vì tham tiền mà làm ăn bất chính, hại người khác và kết quả là phải trả giá sau song sắt nhà tù, tình cảnh Kim Anh hiện nay là vậy. Bây giờ ra cơ sự “đã rồi”, cô mới hối tiếc, mới ân hận thời điểm đó đã không đủ bản lĩnh để gạt bỏ, để kháng cự, để đoạn tuyệt… với mọi cám dỗ đến cùng.

long-tham.jpg
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Đã có một Kim Anh duyên dáng, tươi trẻ trong tà áo dài trên bục giảng trong quá khứ thì nay vẫn là một Kim Anh đó nhưng tiều tụy, khốn khổ đi rất nhiều. Ngày ra Tòa, đôi mắt đăm chiêu, buồn vô tận không cách nào che đậy, Kim Anh không dám nhìn vào những người bị cô lừa, cho dù họ ngồi cách đó không xa. Nhiều người trong số bị hại ngồi đó đã từng coi Kim Anh như là chị em thân thiết, là hàng xóm, là chỗ “không thể không tin cậy” hơn trong cuộc sống. Đã từng! Đúng vậy, rất tiếc tất cả chỉ dừng lại ở “đã từng”, còn bây giờ ánh mắt của họ nhìn cô đầy thất vọng, đầy sự oán giận. Họ đau, vì mất tiền, càng đau hơn khi niềm tin đã đặt sai người, sai chỗ.

Quay lại câu chuyện khiến cho Nguyễn Thị Kim Anh trở nên “tha hóa, biến chất” được thể hiện, khi cô nắm được tâm lý của nhiều người có con em vừa ra trường cần xin việc làm, từ đó “đánh tiếng”, hứa hẹn đi xin việc vào biên chế các ngành: công an, bệnh viện; kế toán... trong các cơ quan Nhà nước, hải quan, sân bay… Bằng nghề nghiệp hiện tại, thêm vào sự linh hoạt của bản thân cùng với lời hứa chắc nịch “nếu không xin được việc sẽ hoàn lại tiền đầy đủ”, hàng chục người đã bị Kim Anh cho “sập bẫy”.

Tháng 4/2017, con gái của bà Vũ Thị Hoa (SN 1965, trú phường Hưng Trí, TX. Kỳ Anh) tốt nghiệp một trường Đại học ở Hà Nội. Từ ngày con ra trường, ông bà bắt đầu loay hoay tìm kiếm các vị trí, đơn vị tuyển dụng liên quan đến ngành học của con với hy vọng cho con có nơi có chốn, có nghề nghiệp ổn định, bỏ công học hành ngần ấy năm. Trong một lần đi chợ, bà Hoa gặp người hàng xóm là chính là Kim Anh. Bà Hoa cứ như mở cờ trong bụng, vui hơn vớ được vàng khi nghe Kim Anh cho biết, đợt này đang có thi tuyển, xét tuyển công chức tại TX. Kỳ Anh. Kim Anh cam kết sẽ lo lót để đảm bảo con gái bà Hoa trúng tuyển vào vị trí văn phòng.

Từng câu, từng chữ của một giáo viên giỏi chẳng khác nào rót mật vào tai, khiến người nghe mười phần “mê mệt”. Sẵn ở thế thượng, Kim Anh giới thiệu bản thân có mối quan hệ, dần dần khiến bà Hoa rơi vào “kịch bản” của cô và cứ vậy tự nguyện đưa tiền. Kim Anh cam kết nếu con gái thi đỗ, toàn bộ chi phí hết 150 triệu đồng và nếu không, gia đình chỉ mất 20 triệu tiền làm hồ sơ, thủ tục... Tin tưởng, bà Hoa đã đưa cho Kim Anh tổng số tiền 150 triệu đồng. Ngoài ra Kim Anh còn hứa nếu sau 2 tháng không xin được việc sẽ trả lại tiền, càng làm cho mức độ tin tưởng của bà Hoa tăng lên. Vậy nhưng, sau nhiều tháng chờ đợi, việc thi tuyển của con gái vẫn giẫm chân tại chỗ khiến bà Hoa vô cùng lo lắng, rồi hoài nghi.

Đầu năm 2018, chứng kiến nhiều người dân tụ tập trước nhà Kim Anh đòi nợ, bà Hoa tìm hiểu và ngỡ ngàng khi biết rằng mình đã trở thành nạn nhân. Thì ra, bà chỉ là một trong số rất nhiều người đã “dính bẫy” mà Kim Anh giăng sẵn. Hóa ra, ngoài lừa tiền của người khác bằng hình thức chạy việc, Kim Anh còn lấy các lí do khác như cần tiền để đảo vốn ngân hàng, vay tiền cho người khác giải quyết công việc, vay tiền trong một thời gian ngắn sẽ trả lại, vay lần này nữa rồi sẽ thanh toán hết các khoản nợ trước đó... để lừa tiền của người khác.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2017, Kim Anh đã vay mượn tiền của nhiều người với tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng nhưng không có khả năng hoàn trả. Để kéo dài và có tiền trả số nợ này, Nguyễn Thi Kim Anh đã tìm đủ mọi lý do để vay tiền rồi tự đẩy mình và trượt dài vào con đường lừa đảo. Cô, chính là muốn tìm cách lấy tiền của người này, trả cho người kia để tiếp tục tạo uy tín, có thêm cơ hội “kiếm tiền”. Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2019, Nguyễn Thị Kim Anh đã thực hiện 57 lần lừa đảo chiếm đoạt của 26 bị hại trên địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Ninh Thuận với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Thị Kim Anh đã trả lại một phần cho 11 người bị hại với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, còn lại gần 6,5 tỷ đồng, nữ giáo viên này không có khả năng hoàn trả. Cụ thể trong số lần lừa đảo đó, có 44 lần lừa đảo bằng hình thức vay mượn, đã chiếm đoạt số tiền hơn 3,3 tỷ đồng và 13 lần lừa đảo bằng hình thức xin việc làm, đã chiếm đoạt gần 3,8 tỷ. Nạn nhân của Nguyễn Thị Kim Anh, người bị lừa nhiều nhất là 890 triệu đồng và ít nhất là 20 triệu đồng.

Lời giải thích khi sự việc đã “bung bét” của Kim Anh càng trở nên kệch cỡm. Là do hoàn cảnh gia đình khó khăn thiếu thốn, là do thiếu vốn làm ăn và chi tiêu nên đi “vay nóng” rồi “lãi mẹ đẻ lãi con” mất khả năng khống chế nên mới… Nói như Kim Anh, vậy những người bị cô lừa, có mấy ai tiền bạc dư thừa, hay để đưa tiền cho cô, họ đã chật vật vay mượn khắp nơi làng trên xóm dưới. Cho nên, cô chính là vì xuất phát từ lòng tham, thấy tiền, nhiều tiền nên bất chấp cả hậu quả.

Lý giải về việc một người giáo viên có tiếng tăm trở thành kẻ siêu lừa trong mắt mọi người, Kim Anh nói: “Do bản thân không tỉnh táo, đi vay nóng rất nhanh mất khả năng trả nợ. Vì luôn sống trong cảm giác lo sợ, ám ảnh khi liên tục bị đòi nợ nên bị cáo đã làm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do để có thể tiếp tục vay tiền, thậm chí lừa đảo”.

Tại phiên xử, HĐXX đã làm rõ thêm các nội dung liên quan đến khoản tiền 5,9 tỷ đồng mà Nguyễn Thị Kim Anh vay mượn trước thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, đây là quan hệ dân sự, vay mượn thông thường, không cấu thành tội phạm, vì vậy, không xem xét, giải quyết trong vụ án này. HĐXX TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Anh 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, phải bồi thường cho các bị hại gần 6,5 tỷ đồng.

Vậy là cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh chẳng thể hạnh phúc vì đã không biết đủ. Cô đã vì tiền mà có một thì ước có thêm hai, thêm ba, chấp nhận trở thành kẻ xấu để thực hiện đến cùng điều bản thân mong muốn. Khép lại con đường sự nghiệp đầy tự hào, Nguyễn Thị Kim Anh tự tay mở lấy cảnh cửa nhà tù cho bản thân.

Luật nhân quả sẽ không bỏ sót một ai, cho nên hãy luôn làm người tỉnh táo, đừng vì bất cứ thứ gì mà đem ra đánh đổi!

(Tên bị hại đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì lòng tham mà đánh đổi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO