Bình Dương vừa đưa vào vận hành nhà máy đốt rác phát điện 5MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày góp phần xử lý toàn diện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp, đông dân cư. Chính vì thế chất thải rắn sinh hoạt cũng khá lớn. Chính vì vậy, việc phát triển và vận hành nhà máy đốt rác phát điện là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế và môi trường của tỉnh.
Vào ngày 12/1, nhà máy đốt rác phát điện 5MW đầu tiên ở tỉnh Bình Dương do Công ty cổ phần-Tổng Công ty Nước- Môi trường Bình Dương (BIWASE) đầu tư đã chính thức phát điện, đánh dấu vào mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương.
Đây là dự án lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương để đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đây cũng là cơ sở để tỉnh tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp và trở thành trung tâm phát triển kinh tế khu vực phía Nam - Việt Nam với các tiêu chí phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường-xã hội và cải thiện cảnh quan đô thị.
Đến nay công ty có 4 dây chuyền công nghệ tách lọc xử lý rác công suất 2.520 tấn/ngày, quy mô khu tích ủ lên men trên 100.00m3, diện tích sàn 30.800m2.
Công ty có diện tích nhà xưởng ủ chín 56.800m2; 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày cùng nhiều dây chuyền xử lý tái chế khác hoàn toàn đủ công suất tiếp nhận 100% rác sinh hoạt của tỉnh về khu liên hợp; 2 nhà máy đốt rác y tế công suất 16 tấn/ngày; 4 nhà máy đốt rác hỗn hợp công suất 500 tấn/ngày; trong đó có 1 nhà máy công suất 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện công suất 5MW. Tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (không qua bảo lãnh chính phủ) là 20 triệu USD, tương đương 480 tỷ đồng.
ADB đã hỗ trợ hành trình chuyển đổi của BIWASE từ sự phụ thuộc vào tài chính quốc gia sang tài chính của tư nhân độc lập, bằng cách cung cấp khoản tài trợ không thuộc chủ quyền đầu tiên cho BIWASE vào năm 2020, nhằm hỗ trợ mở rộng khả năng sản xuất nước để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng vọt ở tỉnh Bình Dương; đồng thời tham gia hỗ trợ tài chính cho đốt rác thành điện và dự án sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải.
Đây là cột mốc quan trọng tạo nên giá trị cốt lõi về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phục vụ nền kinh tế xanh; trong đó BIWASE là đơn vị điển hình ở Việt Nam.
Việc khánh thành nhà máy đốt rác phát điện 5MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày của BIWASE đã thể hiện sự thành công trong việc giải quyết, xử lý một cách triệt để và toàn diện chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.