CLY - Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong của sốt xuất huyết tại nước ta là 0,09%, trong khi đó, con số này đối với dịch Covid-19 là 0,37%.
Chia sẻ tại buổi thông tin báo chí vào chiều 8/5, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết sau hơn 3 tháng không ghi nhận ca tử vong, từ cuối tháng 4 đến nay, nước ta đã có bệnh nhân qua đời do Covid-19.
Các ca tử vong này đều là những trường hợp nguy cơ cao như bệnh nền, cao tuổi, hoặc có bệnh kèm theo. Bản thân bệnh nhân đã có tình trạng nặng từ trước... Không phát hiện trường hợp tử vong trên người không có bệnh nền hay trẻ tuổi.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 0,37%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của thế giới (0,99%). Dù tỷ lệ này đã giảm so với năm 2021, ông Khoa vẫn cho biết: "Tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn cao hơn so với bệnh truyền nhiễm khác". Ví dụ, tỷ lệ tử vong của dịch sốt xuất huyết là 0,09%.
Vì vậy, ông Khoa cho rằng nước ta không thể chủ quan mà phải luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án linh hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết. Nếu các ca bệnh nhập viện gây quá tải bệnh viện cần quay lại phương án tình huống đã áp dụng trước đây.
Để giảm nguy cơ tử vong do Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế trên cả nước tiếp tục cảnh giác, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm người mắc, trong đó chú trọng các đơn vị hồi sức, chạy thận… Đây là những nơi có các trường hợp mang bệnh nền nặng cần được đề phòng để tránh lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, khi dịch Covid-19 có thay đổi ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn điều chỉnh các nội dung trong đó có kiểm soát, phát hiện sớm, điều trị, cách ly với người bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các chuyên gia Bộ Y tế đã thống nhất điều chỉnh đặc biệt là thuốc kháng virus, thuốc corticoid, kháng thể…
Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục theo dõi sát khi điều trị ca bệnh và tăng cường hội chẩn với tuyến trên để có sự liên kết giữa các tuyến, tạo thuận lợi cho việc chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. Hạn chế chuyển lên các tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tránh tình trạng quá tải y tế.
Các cơ sở y tế cần theo dõi, đánh giá các ca nhập viện, gửi xét nghiệm trình tự gene một số trường hợp để xác hiện sớm những biến chủng mới của Covid-19. Đặc biệt lưu ý những người không mắc bệnh nền bị Covid-19 có dấu hiệu tăng nặng, cần phải giám sát thật chặt vì có thể xuất hiện biến chủng gây độc lực cao.
Liên quan tới vấn đề có nên chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B hay không, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng dù dịch ở nhóm nào chúng ta cũng đã xây dựng các kịch bản để ứng phó linh hoạt, nhanh chóng.
Đối với dịch Covid-19, chúng ta vẫn phải đối phó với 3 nguy cơ đó là: miễn dịch sẽ giảm theo thời gian; các biến thế mới vẫn xuất hiện; dịch vẫn có các làn sóng mới. Khi đó, chúng ta cần huy động về biện pháp hành chính xã hội. Thời gian tới, Cục Y tế dự phòng sẽ tham mưu với các cơ quan quản lý về việc nên đưa dịch Covid-19 vào nhóm A hay B. Tuy nhiên, ông Lân khẳng định dù ở nhóm nào vẫn cần đảm bảo pháp luật, giải quyết được yêu cầu phòng chống bệnh nhanh chóng, không lãng phí nguồn lực.