Hiện nhiều trường đại học tại TP.HCM đã công bố kế hoạch tuyển sinh cho năm học 2024 -2025. Theo đó, không ít trường trên địa bàn thành phố mở thêm ngành mới, mở rộng quy mô tổ chức thi và tăng chỉ tiêu từ xét điểm thi đánh giá năng lực, giảm chỉ tiêu xét học bạ.
Sự điều chỉnh công tác tuyển sinh này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, năm nay nhiều trường quan tâm tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo đó, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), mở thêm ngành Thiết kế vi mạch, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu và 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý xây dựng, Hóa dược, Hóa mỹ phẩm.
Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng tuyển sinh 150 chỉ tiêu cho ngành mới Thiết kế vi mạch.
Trường Đại học Mở TP.HCM dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới gồm: Bảo hiểm, Công nghệ tài chính, Trí tuệ nhân tạo và Kiểm toán chất lượng cao.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng có thêm 2 chuyên ngành mới là Thiết kế vi mạch và Digital marketing.
Trong số 45 ngành đào tạo tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có thêm hai ngành mới là Kỹ thuật thiết kế vi mạch và Tâm lý học giáo dục. Năm nay, trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh gồm: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển bằng học bạ THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường Đại học Gia Định dự kiến mở thêm 3 chuyên ngành mới gồm: Xây dựng và Quản trị kênh truyền thông độc lập, Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị tài chính.
Thông tin tuyển sinh của các trường cho thấy, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực vẫn là phương thức được hầu hết các trường đại học sử dụng để tuyển sinh trong năm 2024. Mặt khác, trong khi xét học bạ là một trong những phương thức chiếm tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh lớn ở các trường đại học ngoài công lập, một số trường đại học công lập lại có xu hướng giảm dần chỉ tiêu xét học bạ.
Theo Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM, trường chỉ sử dụng kết quả học bạ là một tiêu chí xét kết hợp trong phương thức tuyển sinh 1 (tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm) chứ không sử dụng như một phương thức xét tuyển riêng.
Năm 2024, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCm cũng giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ. Trường tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu cho 36 ngành đào tạo; trong đó, phương thức xét tuyển bằng học bạ tuyển 25-30% tổng chỉ tiêu, thay vì 30-40% như năm trước; phương thức điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tuyển từ 50-55%; xét kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 10-15%... Năm nay, trường có thêm phương thức xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và điểm thi tốt nghiệp THPT (khoảng 5-10% tổng chỉ tiêu).
Phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu vào, năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực.
Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô kỳ thi, phục vụ cho công tác tuyển sinh của các đơn vị trong và ngoài hệ thống. Năm nay, kỳ thi được tổ chức với 2 đợt vào tháng 4 và tháng 6.
Với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024. Đây là năm thứ 3 trường tổ chức kỳ thi này để lấy kết quả xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT.
Cùng với tăng thêm một đợt thi, năm nay Trường cũng mở rộng điểm tổ chức thi. Cụ thể, kỳ thi được tổ chức thành 3 đợt, tại cơ sở chính của trường và thêm một điểm thi tại Long An; gồm các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh.
Thí sinh có thể lựa chọn thi một hoặc nhiều bài thi. Kết quả kỳ thi sẽ được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm, vì thế học sinh lớp 11 vẫn có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó.