Phải đứng đầu lớp, phải giỏi các môn chính, phải học nhiều hay không được thoải mái bộc bạch ý kiến của mình... là những áp đặt không tồn tại tại lớp văn của cô giáo Hà Việt Anh. Lớp văn này chỉ có một "nguyên tắc" đó là hạnh phúc.
Từ “Hạnh phúc” được cô giáo Hà Việt Anh lấy theo 10 giá trị sống của Unesco đưa ra gồm có Yêu thương – Tôn trọng – Hòa bình – Bao dung – Trách nhiệm – Trung thực – Khiêm Tốn – Hợp tác – Hạnh phúc - Đoàn kết. Đây là chủ đề, là chất liệu chính của mỗi buổi học, được cô Việt Anh bóc tách, phân tích giúp các em hiểu rõ và sống trọn vẹn hơn với ý nghĩa của những giá trị ấy.
Tạo nên giá trị hạnh phúc từ vết xước trong cuộc đời
Các em học sinh tại lớp văn hạnh phúc đa dạng độ tuổi từ lớp 4 đến lớp 12 - độ tuổi trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, cũng là thời gian “ám ảnh” của các bậc phụ huynh trong việc hiểu con mình.
Thấu hiểu những trăn trở của các bậc phụ huynh, lớp văn hạnh phúc được cô Việt Anh xây dựng như một nhịp cầu gắn kết các em với gia đình. Nhưng ít ai biết được, lớp học này chính là sự chuyển hóa từ vết "xước" trong quá khứ mà cô từng trải qua cùng con trai mình.
Cô giáo chia sẻ: “Dù đồng hành cùng con vào giai đoạn dậy thì trong tâm thế rất yêu thương và quan tâm nhưng lại mất kết nối, tôi đã có những thất bại của riêng mình. Sau một quá trình quan sát con của mình cùng những bạn nhỏ cùng lứa khác, tôi nhận thấy đây không chỉ là vấn đề của riêng gia đình mình mà còn của rất nhiều bạn trẻ khác, các bạn rất loay hoay và bối rối trong hành trình trưởng thành của mình. Nên tôi đã quyết định mở ra lớp học hạnh phúc.”
Những đóng góp nhỏ bé có ý nghĩa lớn
Cô giáo Việt Anh chọn văn học - một môn học có tính sáng tạo và nhiều cảm xúc để lồng ghép và mang những giá trị đạo đức đến gần hơn với các em học sinh. Cô khuyến khích các em viết ra những suy nghĩ, góc nhìn của mình. Không bó hẹp hay hạn chế trí tưởng tượng, tư duy của các em, từ đó, để cho trẻ cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe, có thêm tự tin với bản thân.
Từ những đứa trẻ từng sợ viết, ngại viết, qua lớp học văn hạnh phúc, các em trở thành những tác giả nhí với những sáng tác đa dạng từ truyện ngắn, thơ, tranh vẽ, âm thanh,... Những tác phẩm nhỏ bé ấy được vun thành một cuốn sách đáng yêu mang tên “Ngày nảy ngày nay có một bà mẹ” - cuốn sách nằm trong dự án thiện nguyện của lớp văn hạnh phúc. Đây không chỉ là niềm tự hào của cô và trò mà còn mang ý nghĩa lớn lao khi toàn bộ số tiền bán sách được dùng để làm thiện nguyện, hỗ trợ và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.
Khi biết về dự án từ thiện của lớp, nhiều phụ huynh không giấu được niềm xúc động. Họ bất ngờ khi thấy những đứa trẻ vốn có phần rụt rè, đôi lúc đã quen nhận sự chăm sóc của cha mẹ, nay lại thể hiện sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Không khó để tìm một lớp dạy về văn học, cũng không thiếu những khóa học về tâm lý tuổi dậy thì. Nhưng điều đáng trân quý hơn cả là tìm được “ngôi nhà thứ hai” – nơi mà những đứa trẻ không chỉ được lắng nghe, thấu hiểu và công nhận giá trị của bản thân, mà còn được giáo dục để trở thành những con người tử tế. Một nơi các em được đóng góp cho xã hội bằng chính tình yêu thương và hạnh phúc mà các em đã được trao tặng.