Trường Phổ thông dân tộc bán trú đồng hành cùng học sinh trong kỳ thi cuối cấp

Anh Tuấn| 16/03/2023 18:12

BVCL - Để hỗ trợ học sinh lớp 9 ôn thi cuối cấp, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch đầu năm, linh hoạt các phương pháp học.

Theo chia sẻ của cô Đỗ Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn): “Để quá trình ôn tập cho học sinh cuối cấp hiệu quả, nhà trường đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT Văn Quan. Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu các thầy cô bộ môn xây dựng kế hoạch dạy và ôn tập các môn thi tuyển sinh vào 10 đảm bảo đủ nội dung chương trình, nắm vững kiến thức, kĩ năng.

truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-dong-hanh-cung-hoc-sinh-cho-cuoc-thi-cuoi-cap-hinh-anh018286435(1).jpg
Giáo viên và học sinh lớp 9 trường PTDTBT TH và THCS Hòa Bình (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn)

Bên cạnh đó, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình lưu ý giáo viên trực tiếp giảng dạy giao bài tập phù hợp trình độ học sinh, đánh giá năng lực của từng nhóm học sinh để có những định hướng cụ thể trong quá trình học.

Đồng thời, nhà trường cũng tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh chương trình dạy sao cho hiệu quả.

“Ban giám hiệu sẽ tăng cường dự giờ ôn tập của giáo viên, học sinh để có những góp ý tư vấn kịp thời. Tổ chức phân tích phổ điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ I để phân loại và phân hoá đối tượng học sinh ôn tập đạt hiệu quả”, cô Đỗ Thị Nhung cho biết.

Được biết, trước khi xây dựng và tổ chức thực hiện ôn tập, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hoà Bình sẽ thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh từ cuối học kỳ I.

Căn cứ trên kết quả phân luồng sàng lọc đối tượng giảng dạy, phụ đạo kiến thức cũng như xây dựng phổ điểm của từng cá nhân và áp dụng nội dung ôn tập phù hợp để phấn đấu đạt phổ điểm theo kế hoạch.

Vì đặc thù học sinh của trường bán trú, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, lại sống ở vùng khó khăn vì vậy sự định hướng của bố mẹ phần nào đó bị hạn chế, do đó bước vào lớp 9, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh từ đó có những định hướng cụ thể cho mỗi em.

Cô Đỗ Thị Nhung chia sẻ: “Sức học của nhiều học sinh còn yếu, mức độ trong lớp chưa đồng đều, nhiều em gia đình khó khăn, một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình việc nhà dẫn đến phần nào quá trình ôn lại kiến thức bị hạn chế”.

Cô Nhung cho biết thêm, một số học sinh khả năng tự học không cao cộng thêm phụ huynh phó mặc cho các thầy cô, không theo sát, đôn đốc học, làm bài ở nhà. Do đó, giáo viên nhà trường phải có chiến lược cũng như phương pháp ôn tập riêng, tận dụng tối đa thời gian các em ở trường để hướng dẫn, gia cố kiến thức cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Phổ thông dân tộc bán trú đồng hành cùng học sinh trong kỳ thi cuối cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO