Để đảm bảo nguồn cung rau xanh cho bữa ăn gia đình, nhiều “nông dân sân thượng”, “nông dân vỉa hè” đã hình thành ở các thành phố lớn. Nhiều người ngỡ rau cho chính tay mình trồng, không phun bón gì độc hại nên an toàn, mà không biết họ đang tự đầu độc chính mình và người thân bởi sự thiếu hiểu biết khi trồng rau tại nhà.
Có thể dễ dàng nhận thấy những “vườn rau” lề đường trên khắp các tuyến phố tại TPHCM. Rau được trồng trong chậu xi măng, trong chậu nhựa, trong thùng xốp, cả trong những chai nước lớn được cắt bỏ đầu. Những mảnh vườn mini bên lề đường có từ ớt, chanh, rau thơm đến rau ăn lá, thậm chí cả củ quả.
Những chậu rau xanh mướt tưởng như rất an toàn bởi được chủ nhân chăm chút, tuyệt đối không xử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học độc hại nào. Và những cây rau trồng ở lề đường đó hồn nhiên bước vào bữa cơm gia đình hàng ngày, còn được ưu tiên dành cho trẻ nhỏ, cho người già, người bệnh với niềm tin đó là rau sạch, đem lại an toàn cho người dùng.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7 được coi là khu nhà giàu với quy hoạch hiện đại, đẹp mắt, quy củ nhưng cũng không thiếu những chậu rau trồng vỉa hè. Bất cứ khu phố nào trong khu dân cư này cũng có thể thấy những vạt vỉa hè được tận dụng đặt thùng trồng rau. Thậm chí mảnh đất nằm lọt trong công viên trước chung cư Mỹ Viên, nằm giữa đường 20 và 22 còn được một người phụ nữ tận dụng trồng rau lang, rau muống, rau dền, bầu, mướp... bán lại cho cư dân xung quanh.
Người phụ nữ trồng rau cho biết, bà là giúp việc cho một hộ dân ở gần đây. Ban đầu thấy có người ra cuốc đất trồng rau ở khu đất trống này, bà cũng xin chủ nhà ra trồng để lấy rau xanh cho gia đình, sau nhiều quá ăn không hết nên sáng nào cũng hái bán cho những người đi tập thể dục, vừa có thêm tiền tiêu vặt, vừa có tiền mua thêm cây giống, phân bón. Nước tưới rau là nguồn nước thải đã qua xử lý tạm vốn dùng để tưới cây công viên. Mỗi ngày, rau từ khu đất này lên bàn ăn hàng chục hộ dân ở đây với giá chỉ bằng một nửa so với rau siêu thị.
Thực tế rau trồng trên vỉa hè có phải là rau sạch và có thật sự an toàn ?
Muốn khẳng định được điều đó trước hết phải hiểu thế nào là rau sạch. Bỏ qua tiêu chuẩn organic vì nó quá khắt khe, thì rau sạch trước tiên phải là rau an toàn. An toàn từ các tiêu chuẩn được đánh giá qua kiểm định bằng các kỹ thuật trong các phòng xét nghiệm chứ không phải chỉ bằng mắt thường. Đó là các chỉ số lý hóa vi sinh, dư lượng các chất có trong rau khi còn sống và cả sau khi chế biến. Không đơn giản chỉ là bụi đất bám trên cây, mùi thuốc bảo vệ thực vật hay vài vết sâu cắn lá là có thể khẳng định rau đó có an toàn hay không.
Để cho ra sản phẩm rau sạch, an toàn cho người xử dụng cần qua một quy trình sản xuất chặt chẽ, từ cây giống, đất trồng, nước tưới, phân bón đến cả không khí xung quanh. Cũng như con người, cây trồng ăn (phân bón), uống (nước tưới), thở (quang hợp không khí) và lưu lại các chất mình hấp thụ trong cơ thể (rễ, thân, lá). Có những chất sẽ đào thải theo thời gian hoặc qua phương pháp chế biến nhưng có những chất sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ lại chuyển đổi tồn tại trên cơ thể người, động vật nếu ăn phải. Lâu dần tích tụ trở thành độc tố.
Người ta tự trồng rau với niềm tin là rau mình trồng là rau sạch mà không biết rằng việc trồng rau ở lề đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại. Đa phần các chậu rau trồng ở vỉa hè đều thấp, ngang tầm với ống pô khí thải của luồng xe cộ qua lại mỗi ngày. Vô hình chung, các chậu rau xanh lề đường hấp thụ toàn bộ khí thải độc hại từ luồng xe cộ qua lại hàng ngày.
Trong khí thải xe có hàng loạt các hóa chất độc hại như Nito-oxit, carbon monoxide, sulfur dioxide, benzen, formaldehyde và muội than đều là các chất có thể gây hại tới sức khỏe con người mà rất nhiều những nguyên tố trong đó được cây xanh hấp thụ. Có những chất sau khi cây hấp thụ sẽ bị thải loại theo thời gian hoặc qua cách thức chế biến nhưng có những chất sẽ còn tồn tại vĩnh viễn trong cây và sau đó sẽ tồn tại trong cơ thể người khi chúng ta ăn nó. Điển hình là kim loại nặng. Kim loại nặng trong rau không mất đi khi chế biến, ăn vào sẽ tích tụ trong cơ thể người, lâu dần sẽ trở thành nguyên nhân gây nên một số bệnh.
Dụng cụ để trồng rau cũng là một vấn đề cần nói tới. Có thể thấy, dụng cụ trồng rau ngoài lề đường khá đa dạng, đa phần người trồng rau tận dụng được gì là lấy đó để trồng, ít ai đầu tư bài bản bởi trồng lề đường đi kèm với nguy cơ bị mất cắp.
Việc tận dụng các loại thùng nhựa, thùng xốp để trồng rau tuy có tiện lợi, ít tốn kém nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Những loại thùng này sau quá trình sử dụng, tiếp xúc với ánh nắng, phân bón, nước tưới sẽ bị phân hủy, các hạt vi nhựa bong ra sẽ lẫn vào đất, cây khi hút chất dinh dưỡng trong đất cũng hút luôn những hạt vi nhựa này hoặc bám vào rễ cây, lá cây. Những loại này khi rửa bằng nước không thể sạch hết, nấu lên cũng không bị phân hủy mà qua nhiệt còn thành độc tố gây hại cho cơ thể.
Việc bón phân cho rau lại cũng là một vấn đề. Mỗi loại rau, tùy vào từng thời điểm mà cần chế độ dinh dưỡng khác nhau. Không phải người nào trồng rau cũng am hiểu về dinh dưỡng phù hợp với từng loại cây. Việc bón quá nhiều phân khiến cho cây phát triển nhanh, nhìn xanh tốt và to lớn nhưng chính sự phát triển nhanh đó cũng là một yếu tố có hại cho người dùng. Khi đó cây sẽ dư thừa một số chất, điển hình là Nitrat, khi nấu nướng qua gia nhiệt sẽ biến thành Nitrite, gốc Nitrite là gốc độc, có thể gây ngộ độc nhất là với trẻ nhỏ.
Thêm vào đó, về mặt mỹ quan đô thị, những chậu rau với đủ hình thù, kích thước, vật dụng vô hình chung tạo nên một hình ảnh nhếch nhác, cẩu thả. Cây xanh vốn rất cần để làm đẹp những con đường và làm dịu đi cái nắng nóng oi bức nhưng không phải từ những chậu rau trồng tự phát. Đã đến lúc, vì chính sức khỏe của gia đình mình, cần dẹp bỏ việc trồng rau bên lề đường như chúng ta thường thấy hiện nay.
Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Nhật Tuấn, chuyên viên tư vấn kỹ thuật Công ty cổ phần Smart n Green, chuyên về lĩnh vực trồng rau sạch thủy canh đã có những lời khuyên đối với những ai ở thành phố mà yêu thích làm vườn.
Không nên trồng rau ở ven đường nhất là ở những nơi có lưu lượng xe cộ lớn. Nếu thật sự yêu thích việc trồng rau xanh tại nhà, mọi người nên lựa chọn nơi trồng rau không có khói bụi độc hại. Kể cả trồng trên sân thượng cũng nên có lưới bao phủ để hạn chế khói bụi. Nên mua giá thể trồng cây có nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo không chứa chất độc hại và cũng dễ dàng kiểm soát lượng dinh dưỡng cần thiết bổ sung cho cây.
Dụng cụ trồng cây cũng cần dùng loại chuyên dụng không chứa chì, thủy ngân, kim loại nặng.... Muốn có sản phẩm rau an toàn cho người thì bất cứ yếu tố nào trong các yếu tố: đất, nước, không khí đều quan trọng như nhau. Mọi người nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia trước khi biến mình thành những người nông dân thành phố.