BVCL - “Cá nhân tôi cho rằng, một Thẩm phán nói chung ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tuân thủ theo đúng quy định, cần nhiều đến kỹ năng “mềm” mà các nữ Thẩm phán sẽ có những lợi thế này”, đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ.
Ngày nay, phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã và đang tiếp tục phát huy, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, với ngành nghề đặc thù là Thẩm phán vốn chịu nhiều áp lực, đôi khi phải đối diện với hiểm nguy, nhưng những nữ Thẩm phán công tác tại các cơ quan Tòa án đã nỗ lực khẳng định sự vững vàng, tài năng, tâm huyết của bản thân.
Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, chủ tọa phiên toà xét xử các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra ở địa phương này.
PV: Vụ án đánh bạc nghìn tỷ là một trong những vụ án có tính chất rất phức tạp và đã được đưa ra xét xử một cách nghiêm minh, nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Tòa án cũng như sự ủng hộ của người dân. Là một Thẩm phán, trên cương vị là chủ tọa phiên tòa, xin bà hãy chia sẻ đôi chút về công việc này tới độc giả?
Phó Chánh án Nguyễn Thị Thùy Hương: Thẩm phán là người giữ cán cân công lý, là hiện thân của sự công bằng, do vậy mỗi một Thẩm phán ngoài việc thường xuyên học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nhiệm, kiến thức, kỹ năng… để có chuyên môn nghiệp vụ bản lĩnh vững vàng, thì cần tận tụy yêu nghề, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công việc luôn chứng kiến và đối mặt với mặt trái của xã hội nên cần hoàn thiện mình và phải đặt “tâm” và “đức” lên trên hết. Có như vậy, người Thẩm phán mới thực hiện đúng vai trò của mình nhân danh pháp luật để phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải.
PV: Đối mặt với hơn 300 người tham gia tố tụng; 92 bị cáo, đấu tranh với những người từng là tướng lĩnh công an, những chuyên gia tin học hàng đầu, trong những ngày tháng ấy bà có trăn trở gì ạ?
Phó Chánh án Nguyễn Thị Thùy Hương: Là Thẩm phán, chúng tôi đều có một điểm chung đó là bản lĩnh nghề nghiệp. Quá trình giải quyết vụ án này, một trong những trăn trở của tôi cũng như các thành viên Hội đồng xét xử là có nhiều bị cáo là nhân tố xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, có thể bắt kịp với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin trên thế giới nhưng lại thiếu hiểu biết về pháp luật. Và điều đáng tiếc là trong vụ án này có hai bị cáo khi phạm tội có chức vụ cao trong lĩnh vực pháp luật, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội xuất phát từ sự suy thoái đạo đức, từ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội của một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn... Thông qua giải quyết, xét xử đối với vụ án này tôi nhận thấy trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng về địa vị pháp lý và sự thượng tôn pháp luật bất kể người đó là ai.
PV: Cũng ở phiên tòa ấy, có những giây phút người dự phiên tòa lại được nghe lời động viên, hỏi han sức khỏe bị cáo nhẹ nhàng, chân tình của bà. Bí quyết nào giúp bà cân bằng giữa chất “thép” cần có của một Thẩm phán và sự dịu dàng của một người phụ nữ?
Phó Chánh án Nguyễn Thị Thùy Hương: Cá nhân tôi nhận thấy là một Thẩm phán nói chung ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tuân thủ theo đúng quy định thì cần nhiều đến kỹ năng “mềm” mà các nữ Thẩm phán sẽ có những lợi thế này. Với đặc thù nghề nghiệp cần có bản lĩnh vững vàng và tư chất của người phụ nữ: lòng vị tha, thông cảm sâu sắc, với đức tính kiên trì, mềm dẻo, tính cẩn thận tỷ mỉ, chu đáo… Các Thẩm phán nữ nói chung và cá nhân tôi nói riêng đã phát huy được những điểm mạnh này trong công tác giải quyết xét xử, đặc biệt là trong công tác hòa giải, do vậy sẽ có sự kết hợp giữa chất “ thép” với sự “ mềm dẻo” của người phụ nữ trong vai “Thẩm phán” như câu hỏi mà anh đã đặt ra.
PV: Thưa bà, một ngày làm vợ, làm mẹ của một nữ Thẩm phán khác biệt như thế nào?
Phó Chánh án Nguyễn Thị Thuỳ Hương: Mỗi một công việc có một đặc thù riêng. Tuy nhiên, với phụ nữ làm công tác xét xử cũng có những khó khăn, vất vả riêng xong ngoài công việc, với vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình thì những nữ Thẩm phán chúng tôi vẫn hội đủ những đức tính của người vợ, người mẹ, không có sự khác biệt nào khác so với các chị em phụ nữ của những ngành, nghề khác.
PV: Để so sánh giữa Thẩm phán và người mẹ, người vợ, theo bà vai nào khó hơn? Có khi nào hình ảnh nghiêm trang của nữ Thẩm phán khiến các thành viên trong gia đình e dè với bà hơn không?
Phó Chánh án Nguyễn Thị Thùy Hương: “Thẩm phán” là chức danh pháp lý để tôi thực hiện nhiệm vụ trong công việc, còn người mẹ , người vợ là thiên chức của một người phụ nữ. Với tôi công việc và gia đình đều quan trọng và là cuộc sống của tôi nên không có sự so sánh vai nào khó hơn và “thích” hơn giữa hai vai này. Tôi luôn yêu công việc và gia đình mình. Với công việc, tôi luôn nêu cao trách nhiệm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, với gia đình tôi cũng luôn tự điều chỉnh hoàn thiện mình, bố trí thời gian hợp lý cho gia đình và không để công việc ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, trong gia đình tôi vẫn đúng nghĩa là người vợ, người mẹ. Để làm được việc đó thì ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi đã luôn nhận được nhận sự chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp và gia đình.
PV: Xin cảm ơn bà!
Vụ đánh bạc lớn nhất Việt Nam được Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện khi lần theo một đối tượng lừa đảo 110 thẻ cào điện thoại với giá trị 55 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, Công an phát hiện ra đường dây cờ bạc trực tuyến quy mô cực lớn do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch VTC Online) điều hành thông qua hai cổng game Rikvip/Tip.club. Đường dây đánh bạc này được bảo kê bởi Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Đường dây này đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp một và gần 6.000 đại lý cấp hai.
Các bị cáo trong đường dây đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký mở tại 33 ngân hàng trong toàn quốc để tham gia đánh bạc, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng.