Diễn đàn pháp lý

Tranh chấp phí bảo trì chung cư, nên để chính quyền cấp huyện giải quyết

Quang Thắng 27/10/2023 - 17:14

Tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, UBND cấp tỉnh giải quyết sẽ dẫn tới tình trạng quá tải, dồn việc, không phù hợp, không đảm bảo tính kịp thời, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích thiết thực của người dân. Vì vậy nên để cấp quận, huyện giải quyết", Chánh án TAND TP. Hà Nội góp ý.

202310262211241287_nguyen-huu-chinh.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội phát biểu tại Quốc hội.

Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở xã hội vào chiều 26/10, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội cho rằng, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, việc chăm lo, giải quyết vấn đề về nhà ở cho Nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Dự thảo, Luật Nhà ở đã được đưa ra tại kỳ họp thứ 5, Ban soạn thảo tiếp thu và có chỉnh sửa thêm ý kiến của đại biểu.

Về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, đại biểu Chính nhận định, tại khoản 4 Điều 194 dự thảo quy định: "Tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư do UBND cấp tỉnh nơi có nhà giải quyết. Hoặc được giải quyết tại toà án nhân dân (TAND), trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật".

Theo dự thảo trước đây, khi tranh chấp có 2 cơ quan có được UBND cấp tỉnh và TAND giải quyết. Dự thảo mới đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp, do là UBND, TAND, trọng tài thương mại. Như vậy, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có khiếu kiện.

Tuy nhiên, theo ông, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh chưa thực sự phù hợp, bởi lẽ số lượng nhà chung cư hiện nay rất lớn, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, tính chất các loại hình tranh chấp này rất nhỏ.

"Nếu giao cho UBND cấp tỉnh giải quyết sẽ dẫn tới tình trạng quá tải, dồn việc, không phù hợp, không đảm bảo tính kịp thời, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích thiết thực của người dân. Hơn nữa, không phù hợp với xu hướng phân cấp hiện nay trong quản lý nhà nước. Do vậy, theo tôi, khi có tranh chấp nên giao cho UBND cấp quận, huyện giải quyết tranh chấp này là phù hợp", đại biểu đoàn TP. Hà Nội lý giải.

Về nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, quy định tại khoản 1 Điều 49. Dự thảo lần này quy định các nguyên tắc bố trí nhà ở tái định cư đối với trường hợp di dời đến nơi ở mới, trong đó nguyên tắc nhà ở tái định cư phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nhà ở khi bị thu hồi, giải tỏa. Nếu nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế thì rất ưu việt, giải quyết vấn đề nhà ở tái định cư, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo tối đa.

Tuy nhiên, ông băn khoăn bởi đánh giá sao cho đúng khái niệm "bằng hoặc tốt hơn nơi thu hồi, giải tỏa". Hiện nay, quỹ nhà đất tái định cư nhiều địa phương dần cạn kiệt, không thể đáp ứng được các tiêu chí và các nhu cầu của người được đền bù.

Hơn nữa, mỗi người dân có một nhu cầu khác nhau, có người cần bảo đảm điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có người mong muốn vị trí nhà đất nội thành, diện tích nhà ở được đền bù phải lớn hơn diện tích bị thu hồi hoặc nơi ở mới có giá trị kinh tế cao hơn hoặc có nguyện vọng được quyền chọn chỗ ở trong cùng địa bàn quận, huyện,...

Vì vậy, nếu thực hiện theo nguyên tắc này, Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí tái định cư nơi ở mới cho người dân. Theo ông, để giải quyết tốt hơn công tác bồi thường, tái định cư, từ đó giảm thiểu các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính phát sinh cần cân nhắc sửa đổi cụm từ "điều kiện bằng hoặc tốt hơn" thành điều kiện tốt nhất có thể" hoặc "bố trí bảo đảm điều kiện cho phù hợp thỏa đáng". Có như vậy việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mới giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích của người dân, chủ đầu tư và Nhà nước.

Về việc bố trí nhà ở tái định cư các khu vực khác nhau quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 49 có sự phân biệt về hình thức tái định cư cho những người dân sinh sống tại các khu vực khác nhau giữa 2 trường hợp đó là trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình theo quy hoạch cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại khu đô thị loại 1 tại phường, quận, thành phố thuộc khu đô thị đặc biệt được thực hiện bố trí nhà ở phục vụ tái định cư cho người có nhà bị giải tỏa theo một trong các hình thức quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 48.

Còn trường hợp giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác theo quy hoạch cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại khu vực không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 49 căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương và nhu cầu của người tái định cư. Việc bố trí tái định cư được thực hiện theo một trong những hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48.

Đại biểu đoàn TP. Hà Nội cho rằng không nên phân biệt các hình thức bố trí tái định cư như vậy. Bởi lẽ, quyền về chỗ ở là một trong những quyền hiến định công dân cần được đảm bảo và đối xử như nhau. Nhà nước có chính sách phát triển tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.

"Do vậy, để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân, cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, nhu cầu tái định cư và không phân biệt giữa khu vực khác nhau để quy định các trường hợp tái định cư theo khoản 2, khoản 3 Điều 49 đều được lựa chọn hình thức bố trí nhà phục vụ tái định cư như nhau theo quy định tại Điều 48 của dự thảo", đại biểu Nguyễn Hữu Chính góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp phí bảo trì chung cư, nên để chính quyền cấp huyện giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO