Trải lòng của những “nữ tướng” ngành Tòa án miền biên viễn

Nguyễn Tuấn| 09/03/2023 10:24

BVCL - Khi đảm đương công việc chuyên môn, nhiều nữ Chánh án đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào thực tế để mang lại hiệu quả trong giải quyết, xét xử các vụ án.

trai-long-cua-nhung-nu-tuong-nganh-toa-mien-bien-vien-hinh-anh01355797122.jpg
Chị Hoàng Thị Hường, Chánh án TAND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Vận dụng pháp luật linh hoạt

“Trong các vụ án, việc áp dụng các quy định của pháp luật vào để xét xử là chưa đủ, chúng ta cần phải vận dụng thêm mối quan hệ xã hội để giúp người phạm tội hiểu được hành vi của mình là sai trái và tâm phục khẩu phục trước phán quyết của Tòa án”, chị Hoàng Thị Hường, Chánh án TAND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ với phóng viên.

Với chị Hường, ngoài việc phân tích các quy định của pháp luật đối với bị đơn thì chị sẽ vận dụng các mối quan hệ xã hội để tác động, giải thích cho bị đơn hiểu rõ hơn về pháp luật. Thậm chí, trong và sau khi xét xử, chị vẫn tiếp tục vận động tuyên truyền pháp luật để bị đơn không chống đối, phản ứng lại quyết định của Tòa án.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chị Hường bắt đầu công tác tại Tòa án dân sự tỉnh Lạng Sơn. Được 6 tháng, chị chuyển sang làm tại phòng tổ chức, TAND tỉnh Lạng Sơn. Thời gian sau đó, với sự nỗ lực phấn đấu trong công tác, sự tin tưởng của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh nên chị được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng TAND tỉnh Lạng Sơn.

Sau khi học hoàn thiện về nghiệp vụ xét xử vào năm 2017, chị được bổ nhiệm và chuyển về làm Chánh án TAND huyện Văn Quan từ năm 2019 cho đến nay.

Chị kể, những ngày đầu chị dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về các vụ án, văn hóa đặc thù của người dân bản địa để từ đó có phương hướng tiếp cận, giải quyết và xét xử các vụ án.

Thông thường, các vụ án tranh chấp mới phát sinh chị sẽ chọn để xét xử đầu trước. Từ đó rèn luyện thêm kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết các tình huống pháp lý. Đồng thời chị chia sẻ và hướng dẫn thêm các Thẩm phán khác về việc giải quyết hồ sơ vụ án.

Khi đã chọn nghề thì con đường dù có khó khăn đến đâu cũng cần phải chấp nhận, đôi khi còn phải hi sinh vì công việc vì trọng trách được cấp trên giao phó. Với nghề Thẩm phán, có bản lĩnh, trí tuệ là chưa đủ, vẫn cần phải vận dụng pháp luật một cách linh hoạt trong giải quyết các vụ án, sao cho thấu tình đạt lý và đúng pháp luật, Chánh án Hường chia sẻ thêm.

Vì lẽ đó, từ khi về làm Chánh án TAND huyện Văn Quan đến nay, chị cùng tập thể cán bộ nơi đây giữ vững thành tích lao động xuất sắc và nhận Bằng khen của Chánh án TANDTC trong hai năm 2020 và 2022. Đồng thời, giành giải nhất cuộc thi Kỹ năng Thẩm phán và Hòa giải viên trong áp dụng thực Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2021.

Nỗi buồn sau mỗi phiên tòa ly hôn

Trong mỗi vụ án ly hôn, chị Liễu Thị Hạnh, Chánh án TAND huyện Văn Lãng, lại cảm thấy buồn và thương cảm với những đứa trẻ. Buồn vì các con sẽ không còn được chung sống trong một gia đình trọn vẹn, mà phải chịu sự chia cách về tình cảm của bố mẹ.

“Chị cùng các Thẩm phán và các Hòa giải viên luôn tìm các phương án hòa giải, giúp các vợ chồng tiếp tục chung sống cùng nhau, nhưng việc này thực sự không hề dễ dàng chút nào, vì trong họ đã hết tình cảm. Nhiều vụ vợ chồng đã ly thân từ mấy năm trước và cũng không quan tâm gì đến con cái, nên khả năng hàn gắn lại là rất khó, gần như bằng không…”, chị Hạnh chia sẻ.

Quá trình làm Thẩm phán, chị xét xử rất nhiều vụ ly hôn nhưng có lẽ, vụ chị nhớ nhất vẫn là vụ án của một người quen, cả hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước. Chia sẻ với phóng viên, chị vẫn nhớ như in hình ảnh đứa con khi nói chuyện với chị. Cháu bé đồng ý việc bố mẹ ly hôn nếu bố mẹ cảm thấy thoải mái, bởi khi bố mẹ ở cùng nhau cũng suốt ngày cãi nhau, thậm chí đánh chửi nhau.

trai-long-cua-nhung-nu-tuong-nganh-toa-mien-bien-vien-hinh-anh11576264100.jpg
Chị Liễu Thị Hạnh, Chánh án TAND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn

Chị Hạnh cho biết thêm, đứa con rất hiểu chuyện và ý thức rõ về việc bố mẹ ly hôn là như thế nào nhưng vẫn trả lời như vậy khiến chị thấy giật mình, vừa thương cháu lại vừa trách bố mẹ cháu. Sự thờ ơ, không quan tâm chia sẻ với nhau là một phần nguyên nhân của việc ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng thậm chí khi ra tòa còn vì “cái tôi” cá nhân để tranh giành con cái, mà không hề quan tâm đến sự lựa chọn của con.

Là một người phụ nữ, việc nhạy cảm với những tình tiết liên quan đến mối quan hệ giữa con người với con người là khó tránh khỏi. Tuy nhiên khi xét xử, với nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, chị Hạnh lại luôn có cách giải quyết, xét xử sao cho thấu tình đạt lý để đảm bảo đúng quy định của pháp luật và những người liên quan vẫn phải thực sự tâm phục khẩu phục.

Được biết, tháng 7/2018, chị Hạnh chuyển công tác về làm Chánh án TAND huyện Văn Lãng (sau 14 năm công tác tại TAND tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2014). Quá trình công tác, chị cùng cán bộ TAND huyện Văn Lãng đã đạt được nhiều tích tốt, như tập thể lao động tiên tiến năm 2018; tập thể liên tiếp đạt tập thể lao động xuất sắc từ năm 2019 đến 2022; Bằng khen của Chánh án TANDTC năm 2020 và năm 2022.

Về cá nhân, chị Hạnh liên tiếp là chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2018 đến 2022. Và một năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Tòa án.

Nỗ lực để trở thành nữ chánh án trẻ tuổi

Năm 2004, chị Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Hữu Lũng, bắt đầu công tác tại TAND huyện Hữu Lũng. Những tháng đầu công tác công việc bộn bề, vất vả nhưng chị vẫn nỗ lực để được ngồi phiên tòa.

Nhớ lại những ngày đó, chị Giang cho biết, thời điểm làm tại TAND huyện Hữu Lũng, chị cũng vừa lấy chồng và sinh con đầu nên áp lực lại càng đè nặng. Chồng chị là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà, chị một mình chăm con nhưng vẫn phải đảm bảo làm tốt các công việc tại tòa. Những hôm công việc nhiều, chị vừa cho con ăn vừa đọc tài liệu để chuẩn bị cho phiên tòa.

Từ năm 2007 – 2008, chị học xong lớp nghiệp vụ xét xử, khóa cuối cùng nên phải thi đầu ra, đầu vào. Chồng không có nhà nên chị phải gửi con khi mới 13 tháng tuổi cho ông bà trông giúp.

pho-chanh-an-tand-tp-hcm-pham-thi-thu-ha-phu-nu-phai-no-luc-hoc-tap-trau-doi-moi-ngay-de-khong-bi-tut-lai-phia-sau-hinh-anh01106267278(2).jpg
Chị Trương Thị Hương Giang, Chánh án TAND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 12/2009, chị được bổ nhiệm là Thẩm phán, đến năm 2015 chị được bổ nhiệm là Phó Chánh án TAND huyện Hữu Lũng.

Quá trình công tác tại huyện Hữu Lũng, chị Giang đã giải quyết nhiều vụ án lớn và phức tạp, được dư luận quan tâm và người dân hết sức ủng hộ. Chị là một trong những thẩm phán tiên phong trong xét xử đấu tranh phòng chống tội phạm hủy hoại rừng tại huyện Hữu Lũng thời điểm đó.

Đến tháng 12/2017, chị được điều động và bổ nhiệm là Chánh án TAND huyện Chi Lăng (chị là nữ Chánh án trẻ tuổi nhất trong TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn khi đó).

Từ năm 2018 đến nay, TAND huyện Chi Lăng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tỷ lệ giải quyết án đạt 100%, đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc qua các năm. Đặc biệt, đơn vị không có án bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán, không bỏ lọt tội phạm; không có bản án tuyên không rõ ràng; không có kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát; 100% đơn khởi kiện, đơn khiếu nại, tố cáo và các đơn khác được giải quyết trong thời hạn luật định.

Để có những thành tích trên, chị Giang đã nỗ lực nhiều, thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức và luôn chủ động tích cực, tham mưu kịp thời và chính xác giúp cấp trên trong giải quyết công việc.

Từ năm 2015 đến năm 2020, chị liên tiếp được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, Chiến sỹ thi đua TAND cấp Trung ương và nhiều Bằng khen của Chánh án TANDTC về công tác nghiệp vụ. Đặc biệt, tháng 4/2021, chị vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về thành tích xuất sắc trong 05 năm (2016 – 2021) thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ những trải lòng này, phần nào đã giúp chúng tôi hiểu và cảm nhận được sự cố gắng, vất vả, nhọc nhằn của những nữ chánh án – những người luôn gần dân, hiểu dân, học dân và giúp dân. Với tình yêu nghề, sự trăn trở trong từng vụ án, mỗi lần xét xử, các nữ Chánh án đều có cách giải quyết thấu tình đạt lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trải lòng của những “nữ tướng” ngành Tòa án miền biên viễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO