TP. HCM: Văn Phú Invest “vẽ dự án” trên đất công sản

Lê Nam| 13/01/2022 08:58

BVCL - Khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng (nay là đường Lê Văn Việt, quận Bình Thạnh) thuộc quản lý của Nhà nước. Thế nhưng, trên trang web của Công ty Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) lại “vẽ dự án” có tên Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng trên khu “đất vàng” này.

vp1.jpg
Công ty Văn Phú Invest “vẽ dự án” căn hộ cao cấp trên đất công sản

Theo thông tin từ trang web chính thức của VPI (vanphu.vn), Dự án căn hộ cao cấp Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng được xây dựng trên khu đất hơn 7.200m2 với tổng mức đầu tư hơn 1.253 tỷ đồng. Đây là dự án được định vị hạng sang thuộc bộ sưu tập Grandeur Palace nổi tiếng của VPI.

Cũng theo VPI, dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM, chỉ cách trung tâm Quận 1 khoảng 1km, tiện ích đồng bộ và hiện đại. Các căn hộ của dự án được thiết kế theo phong cách Úc kết hợp văn hóa Việt Nam, chú trọng tầm nhìn tối đa. Ở từng căn hộ, cư dân có thể ngắm cảnh đẹp trung tâm thành phố từ trên cao một cách thuận lợi nhất. Đồng thời, dự án cũng có vị trí đắc địa, thuận lợi về giao thông, thừa hưởng trọn vẹn tiện tích hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ trong khu vực.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Sở Xây dựng TP.HCM chưa công bố cấp phép cho bất kỳ dự án nào có tên “Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng” liên quan đến VPI. Còn khu đất hơn 7.200m2 số 129 Đinh Tiên Hoàng mà VPI giới thiệu khởi công dự án vào cuối năm 2021 là khu đất công vẫn do Nhà nước quản lý.

Đây là 01 trong 05 khu đất thuộc quỹ đất UBND TP.HCM dự kiến dùng để thanh toán Hợp đồng BT xây dựng tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa dài 2,75km (TP.Thủ Đức) theo hợp đồng đã ký cuối năm 2016 với CTCP Văn Phú Bắc Ái (thành viên của VPI).

Hiện nay, do một số vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án vẫn chưa thể hoàn thành, để đưa vào sử dụng. Công trường đã tạm dừng thi công từ khoảng 02 năm nay khiến hiện trạng xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, ước tính mỗi tháng ngân sách thành phố phải chi hơn 10 tỷ đồng tiền lãi cho dự án này, còn đơn vị thi công là CTCP Văn Phú Bắc Ái chủ động ngừng thi công khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Thời gian gần đây, CTCP Văn Phú Bắc Ái cũng đã có nhiều kiến nghị, yêu cầu UBND TP.HCM sớm thanh toán quỹ đất đối ứng để doanh nghiệp này tiếp tục triển khai dự án BT. Tuy nhiên, UBND TP.HCM đang trong quá trình rà soát báo cáo của các Sở ngành liên quan đến dự án này và chưa thông báo bất kỳ quyết định giao đất nào cho phía CTCP Văn Phú Bắc Ái. Như vậy, không rõ VPI (Cty mẹ của CTCP Văn Phú Bắc Ái) căn cứ vào đâu để lập và công bố dự án chính thức trên trang web của doanh nghiệp này?

Ngoài ra, kể từ thời điểm được đưa vào Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) năm 2016 đến nay, khu đất công hơn 7.200m2 nêu trên chủ yếu để trống, hoặc có thời điểm được cho thuê kinh doanh kho, bãi giữ xe và cửa hàng bán cây kiểng và một số dịch vụ nhỏ lẻ khác.

vpba-2.jpg
vpba2.1.jpg
Khu đất 129 thời điểm hiện tại

Trước đó, ngày 15/12/2021, trong văn bản trả lời báo Công lý, ông Trần Đức Thắng (Tổng Giám đốc Công ty Văn Phú Bắc Ái) xác nhận, khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng hiện thuộc quản lý của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, Công ty Văn Phú Bắc Ái chỉ thuê ngắn hạn một phần diện tích để làm văn phòng công ty.

Như vậy, sau hơn 05 năm dự án BT vẫn chưa được xử lý dứt điểm, ngân sách Nhà nước vẫn phải “gồng gánh” hơn chục tỷ đồng tiền lãi mỗi tháng, còn đất vàng công sản giá trị hàng nghìn tỷ đồng thì bị bỏ không, hoặc cho thuê với giá bèo bọt…

BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình đó cho Nhà nước; Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác, để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.

Tuy nhiên, hợp đồng loại này thường phát sinh nhiều tiêu cực, để “ăn hai đầu” như kê khống giá trị đầu tư, thi công dự án và không qua đấu giá để dìm giá công sản, rồi trục lợi…

Vì thế, hợp đồng BT đã bị “khai tử” kể từ 01/01/2021, để bịt lỗ hổng thất thoát công sản và ngân sách.

Trước khi được cập nhật trên trang web chính thức của VPI, dự án này từng gây sốt giai đoạn năm 2017 - 2018 với tên Grandeur Palace Bình Thạnh, khi được một số sàn giao dịch bất động sản giới thiệu ra thị trường. Theo đó, chủ đầu tư là CTCP Văn Phú Bắc Ái và đơn vị thi công là Coteccons. Dự án có 20 tầng nổi, 04 tầng hầm, với tổng diện tích sàn 57.200m2 gồm 515 căn hộ, 01 tầng đại siêu thị và 03 tầng để xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Văn Phú Invest “vẽ dự án” trên đất công sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO